Đi chùa xin lộc đầu năm: Cướp lộc phản cảm, không có nguồn gốc từ Phật giáo

25/01/2020 10:46 GMT+7

Đi chùa xin lộc đầu năm từ lâu đã trở thành thói quen của người Việt mỗi dịp Tết đến. Tuy nhiên, điều này không phải có nguồn gốc từ Phật giáo và các hòa thượng cũng cho rằng hình ảnh cướp lộc rất phản cảm.

Dịp Tết, tất cả các chùa đều quá tải vì lượng người đổ về thắp nhang, khấn vái rất đông. Người Việt đi chùa thường là để tìm sự bình yên trong tâm hồn, bày tỏ lòng thành kính trước các bậc thánh thần và ông bà tổ tiên.
Ngày Tết, người người đi chùa thường cầu mong bình yên, gia đạo hạnh phúc, cầu duyên… dù với mục đích nào, người ta cũng thắp những nén nhang rất thành kính. Và cách đi chùa xin lộc đầu năm của miền Nam và miền Bắc cũng rất khác nhau.
Theo một hòa thượng tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, người miền Bắc khi đi lễ chùa thường chuẩn bị mâm cúng với đủ các món: hương hoa, trái cây, tiền vàng, xôi thịt, tờ sớ viết những điều gia chủ mong muốn. Bài khấn của người miền Bắc cũng sẽ vần điệu, nhịp nhàng.

Người dân luôn quan niệm cướp được lộc trong đám đông thì may mắn sẽ đến

Đình Hiếu

Người miền Nam đi chùa thường không chuẩn bị mâm lễ, có chăng là mang theo nhang, trái cây chứ không có mâm cỗ mặn như miền Bắc. Bài khấn cũng đơn giản hơn, người miền Nam chỉ khấn những gì đúng như họ nghĩ, không cách điệu âm vần.

Không có nguồn gốc từ Phật giáo

Tiến sĩ Trần Long (giảng viên khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, ngày trước, trong đêm giao thừa, người dân thường ra đường hái những chồi non mới nở mang về nhà đặt lên bàn thờ hoặc một góc trang trọng. Người ta gọi đó là hái lộc đầu năm, những chồi non tượng trưng cho sự nảy nở, phát triển ở năm mới.
Sau này, có quy định không được bẻ cành lá ở nơi công cộng nên người ta hái lộc bằng cách mua những cành vàng lá ngọc, hoa hay bao lì xì đỏ thường bán ở chùa để về trưng trong nhà.

Chuyện cướp lộc có năm tạo nên hình ảnh phản cảm

Đình Hiếu

Thậm chí, người ta còn truyền miệng với nhau “lộc” trong chùa mới thiêng nên mới phát sinh hình ảnh vào chùa xin lộc, đặc biệt là hình ảnh tranh giành lộc phản cảm trong các lễ hội ở miền Bắc cũng từ đó mà phát sinh.
Hòa thượng Thích Trí Định (trụ trì chùa Phụng Sơn - chùa Gò ở quận 11, TP.HCM) cho biết tục lên chùa xin lộc đầu năm không xuất phát từ Phật giáo. Dù lộc được hiểu là những chồi non mới nhú, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Người ta rủ nhau lên chùa xin lộc đầu năm không có nghĩa chỉ là lộc ở mặt tiền tài, mà còn ở phần tâm yên, gia đình bình an, hạnh phúc. Và dân gian tin rằng lên chùa xin lộc đầu năm thì cả năm sẽ được may mắn, an yên.
“Người dân xin lộc ở chùa để cảm thấy vững tâm hơn. Nhiều chùa thường có bao lì xì để những khoản tiền tượng trưng để ai tới cũng có lộc mang về. Dù không nhiều, nhưng ai cũng mang theo trong ví để mong tiền luôn đầy túi. Đi chùa ngày Tết, một số gia đình còn xin được bánh trái mang về thì cả nhà sẽ cùng nhau ăn để hưởng lộc của Phật”, hòa thượng Thích Trí Định nói.

Cướp lộc phản cảm!

Theo TS Trần Long, ý nghĩa của việc đi chùa ngày đầu năm của người Việt xưa đơn giản chỉ là tìm sự bình an trong tâm hồn, cầu cho gia đạo hạnh phúc, khỏe mạnh…  Nhưng ngày nay, nhiều người đi chùa ngoài cầu những điều trên còn nhất quyết phải xin được lộc thì mới về.

"Lộc" trong quan niệm của người dân đã thay đổi ít nhiều

Đình Hiếu

TS Long cho rằng, chính việc xin lộc tại chùa của người dân đã khiến các chùa phải cung cấp một dịch vụ bất đắc dĩ đó là… cấp lộc, làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của việc lễ chùa ngày Tết.
“Nhiều cảnh cướp lộc, giành lộc từ sư thầy ở một số chùa miền Bắc đã tạo nên sự phản cảm trong dư luận, mạng xã hội. Phật giáo quan niệm tâm bình yên thì mọi chuyện sẽ bình yên”, TS Long chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.