Thực tế hiện nay, người dân đã chủ động chuyển sang đặt hàng trực tuyến, đi chợ trực tiếp tại các điểm bán hàng dã chiến như mô hình tại Quận 5, hoặc tại các địa bàn được phép hoạt động như quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Thế nên, nhu cầu "đi chợ hộ" đang giảm mạnh, từ trên 50.000 hộ đăng ký mỗi ngày, nay xuống 45.000 lượt, dự báo sau ngày 30.9 sẽ còn tiếp tục giảm.
Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp các sở ngành, địa phương liên quan để tổ chức kiểm tra chặt chẽ các điều kiện về an toàn phòng chống dịch Covid-19, đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động các chợ đầu mối nông sản, chợ thực phẩm…
Đến nay, các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại 3 chợ đầu mối của TP.HCM đã hoạt động tương đối ổn định. Ngày 26.9, tổng lượng hàng hóa nhập điểm trung chuyển chợ đầu mối Bình Điền trên 124 tấn, chủ yếu là thủy hải sản hơn 100 tấn và còn lại là rau củ quả; chợ đầu mối Thủ Đức khoảng 118 tấn trái cây và chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 60 tấn rau củ quả.
Theo Sở Công thương, hiện các địa phương thuộc “vùng xanh” đã tổ chức cho người dân đi chợ 1 lần/tuần theo đúng kế hoạch. Cụ thể, quận 7 đã tổ chức cho người dân đi mua sắm hàng hóa thiết yếu 1 lần/tuần thông qua kênh phân phối tại 9 siêu thị, 154 cửa hàng tiện ích đang hoạt động; toàn huyện Củ Chi người dân đi mua hàng 1 tuần/lần tại các điểm cung ứng đang hoạt động như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn. Đặc biệt, huyện Củ Chi đã mở hoạt động 6 chợ truyền thống, 81 sạp bán hàng dã chiến và 2 điểm liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Tương tự, tại huyện Cần Giờ cũng phát phiếu cho người dân đi chợ 1 lần/tuần tại 8 chợ truyền thống với sự tham gia bán hàng của 156 tiểu thương. Khu vực nội thành, sau ngày 30.9, theo UBND Q.5, quận sẽ mở lại hoạt động các chợ truyền thống như chợ Hòa Bình và chợ An Đông.
Bình luận (0)