Đi chợ Gò mua đồ si Nhật

Nguyên Nga
Nguyên Nga
28/12/2018 09:52 GMT+7

Hàng trăm chiếc xe gắn máy chở hàng không thuế, chở người miệt mài qua lại, cày nát cả đoạn đường dài chưa tới cây số nối liền cửa khẩu và khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.

Chúng tôi đến khu vực cửa khẩu Tà Mâu (xã Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc, An Giang), giáp ranh với Campuchia lúc chiều tà ngày đầu tuần. Đường dẫn vào cửa khẩu có hàng chục điểm giữ xe hơi miễn phí, nguồn thu chính từ việc chạy xe ôm đưa khách qua cửa khẩu. Khách sang chợ Gò nằm sát biên giới Campuchia không cần giấy tờ gì, các xe ôm là lực lượng “bảo kê” tốt nhất cho khách. Mỗi lượt đi giá 10.000 đồng/khách.

Sống bằng nghề chở khách mua hàng lậu và đánh bạc

Những chiếc xe gắn máy chở những thùng hàng cuối cùng từ trong chợ Gò chạy qua cửa khẩu vào địa phận tỉnh An Giang dường như vội vã hơn, gấp gáp hơn. Chị T. chạy xe ôm đưa khách đi chợ Gò giải thích, họ tranh thủ chở hàng đi trước khi trời ập tối. Những người đàn ông, phụ nữ sang bên kia biên giới đánh bài, cuối ngày cũng “chất 2, chất 3” lên xe gắn máy rời khu vực casino sát hông chợ Gò vội vã băng cửa khẩu về nhà.
Người mua bán, kẻ chơi casino đều vội vã lên xe về nhà Ng.Ng
Ngược đường với những chiếc xe đang chở hàng vội vã chạy như “điên” về Việt Nam, chúng tôi lội sang chợ Gò lúc hơn 5 giờ chiều. Một đoạn đường được rải đá dăm tạm bợ, bụi cuốn mù mịt lại là đường huyết mạch, giao thương hằng ngày của người dân nơi đây với nước bạn. Xa xa bên kia cánh đồng lúa, mặt trời đang xuống thấp gần tầm với cánh tay.
Chị T. dặn đi dặn lại tôi 3 lần là không được chụp hình khu vực biên giới, vào trong chợ vắng người cũng không nên chụp vì người bán sẽ phản ứng rất dữ. Còn chụp khu vực biên giới, biên phòng phát hiện sẽ bắt xóa hết. “Cất hết máy ảnh vào trong túi xách chị mới dám chở”, chị T. dặn và cũng thông tin thêm, ngày thường có khoảng năm chục xe ôm hoạt động đưa đón khách sang mua hàng và đánh bạc, nhưng vào dịp lễ, khách đi miếu bà chúa xứ, rồi gần tết nè, lực lượng xe ôm tăng cường gấp đôi gấp ba vì hàng hóa về nhiều. “Đừng chê đường xấu bụi bặm, hàng trăm gia đình ở đây sống nhờ vào chợ Gò này đó. Toàn khách mua hàng lậu và đánh bạc không à”, chị T. nói.
Những thùng hàng lậu rời chợ vội vã cuối ngày trước khi trời tối Ng.Ng
Đằng sau chợ là dãy vài chục ngôi nhà sàn và nhiều vũng nước đọng phủ đầy rác của người Campuchia sinh sống. Vào mùa nước nổi, cả làng và chợ Gò đều ngập trong nước cả tháng. Phương tiện người Việt qua đây mua sắm đều bằng thuyền. Người bán phải chuyển hàng lên kinh doanh tầng 1. Trên tường những ngồi nhà sàn vẫn còn dấu vết của mùa nước lũ vừa qua, cao hơn 1 mét.
Dấu mực nước lũ vẫn còn in trên tường nhà Ng.Ng
Chiều, dãy nhà sàn bán hàng đằng sau chợ cũng đóng cửa im ỉm Ng.Ng

