Thanh Niên số ngày 4.5 có bài Di tích ngàn năm mòn mỏi chờ... “danh phận” phản ánh các kết quả khảo cổ học khẳng định, khu di tích Chăm Phong Lệ niên đại khoảng 1.000 năm có nhiều giá trị rất đặc biệt. Thế nhưng gần 10 năm qua, di tích này vẫn chưa được xác lập một “danh phận” xứng đáng.
Trước đó, tháng 4.2011, người dân địa phương khi đào móng làm nhà đã phát hiện một tượng sa thạch hình sư tử. Để bảo vệ khẩn cấp di tích, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã phối hợp Khoa Lịch sử (Trường đại học KHXH-NV Hà Nội) khai quật 3 lần trong các năm 2011, 2012, 2018 với diện tích khai quật lần lượt là 206 m2, 275,5 m2, 308 m2. Kết quả, phát lộ tổ hợp kiến trúc gồm đền tháp chính và tháp cổng với tường bao quanh, phân bố trên một gò đất cao nằm gần một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. Đặc biệt, có gần 400 hiện vật với nhiều chất liệu như đồ đá, gốm sứ, thạch anh, vàng... gồm tượng động vật như sư tử, voi; trang trí diềm mái như tượng người cầu nguyện, rắn thần, tai lửa... Đây là một công trình có quy mô lớn trong hệ thống đền tháp Champa hiện biết ở miền Trung VN.
Bình luận (0)