Họ là những phóng viên trẻ, đang hoặc đã từng làm việc ở Báo Thanh Niên. Nhân dịp Thanh Niên kỷ niệm 30 năm ra số báo đầu tiên, từ nước ngoài, họ hướng về tờ báo với tất cả tình cảm và sự chia sẻ, kỳ vọng.
Từ dấu mốc 30 năm (3.1.1986 - 3.1.2016) nhìn lại, hướng tới, mỗi người đều mong muốn được cống hiến nhiều hơn, sung sức hơn, đóng góp hết mình cho sự nghiệp chung của xã hội - đất nước thông qua những tin bài nóng hổi thời sự.
Nghĩ từ... Singapore
Khi tôi vào làm Báo Thanh Niên hồi cuối năm 2005, tòa soạn ở 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM đang tất bật chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập. Nay, Thanh Niên lại đang chuẩn bị kỷ niệm tuổi 30, tại trụ sở mới to đẹp hơn nhiều. Còn tôi thì ngồi ở tít Singapore, nghĩ về 10 năm qua.
Tính đến cuối năm 2005, Thanh Niên chỉ có nhật báo tiếng Việt cùng 2 trang tin điện tử tiếng Việt và tiếng Anh. Tôi được Tổng biên tập khi đó là anh Nguyễn Công Khế - giao cho nhiệm vụ quản lý trang tiếng Anh.
Thế rồi tháng 4.2006, một ấn phẩm rất công phu, dày gần 100 trang, và có phần “xa lạ” với tập quán làm nhật báo của anh em trong cơ quan, ra đời. Đó là ấn phẩm giải trí Thanh Niên Tuần San. Dù không tham gia vào ấn phẩm này, tôi vẫn cảm thấy sự chuyển động đầy khí thế trong cơ quan. Bất ngờ hơn, đầu tháng 7.2006, tôi lại được thông báo chuẩn bị bàn giao trang web tiếng Anh để đi Bangkok mở văn phòng thường trú nước ngoài đầu tiên. Đó là quyết định chắc nịch của Ban biên tập khi nhận được công văn của Bộ Văn hóa - Thông tin (khi ấy), cho phép Thanh Niên mở văn phòng thường trú ở Thái Lan và tổ chức in ấn, phát hành tờ Thanh Niên số chủ nhật tại Cộng hòa Séc.
Đoàn tiền trạm đi Bangkok đầu tháng 9.2006 đã thuê được chỗ đặt văn phòng. Đang dự kiến tháng sau tôi sẽ chính thức sang Bangkok làm việc, thì vào đêm 19.9.2006, Thái Lan diễn ra đảo chính. Hoạt động văn phòng vì thế được đẩy nhanh hơn. Phải đến tháng 2.2007, việc lập văn phòng mới hoàn tất với nước chủ nhà, do cả hai bên đều lúng túng về thủ tục. Lúng túng vì lần đầu tiên một cơ quan báo chí tự chủ về tài chính của Việt Nam mở thường trú ở nước ngoài!
Tưởng đã yên ở Bangkok. Không ngờ, chỉ hơn 2 tháng sau tôi lại được gọi bay sang Singapore với dự định: “Chúng ta mở một văn phòng nữa tại đây”. Quyết định táo bạo này được đưa ra ngay trong lúc Thanh Niên chuẩn bị đưa chương trình văn nghệ Duyên dáng Việt Nam ra nước ngoài lần đầu tiên. Tôi lại lục tục chuyển từ Bangkok sang Singapore và yên vị tại đây cho đến nay!
Trên chặng đường 10 năm qua, Báo Thanh Niên đã đi những bước khai phá đầy dũng cảm, dẫu phía trước đầy thách thức. Ở tuổi 30 dạn dày, tôi tin chắc Thanh Niên của mình đã xác định được con đường tiếp theo để đưa tờ báo lên những nấc thang mới, hòa cùng nhịp tiến đến chóng mặt của công nghệ báo chí.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
“Đóng quân” tại Thái Lan
Tôi không phải là người đầu tiên “đóng quân” tại Thái. Trước tôi có Việt Phương (giờ là phóng viên báo Tuổi Trẻ), anh Minh Quang (vẫn là phóng viên Thanh Niên) rất năng nổ, làm việc hiệu quả nên những ngày đầu làm phóng viên thường trú ở Thái tôi bị áp lực kinh khủng. Nhưng rồi công việc và sự kiện dồn dập đã cuốn tôi đi lúc nào không biết, để rồi chẳng còn đầu óc để nghĩ phải “thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm” nữa.
