Dị dạng ngực lõm vào trong

30/05/2008 15:39 GMT+7

Một đặc điểm của tình trạng lõm ngực bẩm sinh ở trẻ em đó là, bệnh xảy ra nhiều ở người châu Á, ít hơn ở người da trắng, và không xảy ra ở vùng châu Phi.

Yếu tố gia đình

Ngày 27.5 vừa qua, các bác sĩ của trường và Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) đã phẫu thuật thành công một trường hợp bị lõm ngực bẩm sinh. Bệnh nhân là em B.P.T (13 tuổi, ngụ ở tỉnh Đồng Nai). T. bị lõm ngực từ khi mới sinh, em càng lớn thì phần ngực của em càng lõm vào sâu hơn, không những gây mất thẩm mỹ mà còn khiến em thường xuyên bị mệt (do thành ngực lõm chèn ép lên tim). Mới đây, gia đình đưa em đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) và được chẩn đoán "dị dạng lõm ngực bẩm sinh". Các bác sĩ đã phẫu thuật 2 giờ đồng hồ bằng kỹ thuật Nuss - mở 2 vết mổ nhỏ ở hai bên lồng ngực, và đặt khung kim loại vào trong lồng ngực, uốn nắn theo dị tật của bệnh nhân để chỉnh lại lồng ngực.

Bác sĩ Trần Thanh Vỹ, (người trực tiếp phẫu thuật cho T.) cho PV Thanh Niên biết: Cho đến nay thế giới cũng chưa tìm ra được yếu tố di truyền nào gây ra bệnh này. Trước đây, người ta nghĩ bệnh liên quan đến tình trạng còi xương, nhưng nay các nhà chuyên môn đã thay đổi quan niệm, và nghĩ rằng, bệnh có liên quan đến yếu tố gia đình. Người ta cũng đã ghi nhận có trường hợp trong một gia đình có 4 người cùng bị lõm ngực (gồm: bố và 3 người con trai).

Thế giới ghi nhận có một điểm đặc biệt ở căn bệnh này đó là: với người da trắng tỷ lệ mắc bệnh lõm ngực bẩm sinh bình quân là cứ 300 trẻ sinh ra còn sống, thì có một trẻ bị lõm ngực bẩm sinh; ở người châu Á cao hơn một chút; riêng người châu Phi thì đến nay không thấy có bệnh này. Tại Việt Nam chưa có khảo sát nghiên cứu về căn bệnh lõm lồng ngực bẩm sinh.

Nên chữa trị ở thời điểm nào?

Theo bác sĩ Trần Thanh Vỹ, với những trường hợp bị lõm ngực bẩm sinh, tốt nhất là nên phẫu thuật chữa trị trong thời điểm trẻ từ 3-10 tuổi. Chữa trị ở lứa tuổi này sẽ cho kết quả thành công cao hơn, cũng như ít bị biến chứng hơn. Còn để sau 10 tuổi, khi ấy lồng ngực của trẻ cứng, việc phẫu thuật sẽ khó khăn hơn, tỷ lệ thành công thấp hơn. Thông thường, nếu được chữa trị sớm tỷ lệ thành công (hết lõm ngực) đạt khoảng 97%. Qua đường mổ, các bác sĩ sẽ đưa một khung kim loại vào trong lồng ngực để chỉnh nắn đưa lồng ngực trở về bình thường. Đây là một kỹ thuật cần phải được đào tạo, phải khéo léo, vì nếu không khung kim loại sẽ chạm vào tim hoặc các cơ quan khác.   

Tùy trường hợp, nếu phẫu thuật sớm như nói trên, thì sau khi đặt khoảng 2 năm, khung kim loại sẽ được lấy ra. Còn nếu mổ trễ, tùy trường hợp, bác sĩ đánh giá độ mềm, cứng của lồng ngực mà quyết định thời gian lấy khung kim loại ra, nhưng bình quân cũng khoảng 4 năm. 

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.