Đi đâu cũng hướng về Việt Nam

02/09/2023 08:32 GMT+7

Những người trẻ Việt Nam, dù học tập, làm việc ở trong nước hay nước ngoài, đều chung một khát vọng hướng về một Việt Nam hưng thịnh, hùng cường.

Khát vọng của nữ kỹ sư Việt

Kỹ sư Nguyễn Thị Mai (32 tuổi) đang làm việc tại TP.HCM, là chuyên gia tư vấn của IFC - Thành viên Ngân hàng Thế giới (World Bank). Nữ cựu sinh viên ngành Kinh tế và quản lý xây dựng, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội luôn là niềm tự hào của nhiều thầy cô và những người bạn đồng trang lứa.

Đi đâu cũng hướng về Việt Nam - Ảnh 1.

Kỹ sư Nguyễn Thị Mai

NVCC

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Nhật theo học bổng ADB, cô tham gia nhiều khóa học, hội thảo ở nhiều quốc gia với các học bổng toàn phần như khóa học mùa hè tại Phần Lan về mô hình thông tin công trình (BIM), học bổng toàn phần tham dự hội thảo về công trình xanh lớn nhất nước Mỹ tại Boston năm 2017 được tài trợ bởi Hội đồng công trình xanh Mỹ (USGBC); thực tập tại Cơ quan bảo tồn thượng lưu sông Thames - tỉnh bang Ontario, Canada…

Đáng chú ý, năm 2021 cô tới khoa Nghiên cứu và quy hoạch đô thị của MIT - Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT DUSP) để học với học bổng Humphrey - một chương trình thuộc Fulbright, của Chính phủ Mỹ.

Luôn là người Việt gây ấn tượng tốt trong thời gian học tập, nghiên cứu ở Mỹ, cô gái quê ở TP.Chí Linh, Hải Dương này còn chứng minh khả năng thích nghi, sáng tạo vượt bậc. Cô sang Đại học Harvard học về kinh tế đô thị, làm việc cho Cơ quan quy hoạch và phát triển của TP.Boston, tham gia vào chương trình phát thải ròng bằng 0 của thành phố này và các yêu cầu về khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu…

Từ năm 2022 tới nay, kết thúc thời gian học tập, nghiên cứu tại Mỹ, Mai trở về TP.HCM làm việc, song cô vẫn là thành viên của Hội Quy hoạch Mỹ (APA).

Tháng 7 năm ngoái, trong cương vị thành viên của APA, cô liên lạc với phía Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam để APA và phía Việt Nam có những sự kết nối.

Trong năm 2023, Mai tham gia hội đồng chuyên môn danh dự tại Hội nghị quy hoạch quốc gia 2023 để chia sẻ về dự án của mình với Ban Quốc tế thuộc Hiệp hội Quy hoạch Mỹ. Cô cũng tham gia Chương trình đổi mới toàn cầu thông qua khoa học và công nghệ (GIST) của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Thái Lan từ tháng 6 - 8.2023...

Nữ kỹ sư bộc bạch: "Tôi luôn hy vọng nội dung về quy hoạch bền vững, kết nối quốc tế sẽ nhận được sự quan tâm của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài ngành để cùng góp ý, đưa ra giải pháp thiết thực cho sự phát triển bền vững chung ở Việt Nam".

Nữ sinh gen Z "kéo" thế giới lại gần Việt Nam

Ở tuổi 21, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, sáng lập tổ chức giáo dục MiYork Organization và là sinh viên ngành kinh doanh tại ĐH Minerva (Mỹ), đã thúc đẩy nhiều sáng kiến giáo dục với giá phải chăng hoặc miễn phí đến hơn 80.000 học sinh, sinh viên đồng trang lứa. Với quyết tâm trao cơ hội học tập cho tất cả, cô cũng là ứng viên Việt Nam từng được Giải thưởng Diana của Anh vinh danh bên cạnh nhiều gương mặt quốc tế.

