Chẳng ai biết từ “phượt” nghĩa là gì, cũng chẳng ai biết dân phượt là ai. Nhưng những người trẻ và cả không còn trẻ đang phượt ào ào khắp nơi ngoài kia đều hiểu vì sao mình phượt, mỗi người một cách - phượt để khám phá, chinh phục, để giải thoát, để thấy mình lớn lên… Tất nhiên, mục đích chuyến đi đầu tiên là cuộc chơi, nhưng không chỉ có thế.
Đi - để thấy mình lớn lên
Dăm năm trước, từ “phượt” xuất hiện trong câu chuyện của dân du lịch bụi, rồi dần dần lan ra phố, lên cả mặt báo. Đến giờ, nhiều đồng nghiệp nam của tôi vẫn cười ré lên khi nghe đến từ “phượt” và ánh mắt lóe lên tinh quái khiến tôi biết tỏng trong đầu họ đang nghĩ đến gì đó chả liên quan đến phượt. Chả trách được họ đã hiểu sai về phượt, bởi chả ai biết từ “phượt” ra đời từ đâu. Nghe đồn ban đầu nó có tên đầy đủ là “lượt phượt”, do một bậc lão làng trong làng phượt thốt ra, rồi sau lược bớt đi còn mỗi chữ “phượt”. Và cũng chả hiểu phượt nghĩa là gì. Chỉ hiểu nôm na, là đi du lịch bụi.
|
Sẽ có người bảo rằng, phượt không tầm thường như thế. Đọc báo, thấy dân phượt toàn nói rằng “phượt là khám phá, chinh phục, là hành xác, giải thoát, là tìm lại chính mình, để mình trưởng thành hơn, yêu quê hương đất nước hơn…”. Ừ, có khám phá, có chinh phục, nhưng đồ rằng 10 người đi phượt thì cả 10 trước tiên là để đi, để chơi. Ai phượt chả vì muốn được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang chín vàng bắc lên tận trời xanh, được thấy những cơn gió ngàn đuổi theo lưng mình khi đổ dốc trên những con đèo chìm lẫn trong mây, được chiêm ngưỡng hoàng hôn kỳ ảo khi cưỡi trên những ngọn sóng giữa trùng khơi, được ngạo nghễ đặt chân lên những đỉnh cao ngút ngàn mây gió...
Khởi đầu là đi chơi, nhưng quả thật, những chuyến phượt đã dạy cho người đi nhiều điều hơn sách vở. Quang Toàn - cậu thanh niên hóm hỉnh đã từ “vua xả rác” trở thành “chuyên gia nhặt rác” sau chuyến phượt đầu tiên, khi thấy trưởng nhóm phượt hôm đó lẳng lặng nhặt những vỏ kẹo nilon vương vãi giữa rừng hoang nhét vào balô. Minh Hằng – một tín đồ hàng hiệu – sau chuyến đi lên địa đầu cực bắc Hà Giang - đã trở thành tín đồ hàng giảm giá, nhập hội săn áo phông 30 nghìn, để vừa đi vừa gửi lại cho những cô học trò người Mông, người Dao sống ở lưng chừng núi đông cũng như hè chỉ một chiếc áo mỏng đã sờn vai.
Đã có nhiều chuyến phượt kết hợp tình nguyện, quyên góp quần áo ấm, sách vở cho những đứa trẻ quanh năm một manh quần cộc, tím tái vì rét giữa những bản làng lẩn khuất trong sương trên đỉnh núi. Đã có một thư viện được lập từ những cuốn sách cũ của dân phượt tại Apachải nơi cực tây Tổ quốc từ sáng kiến của những thành viên kỳ cựu một nhóm phượt trên diễn đàn Trái tim Việt Nam ttvnol.com. Đã có rất nhiều chuyến xe, cả xe máy lẫn ôtô, chở những bọc quần áo, sách vở chẳng hề đề tên, dán nhãn, lặng lẽ nhập vào đoàn xe xuôi miền Trung đến với đồng bào bão lụt, hay ngược miền núi đem mùa đông ấm đến vùng cao. Những chuyến phượt như thế đã giúp nhiều người lớn lên, khiến cuộc chơi của họ không hoàn toàn vô bổ, lãng phí.
