Di chỉ khảo cổ học thời dựng nước trước nguy cơ bị 'xóa sổ'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
07/05/2018 06:06 GMT+7

Được xác định là di chỉ khảo cổ học quý hiếm của thời kỳ tiền sơ sử, nhưng Vườn Chuối (xã Kim Chung, H.Hoài Đức, Hà Nội) đang đối mặt nguy cơ bị “xóa sổ”.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, không giấu nổi xúc động khi nói về di chỉ Vườn Chuối: “Thú thật là khi tiếp cận, bản thân tôi vô cùng kinh ngạc vì chúng ta có một di chỉ quá giá trị như thế. Nó quá là hiếm với Hà Nội để kể lại những câu chuyện lịch sử của 3.500 năm trước”.
Di tích cực quý hiếm
Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, di tích này đã được nghiên cứu từ những năm 1970. Từ thời điểm đó, việc khai quật xác định di tích thuộc giai đoạn Đồng Đậu tức khoảng 3.500 - 3.000 năm trước, cũng chính là thời kỳ dựng và giữ nước đầu tiên. “Vườn Chuối là một di tích khảo cổ học cực kỳ quý hiếm của thủ đô Hà Nội. Nó chứa đựng lớp di tích văn hóa kéo dài qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ Đồng Đậu qua Gò Mun tiến đến Đông Sơn. Di chỉ có các giai đoạn văn hóa trùng khít lên nhau như Vườn Chuối là rất hiếm. Quanh đây có phức hợp các di tích Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn nữa. Như vậy, nó quần tụ thành một nhóm di tích. Nhóm di tích này có giá trị phản ánh lịch sử thời kỳ dựng và giữ nước đầu tiên của VN. Nó là nơi sinh sống của người Việt cổ ở khu vực đồng bằng châu thổ Bắc bộ”, ông Tín cho biết.
Cũng theo ông Tín, tại Vườn Chuối, trong quá trình bị đào phá xâm hại đã có nhiều di vật quý. “Ví dụ có một người ở đó sưu tập được 40 dao găm Đông Sơn. Tuy nhiên, do quá trình phát triển đô thị, mình chưa có cảnh báo và quy hoạch khảo cổ nên khi làm quy hoạch xây dựng người ta cứ quy hoạch xây dựng thôi. Đương nhiên điều này sẽ đe dọa, thậm chí có thể làm di tích biến mất”, ông Tín nói.
Ông Huy cũng rất lo lắng. “GS Lâm Mỹ Dung (ĐH KHXH-NV Hà Nội) có chia sẻ với tôi rằng trường đã có ý kiến về xem xét bảo tồn. Tuy nhiên, công văn gửi đi mà không có phản hồi nào cả... Chính vì thế chúng ta cần xem xét trong thời điểm vô cùng nhạy cảm lúc này là toàn bộ khu đất đã giao cho Công ty Thăng Long 9 để xây dựng. Và nếu như không có sự can thiệp về quản lý thì chắc chắn khu này sẽ bị san lấp hết”, ông Huy nói.
Di chỉ khảo cổ học thời dựng nước trước nguy cơ bị 'xóa sổ'1
Di chỉ khảo cổ học thời dựng nước trước nguy cơ bị 'xóa sổ'2
Một số hiện vật tìm thấy ở Vườn Chuối
Làm hồ sơ di sản, thay đổi quy hoạch
GS Lâm Mỹ Dung, người đã khai quật ở đây nhiều lần, cho biết: “Thăng Long 9 chưa xây nhà nên vẫn có thể thay đổi kế hoạch được. Ta sẽ phải thống nhất với nhau là không thể giữ 100% được. Nhưng hãy ngồi với nhau để xem lại quy hoạch khu đó. Phải chỉ ra khu nào cần bảo tồn. Nếu ở chỗ đó làm nhà cao tầng thì cố gắng biến nó thành sân. Ở những khu đô thị bao giờ chả cần những công viên nhỏ, vườn hoa, sân đá bóng”.
Bà cũng cho rằng nên biến một di tích tiền sơ sử hiếm như thế thành một công viên văn hóa, hay bảo tàng nhỏ. “Bảo tàng này có thể kết hợp với Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá rất gần đó thành một nhóm bảo tàng. Nó cũng rất gần trung tâm Hà Nội. Về lâu dài chúng ta cần những điểm đến như thế. Những điểm khai quật rồi còn có thể lấy hiện vật về Bảo tàng Hà Nội. Còn những chỗ quan trọng của di chỉ thì nên giữ lại dưới dạng vườn hoa công viên, sân đá bóng. Ở nước ngoài họ cũng làm vậy cả mà”, bà Dung nói.
PGS-TS Huy còn đề xuất về việc làm hồ sơ di sản cho Vườn Chuối khi gom đủ thông tin. “Ở Phú Thọ các di tích Đồng Đậu đã được xếp là di tích lịch sử quốc gia, ở Cổ Loa cũng đã xếp di tích lịch sử quốc gia. Trong khi chúng ta chưa xếp hạng mà lại để Thăng Long 9 san bằng thì quá nguy hiểm”, ông Huy ý kiến.
Ông Lê Quốc Vụ, chuyên viên Cục Di sản văn hóa, cũng cho rằng: “Hà Nội nên lập dự án khai quật, thăm dò xác định phạm vi, thăm dò xác định giá trị của di chỉ này”. PGS-TS Tống Trung Tín ý kiến: “Theo tôi nếu được thì thăm dò khẩn cấp, thám sát một lượt. Những chỗ nào còn chưa khai quật thì khai quật, đưa hiện vật về bảo tàng”.
PGS-TS Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cho rằng: “Các nhà khảo cổ nên tiếp tục kiến nghị UBND TP tạm thời chưa thực thi các công trình khác trên toàn bộ di tích. Trên cơ sở tiếp tục khai quật thì phải làm việc kết nối các kết quả nghiên cứu từ đợt 1969 đến đợt kết thúc để làm rõ phạm vi và giá trị di tích. Trên cơ sở đó, đề xuất bảo tồn phát huy giá trị di sản. Việc xây công viên hoàn toàn xứng đáng ở vị trí này. Thậm chí còn có thể có nhà bia ghi nhận các giá trị đã phát hiện. Nó thể hiện ý thức trách nhiệm của lãnh đạo đương thời với di sản này”.
Trong khi đó, Phó giám đốc Sở VH-TT Trương Minh Tiến cho biết Sở đang tập hợp tư liệu để tọa đàm hướng bảo tồn di chỉ khảo cổ này. “Chúng tôi vẫn phải chờ ý kiến từ tọa đàm, trên hai khía cạnh. Qua tọa đàm chúng tôi sẽ trình ý kiến lên TP để TP cho quyết định”, ông Tiến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.