(iHay) Ngay giữa Sài Gòn xô bồ, chợ Bà Hoa đã mọc lên, chễm chệ, độc đáo và sầm uất từ gần nửa thế kỷ qua, trở thành điểm hẹn cho những người con xứ Quảng xa quê, tìm về hoài niệm qua những món ngon của quê nhà.
>> Độc đáo chợ 've chai' cho người giàu ở Sài Gòn
|
Chợ Bà Hoa nằm trên đường Trần Mai Ninh (P.11, Q.Tân Bình) cách ngã tư Bảy Hiền gần 1km. Từ sau ngày giải phóng, mặc dù được gắn với cái tên khá khô khan: Chợ Phường 11, nhưng với người sống quanh chợ và những người tìm đến đây mua bán, chợ chỉ có một cái tên duy nhất chợ Bà Hoa.
Điều đặc biệt là tất cả các sản vật bán tại đây đều được đưa vào từ các tỉnh miền Trung: Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Thuận… Tất nhiên, nguồn cung nhiều nhất đến từ Quảng Nam, Đà Nẵng. Từ đồ tươi như cọng rau thơm, rau húng, trái ớt xanh, trái vả, dưa gang… đến đồ khô như bánh tráng, củ nghệ, hạt nén, đường táng, đường phèn… tất cả đều “made in miền Trung”.
|
Các loại cá tươi như cá chuồn, sứa, cá khoai (mùa biển động), cá mó… đều được chở từ biển Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Thiết vào. “Cá tươi đặc sản của chợ này có đầu mối từ Trung vào, chỉ một số được lấy từ chợ cá đầu mối ở Sài Gòn thôi”, cô gái tầm 14-15 tuổi tên Hoàng đang phụ bán cá tại quầy cá ở đầu chợ cho tôi biết bằng giọng Quảng Nam đặt sệt. Hoàng nói cô từ Điện Thọ, Điện Bàn (Quảng Nam) mới vào Sài Gòn phụ việc cho người dì đã bán cá ở chợ này hơn 15 năm nay.
Vì chợ bán món Quảng nên tất nhiên người bán đa số gốc Quảng. Thâm niên bán ở chợ có thể đến 30-40 năm như bà Sơn bán hàng gia vị, đặc sản là các loại mắm của Quảng Nam; bà Nhẫn bán ốc gạo, bà Sáu bán bánh khô, bà Biệt bán cá…
Bà Biệt cho biết, vào hai ngày cuối tuần hoặc dịp lễ tết, phải lấy hàng nhiều hơn gấp 2-3 lần để bán cho khách. “Giới đi làm, văn phòng… cuối tuần mới có thời gian bày biện nấu ăn cầu kỳ, nấu món quê là thích nhất, nhiều người miền Trung vào đây sống và lập nghiệp cứ cuối tuần lại đi chợ này để nấu một bữa ăn cho đã, nên tụi tui chuẩn bị hàng hóa gấp đôi gấp ba để tranh thủ kiếm lời”, bà Biệt nói.
Tay thoăn thoắt làm ký cá chuồn khách mua nhờ làm, luôn miệng hướng dẫn khách cách ăn cũng bằng giọng Quảng gốc: “Kho cá chuồn với nghệ là thường rồi, tuần ni tui bày chị làm ri, xẻ dọc lườn cá, ướp nước mắm tiêu ớt rồi, nhét mớ củ nén và nghệ đã được giã nát vào thân cá, gập con cá lại, bỏ vô chảo dầu đang sôi chiên dòn. Ui cha ăn hết mấy lon gạo đó”.
Có thể nói đặc sản khô nhiều nhất ở chợ này là củ nén (hành tăm) và củ nghệ vàng, nghệ đen. “Món chi cũng dùng củ nén mà nấu mới thơm, quen rồi. Kho cá, canh cá, cháo cá, mì quảng… người Trung thích dùng củ nén hơn củ hành ta. Người không quen nghe mùi nén không ưa nhưng đã quen rồi là ghiền”, bà Hai bán củ nén, nghệ tươi sau dãy hàng rau nói.
|
Tất nhiên, chợ Bà Hoa không chỉ dành cho người Quảng mà những ai yêu ẩm thực miền Trung, đều có thể tìm đến. Một xấp bánh tráng nướng Tân Hội An còn nóng hổi, một lon ốc gạo từ biển Mỹ Khê, Sơn Trà xa xôi, hay rổ nén từ Trà Quế, trái vả, củ nghệ… tất cả được người bán gói ghém, trao cho người mua, không chỉ đơn thuần là trao đổi mua bán bình thường, mà trao cả tiếng vọng quê nghèo ngoài đó, giữa những người đồng hương.
|
Cái tên Bà Hoa theo giải thích của những người dân sống thâm niên quanh chợ là do một người phụ nữ tên Hoa lập chợ mà thành. Theo bà Nhẫn bán ốc gạo luộc ở đầu chợ, bà Hoa người gốc Bắc di cư vào Nam từ năm 1954, rồi dừng chân ở khu vực có nhiều người Quảng chuyên kinh doanh buôn bán sợi dệt từ quê Duy Xuyên mang vào.
Khoảng vài năm trước 1970, bà Hoa mua được miếng đất, đất trũng, rồi cho đổ đất lên xây nên ngôi chợ Bà Hoa ngày nay. Chợ ban đầu có cả 4 mặt tiền nhưng sau do tốc độ phát triển đô thị, chợ bị lùi sân dần trong đường nhỏ Trần Mai Ninh.
Bà Sơn bán gia vị, chủ yếu là mắm các loại, từ năm 1972. “Năm 1975 bà Hoa đi Mỹ rồi sau đó lâu lắm có về ghé thăm chợ, vài năm lại ghé thăm, tặng bà con khi chai dầu, biết ai khó khăn, bà còn giúp tiền bạc. Mấy năm nay không thấy bà về, có lẽ tuổi cao sức yếu…”, bà Sơn bỏ lỡ câu nói giữa chừng. Thế hệ con gái, con dâu của bà Sơn cũng đều có sạp bán hàng tại chợ này.
Nguyên Nga
>> Đi chợ đêm cuối tuần ở Chiang Rai
>> Lang thang chợ đêm Hội An
Bình luận (0)