Đi - để thấy mình bé lại
Lúc trẻ, người ta đi phượt để thấy mình lớn lên, trưởng thành hơn. Đến khi không còn trẻ, người ta đi phượt để thấy mình bé lại. Để thấy mình được tung tăng đuổi theo một vạt váy Mông khuất dần sau bờ rào đá Hà Giang, để được hồn nhiên thi gặm mía với cậu bé lấm lem thò lò mũi xanh giữa chợ phiên Bắc Hà, để được hớn hở nhảy “yomost” giữa cánh đồng hoa cải trắng bạt ngàn trên cao nguyên Mộc Châu, để được một lần hồ đồ uống hết bát rượu ngô nồng nàn rồi rúc vào bụi cây say quên trời đất nơi ngã ba biên giới… Chỉ có phượt mới khiến người ta trở về những giây phút tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo như thế.
|
Có lẽ vì thế mà nhiều người không trẻ vẫn mê mải phượt, để quay lại thời nông nổi, bồng bột và yêu đời của tuổi trẻ. Chẳng thấy ở đâu một người tóc đã điểm bạc lao thẳng xe vào con đường quánh đặc bùn đất tới đầu gối chẳng hề chớp mắt. Cũng chẳng nghĩ thời này vẫn còn các chàng trai trẻ vừa gồng mình đẩy xe vượt núi vừa hỉ hả hát vang rừng.
Chẳng nghĩ có đôi trai gái ngã xe giữa suối mà cứ nằm cười khanh khách át cả tiếng suối reo. Chẳng thể tưởng tượng những cô gái quen thướt tha váy áo mua sắm giữa Parkson lại hí hửng làm dáng chụp ảnh với một cái quần lội bùn 5 ngày không thay. Cũng chẳng thể ngờ có một đám cả trẻ cả không còn trẻ chui rúc trong một cái lều canh sắn giữa rừng hoang tê tái lạnh mà vẫn ngáy rung cả núi. Chỉ có phượt mới khiến người ta có thể làm những điều nông nổi đến điên rồ như thế.
Tất nhiên, chẳng phải tất cả dân phượt đều lớn lên qua những chuyến đi. Nhất là khi phượt đang trở thành một phong trào “sành điệu”. Có không ít người đi theo phong trào, đi mà chẳng biết nơi mình vừa qua gọi tên là gì. Những người ấy thường không theo đuổi cuộc chơi lâu dài. Cũng có không ít người, đa số là người trẻ, lao vào những cung đường mới nguy hiểm, quăng mình vào những nơi chưa có dấu chân phượt chỉ để ghi tên mình là người khai phá, mở đường. Ngay cả với những người đã đi mòn những cung đường phượt, những giây phút bé lại, hồn nhiên trong tích tắc cũng có thể trở thành những giây phút điên rồ, liều lĩnh. Đã có những chuyến phượt phải trả giá bằng máu, nước mắt và cả sinh mạng, do sơ suất không may mắn có, do chủ quan, thiếu kinh nghiệm và bốc đồng cũng có.
Cũng chẳng có mấy ai bé lại mãi, hồn nhiên mãi để phượt được mãi. Nhiều người ấp ủ đam mê, rồi đến một ngày cũng dần từ bỏ cuộc chơi vì gánh nặng tuổi tác, mưu sinh… Nhưng nhóm phượt này rồi già, rồi tan, lại có nhóm phượt khác trẻ hơn tiếp nối, lại tiếp tục chinh phục, khám phá, lại nối dài những cuộc vui bất tận và đam mê.
Theo Lao Động
Bình luận (0)