Di chúc Bác Hồ có giá trị to lớn về lý luận, thực tiễn

26/08/2009 00:00 GMT+7

* Triển lãm 40 năm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh Ngày 25.8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cùng đông đảo các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử.

Các tham luận tại hội thảo đã tập trung làm rõ tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn về lý luận, thực tiễn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng VN và cách mạng thế giới; đồng thời nêu bật những kết quả đã làm được, những bài học kinh nghiệm của cách mạng VN qua chặng đường 40 năm thực hiện Di chúc của Người.

Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh: Cùng với thời gian, toàn Đảng và nhân dân ta ngày càng nhận thức được Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử quý báu, tài sản vô giá của Đảng và của dân tộc ta. Đó là sản phẩm kết tụ tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Những điều căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc thật giản dị và thiêng liêng.

Chính vì vậy, bản Di chúc của Người trở thành một tác phẩm bất hủ, còn chính Người trở thành nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn của mọi thời đại. Theo GS-TS Phùng Hữu Phú - Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, điểm lại một cách tổng quát chặng đường 40 năm để khẳng định một sự thật, những tư tưởng, những lời căn dặn của Bác Hồ trong bản Di chúc lịch sử nói riêng, trong toàn bộ di sản quý báu của Người nói chung, đã trở thành ngọn cờ dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh chống lại những cái cũ kỹ, lạc hậu, hư hỏng, từng bước sáng tạo, bồi đắp những nhân tố mới mẻ, đầy sức sống của một xã hội mới theo lý tưởng cao đẹp của Người.

PGS-TS Hoàng Trang, nguyên Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nhấn mạnh: “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Di chúc kết tinh cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Những giá trị nhân văn cao cả đã được đúc kết trong bản Di chúc của Người”.

* Chiều 25.8, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình đã khai mạc triển lãm: “Cụm di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình, 40 năm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh". Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Bắc Son đã tới dự và cắt băng khai mạc. Triển lãm trưng bày hơn 200 hình ảnh tài liệu và hiện vật, giới thiệu với đồng bào trong nước, khách quốc tế về quá trình hình thành, phát triển của các đơn vị trong Cụm di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình, đặc biệt là nhiệm vụ giữ gìn, bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 40 năm qua; đồng thời khắc họa những tình cảm sâu nặng của nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế đối với Người.

Bên cạnh đó, triển lãm còn góp phần tuyên truyền, giáo dục và vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua những việc làm, hành động cụ thể. Triển lãm kéo dài từ nay đến hết ngày 2.9.

* Ngày 24.8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình đã tổ chức hội thảo “Ninh Bình - 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm sáng tỏ những vấn đề: Kết quả phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Công tác bồi dưỡng, chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đời sau; Công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh theo tinh thần Di chúc Hồ Chí Minh...

TTXVN - P.Hậu - N.Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.