Mua hàng ngoại kiểu hên xui

Có một nét chung là ngay trong khu vực chợ, xe gắn máy cũng chạy như “điên”. Chiếc cầu tre tạm bợ chạy từ khu vực này sang khu vực khác cũng rầm rầm từ xe ba gác máy, xe gắn máy chất hàng quá đầu người chạy qua về như xiếc. Chợ bán nhiều nhất là hàng điện máy, điện tử “second-hand” từ Nhật. Tiếc là chúng tôi sang lúc chợ đã vãn, nhiều chủ sạp kéo cửa sắt chuẩn bị về nhà, nên không có nhiều thời gian để rảo chợ nhiều hơn. Tuy nhiên, đa số hàng hóa bán ở đây cũ mới lẫn lộn đều có. Thường được giới thiệu là hàng điện máy cũ của Nhật được nhập từ Đài Loan, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, mắt kính của Mỹ; hàng gia dụng từ Pháp, Đức…
Một chiếc quạt điện đẹp cũ của Nhật giá 700.000 - 800.000 đồng, nồi cơm điện Panasonic cũng tầm giá đó. Cái chảo thủy tinh hiệu Vision được giới thiệu hàng từ Pháp về giá 1,2 triệu đồng. Ấm nước giữ nhiệt của Nhật loại mới cũng giá 120.000 đồng, trong khi cùng loại đó tại TP.HCM bán giá 320.000 đồng/cái. Đồng hồ cũ, máy hát, loa, xe đạp Nhật, mỹ phẩm Mỹ… cũng bát ngát chủng loại và giá cả cực mềm, nếu đúng hàng ngoại nhập. Thậm chí, những màn hình máy Mac của Apple lớn cũng được bày bán tràn ngập ở đây. Có điều hàng hóa ở đây được mua theo kiểu “xem mặt bắt hình dong”, không có bảo hành, không có chuyện đổi trả, thuận mua vừa bán, tin hay không tùy vào người mua. Tuy nhiên, do giá rẻ, nên hầu như cảnh báo hàng giả hàng nhái cũng không khiến người mua chùn bước.
Con đường đầy đá sỏi tạm bợ phủ bụi là trục giao thương chính khu vực cửa khẩu này Ng.Ng
Tuy nhiên, khách đến chợ chỉ mua vài ba món đồ dùng có thể “lọt” qua cửa khẩu dễ dàng. Nếu mua xe đạp, tủ lạnh, ti vi Nhật… phải thuê người mang qua cửa khẩu. Anh B., người có kinh nghiệm mua hàng hóa tại chợ này được một người kinh doanh ở đó rủ vào kho hàng trong làng để xem kể lại, đa số những người qua đây kinh doanh là người Việt. Campuchia không siết nhập khẩu hàng đã qua sử dụng, không siết nhập phế liệu nên hàng cũ từ các nước phát triển đổ về nước này rất nhiều. Chính những ngôi chợ dọc biên giới như thế này đang tiêu thụ lượng lớn hàng second-hand về đây.
Ráng nốt thêm chuyến hàng này rồi về nghỉ mai chạy tiếp Ng.Ng
Và khách hàng không ai khác hơn chính là người Việt sang mua về dùng và bán. Hàng điện máy cũ của Nhật ở đây đều dùng điện 110V, người bán khuyên chúng tôi cứ mua về ra chợ Nhật Tảo mua thêm cục biến áp chuyển đổi điện là có hàng tốt xài bền rẻ đẹp. Đa số các địa điểm khách sạn, nhà hàng, quán ăn khu vực Châu Đốc - An Giang đều xài hàng điện tử second-hand của Nhật. Không chỉ sang đây mua bán, nhiều người Việt sang đây để “ngồi đồng” trong nhà casino lớn sát chợ hằng ngày. Và nơi đây, đánh bạc cũng được coi như một nghề - cái nghề có ngày ăn, ngày thua…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.