Đi đâu cũng hướng về Việt Nam - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Ánh Tuyết

NVCC

Lớn lên trong gia cảnh khó khăn, nhưng Ánh Tuyết luôn nỗ lực, cố gắng học thật giỏi và sau đó đã giành học bổng vào lớp chuyên Anh, Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Đắk Nông) và sau đó là học bổng toàn phần vào ĐH Minerva, ngôi trường có tỷ lệ trúng tuyển là 1%.

"Giáo dục chính là nơi khởi nguồn giúp tôi làm được những điều không tưởng, cho chính bản thân và xã hội. Vì thế, tôi muốn trao cơ hội học tập và những bước ngoặt, bước tiến cho các bạn, để mọi người có thể tự đi xa hơn bằng sự nỗ lực của mình. Đồng thời, ở một số dự án, tôi cũng yêu cầu các bạn phải cam kết hỗ trợ lại cộng đồng như cách các bạn từng được hỗ trợ", nữ sinh tuổi 21 trải lòng.

Hiện tại, Ánh Tuyết cùng cộng sự tổ chức chuỗi hội thảo trực tuyến miễn phí về chủ đề xây dựng hồ sơ du học theo ngành nghề, với diễn giả là những trí thức trẻ giành suất học bổng toàn phần tại những ĐH danh giá như Harvard, Stanford, Duke... Ngoài ra, đội ngũ của cô cũng đang quản trị những nhóm cộng đồng về du học, nghiên cứu, khởi nghiệp, thu hút hàng chục ngàn thành viên. Tất cả đều miễn phí.

Theo Ánh Tuyết, rất nhiều học sinh Việt Nam đang thiếu khả năng tiếp cận với các cơ hội phát triển. Vì vậy, trí thức trẻ Việt tại nước ngoài có thể mang những kỹ năng, cơ hội và tài nguyên từ nước ngoài về Việt Nam.

Người "mở đường" cộng đồng chia sẻ

Cạnh tranh với hơn 850 hồ sơ trên toàn cầu, anh Trần Thanh Vũ (32 tuổi) là ứng viên duy nhất được trao học bổng toàn phần hệ tiến sĩ của Hội đồng Khoa học xã hội và kinh tế Anh (ESRC) để theo học tại khoa Sư phạm, ĐH Durham vào năm 2022.

Đi đâu cũng hướng về Việt Nam - Ảnh 3.

Trần Thanh Vũ

NVCC

Định hướng theo ngành sư phạm tiếng Anh từ thời ĐH, anh Vũ tốt nghiệp cử nhân tại Trường ĐH Sài Gòn, sau đó là thạc sĩ theo chương trình liên kết quốc tế giữa Trường ĐH Mở TP.HCM và ĐH Nam Queensland (Úc) vào năm 24 tuổi. Tuy nhen nhóm ý định học tiếp lên tiến sĩ từ thời điểm này, nhưng đến tận 7 năm sau anh mới thực hiện được ước mơ, lý do là vì không có... kinh nghiệm nghiên cứu.

"Để làm đẹp lý lịch khoa học, khi đang là giáo viên THPT, tôi vẫn tự học làm nghiên cứu và đi trình bày ở các hội thảo trong nước, quốc tế. Nhưng dù liên tục nộp đơn ở hàng chục trường đại học tại Úc, Anh, New Zealand..., tôi đều bị từ chối hoặc rớt học bổng. Nhưng những lần "hụt chân" này không quan trọng bằng việc mình học được gì và cố gắng lần tiếp theo ra sao, và đây chính là lời khuyên của tôi", anh Vũ chia sẻ.

Anh Vũ sáng lập và điều hành Mạng lưới hợp tác nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh (TERECONET), đồng thời hỗ trợ xây dựng Cộng đồng giáo viên tiếng Anh (People of TESOL). Đây đều là những tổ chức, dự án phi lợi nhuận tại Việt Nam chuyên tổ chức hoạt động phát triển chuyên môn cho cộng đồng giáo viên tiếng Anh, thu hút hàng nghìn nhà giáo tham dự.

Theo anh Vũ, giáo dục Việt Nam còn chưa bằng thế giới ở nhiều mặt. Các mặt này, trí thức trẻ Việt ở nước ngoài đều có thể hỗ trợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.