Tôi không vui sao được khi những chuyến đi tỉnh xa, những bài viết của Thanh Niên về đời sống Việt kiều tại Thái như một nhịp cầu giúp người ở VN hiểu hơn về đồng bào mình nơi đất khách và ngược lại. Và cũng qua đó, bên cạnh Thông tấn xã, Nhân dân, VOV... vốn đã có mặt tại Thái từ lâu, giờ đây Thanh Niên đã thật sự có một chỗ đứng nhất định trong lòng kiều bào.
Tôi không tự hào sao được khi mới đây, ngày 9.11.2015 tờ Matichon khá nổi tiếng tại Thái Lan đã ký kết hợp tác với Báo Thanh Niên để chia sẻ bản quyền về thông tin kinh tế, chia sẻ lợi ích của giá trị quảng cáo tăng thêm và hợp tác tổ chức những sự kiện truyền thông trong khu vực. Đây là lần đầu tiên một cơ quan truyền thông ở Việt Nam ký kết hợp tác song phương với một cơ quan truyền thông nước ngoài về cả nội dung lẫn kinh tế báo chí. Số báo Thanh Niên cải tiến tăng thêm trang quốc tế, mở thêm chuyên trang ASEAN đồng nghĩa với trách nhiệm PV văn phòng thường trú nặng hơn. Nhưng đối với tôi đó cũng là một thách thức thú vị.
Lam Yên
(VP Bangkok)
(VP Bangkok)
Bồi hồi giữa Paris
Mới 2 tháng trước, khi các anh chị, đồng nghiệp cũ háo hức dọn đến văn phòng Báo Thanh Niên mới, to, đẹp, khang trang, tôi thấy lòng bồi hồi, bâng khuâng, nhớ những năm tháng cũ ở tòa soạn trên đường Cống Quỳnh. 7 năm làm dâu nơi đất khách quê chồng cũng là từng ấy thời gian tôi rời xa công việc phóng viên. Nếu bạn hỏi tôi có nhớ nghề làm báo không? - Có, nhưng chính xác thì tôi nhớ mọi người nhiều hơn, các anh chị, bạn bè đồng nghiệp ở Báo Thanh Niên.
Nhớ ngày xưa, khi chỉ mới là một sinh viên báo chí năm thứ 3, tập tễnh bước vào Báo Thanh Niên thực tập, một cái tin cũng chưa viết được nhuần nhuyễn. Được sự chỉ dẫn tận tình của các anh chị, trong đó có anh Đặng Việt Hoa - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên hiện nay, lúc đó là Trưởng ban Thanh Niên và Giáo dục, tôi đã thực hiện được những bài viết đầu tiên. Thương đám sinh viên chúng tôi, sếp thường hay giao đề tài, công việc cho làm và còn... dẫn đi ăn, không để đứa nào bị “thâm hụt ngân sách”.
Năm 2006, Ban Thanh Niên Tuần San ra đời, tôi được giao mảng ẩm thực và decor. Ba năm là phóng viên chính thức của Báo Thanh Niên, tôi tự hào lắm. Nhớ những buổi họp đề tài, nhớ gương mặt, nét cười của mỗi người trong ban, những lần góp tiền mua quà tổ chức sinh nhật cho từng thành viên, thật vui và chộn rộn quá chừng. Cũng phải thôi vì ngoài cố nhà báo Hoàng Hoài Sơn là "đại ca" hơi có tuổi, mọi người chúng tôi ai cũng trẻ trung, trai thanh gái lịch.
3 năm làm việc, cộng với 1 năm thực tập và cộng tác là 4 năm tôi "cắm sào" ở Thanh Niên. Thời gian không dài nhưng cũng đủ để tôi nhớ suốt một đời. 7 năm xa cơ quan cũ, sếp cũ, bạn bè đồng nghiệp cũ, tình cảm của tôi dành cho nơi này vẫn vẹn nguyên. Dù sống ở đâu, làm gì, khi mở máy tính gõ những con chữ, khi cần ghi nhận về một sự kiện quan trọng, tôi luôn nghĩ sẽ gửi về nơi ấy - Báo Thanh Niên!
Nguyễn Minh Tâm
(từ Paris, Pháp)
(từ Paris, Pháp)
Bình luận (0)