Cha của Quân (ngụ tỉnh Bình Dương) chẳng may bị ung thư phổi thời kỳ cuối. Dù mẹ tận tình chăm sóc nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, cha Quân đã mãi mãi rời xa mẹ con Quân. Ngày cha mất, mẹ thẫn thờ, tiều tụy đến nao lòng.
Sốc vì mẹ có người mới
Thấm thoắt 5 năm trôi qua. Bây giờ, Quân đã 15 tuổi và em trai cũng đã lên 12. Vắng cha, dường như anh em Quân trở nên chững chạc, siêng năng hơn, vừa cố gắng học giỏi vừa tranh thủ phụ mẹ làm việc nhà. Hạnh phúc lại trở về căn nhà nhỏ dù không ít lần nỗi nhớ cha làm mắt ba mẹ con đỏ hoe. Nhưng rồi…
Tuần trước, mẹ bất ngờ dẫn về một người đàn ông. Nhìn cách họ nói chuyện, chăm sóc cho nhau, anh em Quân hiểu tất cả… Đêm ấy, hai anh em nằm ôm nhau khóc. Từ trước đến giờ, tình cảm mẹ dành cho cha rất sâu đậm, không ít lần sau ngày cha mất, anh em Quân bắt gặp mẹ đứng lặng người trước di ảnh cha, nức nở. Mẹ vẫn thường nhắc đến những thói quen trong sinh hoạt của cha, tình cảm của cha đối với ba mẹ con. Vậy mà... Cảm giác mẹ “phản bội’’, đã quên cha làm cả hai bị sốc. Mẹ vẫn còn trẻ, lại đẹp, thỉnh thoảng bà con, bạn bè mẹ cũng nhắc chuyện đi bước nữa, như là lẽ tất nhiên. Mẹ cũng đã hy sinh nhiều để anh em Quân được ăn học trong điều kiện tốt nhất. Nhưng nghĩ đến người cha thân yêu, anh em Quân lại không thể chấp nhận một người đàn ông xa lạ có thể thay thế vị trí của cha trong trái tim mẹ.
Ba mẹ của Minh Tú (quận 11-TPHCM) chia tay từ năm Tú lên 5 tuổi. Tú được giao cho mẹ chăm sóc. Thất vọng về người chồng vũ phu, bài bạc, mẹ Tú vẫn thường nói sẽ ở vậy nuôi con, không đi bước nữa. Tám năm trôi qua, Tú đã quen với cảnh nhà chỉ có hai mẹ con luôn quấn quýt bên nhau.
Chú Tuấn là bạn học cũ của mẹ, thường qua lại sửa chữa điện, nước và những thứ vặt vãnh trong nhà. Tú cũng rất quý chú Tuấn vì chú vui tính lại rất quan tâm, chiều chuộng Tú. Vậy rồi, mẹ thủ thỉ với Tú: “Mẹ với chú Tuấn sẽ kết hôn. Chúng ta sẽ là người một nhà”. Quá bất ngờ, Tú hét lớn: “Mẹ không biết giữ lời hứa. Mẹ nói dối!” rồi bỏ chạy vào phòng, đóng sập cửa lại. Cả tuần, Tú không nói một lời với mẹ dù mẹ tìm mọi cách gần gũi, trò chuyện với Tú. “Ba đã có vợ con mới, giờ đến lượt mẹ. Ba và mẹ đều không ai cần đến cháu. Bỗng dưng cháu thành trẻ mồ côi…”. Tú òa khóc nức nở khi tâm sự với tôi - người thân của gia đình Tú.
“Không thể gọi cô ấy bằng mẹ”
Thành (16 tuổi) vốn học giỏi, đàn hay, chơi bóng bàn khá, dù hoàn cảnh gia đình không được vẹn toàn như bao bạn học khác. Ba mẹ Thành ly hôn, Thành sống với ba. Ba của Thành là một doanh nhân thành đạt, tử tế và rất quan tâm đến con trai, không buổi họp phụ huynh nào của con mà ông vắng mặt. Nhắc đến ba, Thành luôn nói với giọng đầy tự hào, trìu mến.
Gần đây, giáo viên chủ nhiệm phát hiện Thành học hành sa sút, trở nên lầm lì, cộc tính, thậm chí có buổi tối Thành ngủ ở nhà bạn, không thèm về nhà mặc cho ba Thành gọi điện thoại tìm kiếm khắp nơi. Thì ra, ba Thành có bạn gái khá trẻ, họ đang tính đến chuyện kết hôn dù Thành phản đối ra mặt. “Em chỉ có một người mẹ. Dù ba mẹ đã ly hôn nhưng mẹ vẫn là mẹ của em, em không thể gọi người phụ nữ khác là mẹ, nhất là người đó không lớn hơn em bao nhiêu” - Thành ấm ức nói. Theo lời Thành, điều làm Thành thất vọng nhất là từ khi quen biết người phụ nữ ấy, ba Thành thay đổi rất nhiều. Cũng từ đó, những buổi chiều chủ nhật, cha con đạp xe cùng nhau trở nên hiếm hoi. Sự thay đổi đó khiến Thành có cảm giác ba là một người khác, rất xa lạ. “Ba không ấm áp, gần gũi như ngày xưa nữa. Bây giờ ba không còn cần em và có lẽ sau này cũng vậy” - Thành chùng giọng, ánh mắt rưng rưng.
Chuẩn bị trước tâm lý cho con
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương dẫn đến có những phản ứng tâm lý và hành động nổi loạn khi đối với trẻ, ba (mẹ) đang là tất cả, bỗng dưng bị san sẻ với người khác. Điều đó cũng có nghĩa là trong tâm thức, trẻ thấy nhiều mối lo sợ và bất ổn khi cuộc sống có sự thay đổi. Để giúp con vượt qua cú sốc tinh thần, trước hết ba (mẹ) hãy cho con làm quen với người mình định tái giá một cách tự nhiên để trẻ dần dần cảm nhận được mọi thứ, đặc biệt “người mới” nên thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia một cách chân thành, bình dị để cảm hóa dần trái tim con trẻ. Điều cần quan tâm và cảm thông nữa là dù được chuẩn bị trước về tâm lý, trẻ vẫn không thoát khỏi những ám ảnh bị bỏ rơi, mặc cảm với mối quan hệ kiểu dì ghẻ, cha dượng… |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)