Đi Festival Huế với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

15/04/2012 03:56 GMT+7

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mời vợ chồng tôi ra Huế dự Festival 2012. Gặp nhau, việc đầu tiên anh Điềm đưa cho chúng tôi hai cái huy hiệu dự đêm khai mạc Festival. Và thật bất ngờ, hôm sau, nhà thơ tuyên bố sẽ đưa chúng tôi về... làng, sau đó... lên núi, theo một chương trình Festival của riêng anh.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mời vợ chồng tôi ra Huế dự Festival 2012. Gặp nhau, việc đầu tiên anh Điềm đưa cho chúng tôi hai cái huy hiệu dự đêm khai mạc Festival. Và thật bất ngờ, hôm sau, nhà thơ tuyên bố sẽ đưa chúng tôi về... làng, sau đó... lên núi, theo một chương trình Festival của riêng anh.

Về làng cổ Phước Tích

Làng Phước Tích thuộc H.Phong Điền, cách Huế hơn 30 km. Đó là một ngôi làng giống như mọi ngôi làng khác ở Thừa Thiên-Huế, chỉ có điều, nó là ngôi làng... cổ. Gọi là cổ vì làng còn lưu giữ được rất nhiều ngôi nhà rường có tuổi thọ vài trăm năm trở lại. Làng có nghề truyền thống là nghề gốm đã có từ nghìn năm. Đi suốt làng nhưng rất ít gặp người làng. Chỉ khi vào các ngôi nhà cổ, mới gặp được mấy cụ già. Lý do cũng đơn giản: thanh niên trai gái, kể cả những người trung niên trong làng đều đi học hay đi làm ăn xa cả. Làng được giao cho các “già làng” quản lý. Rất nhiều ngôi nhà đóng cửa, gọi ơi ới nhưng không thấy ai mở cửa.

Chúng tôi đi với một “thổ công” của làng - “nhà làng học” Nguyễn Thế. Anh Thế là học trò cưng của cố Giáo sư Hán-Nôm Nguyễn Đình Thảng, và sau khi đã uẩn súc được chữ nghĩa của thầy, anh tình nguyện “bám làng” với mục đích duy nhất: “đọc” cho ra làng. “Đọc làng”, mới nghe có vẻ lạ, nhưng đó là niềm đam mê của Thế, và không hề là việc dễ dàng. Không chỉ đọc các câu đối, các bức hoành phi, các bia mộ bằng chữ Nôm và Hán tự, Nguyễn Thế còn khiến chúng tôi kinh ngạc khi anh “đọc” vanh vách từng vỉ kèo, từng con chốt xà nhà bằng ngà voi, từng cột nhà bằng gỗ có chạm trổ, từng viên ngói âm dương trên các mái nhà rường. Đọc niên đại ngôi nhà, cách xây dựng nên những ngôi nhà ấy, những tập tục khi dựng nhà..., anh Thế đã đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này tới tò mò khác khi cùng anh khám phá một ngôi nhà cổ.

 
Trước ngôi nhà làng A Lưới - Ảnh: Tác giả cung cấp


Trong nhà anh hùng Hồ Vai (thứ 2 từ trái qua) - Ảnh: Tác giả cung cấp
 

Đến nhà bác Lê Trọng Diễn - thuộc một gia đình làm gốm nhiều đời, Nguyễn Thế cùng chủ nhà cùng nhau “đọc”. Gốm trưng bày trong nhà bác Diễn thuộc dòng gốm Chàm, có tuổi thọ cả nghìn năm. Gốm Chàm mộc, màu đạm và tối, hoa văn giản dị nhưng lại có vẻ gì đầy ám ảnh. Đây là những đồ gốm được khai quật ngay tại những lò gốm cổ trong làng. Gọi Phước Tích là “làng cổ” vì những gì cổ kính trong làng đều do “làng giồng được” chứ không phải mang từ nơi khác đến. Ngay cây thị cổ của làng có tuổi thọ hàng nghìn năm cũng do tổ tiên của người làng trồng. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói với tôi rằng ngày xưa làng nào cũng trồng nhiều cây thị vì gỗ thị dùng để khắc ván in sách. Đó là một loài cây chữ nghĩa, một loài cây văn hóa. Anh Thế tỉ mỉ chỉ cho tôi thấy những viên gạch cổ dùng xây ngôi miếu cổ bên cây thị lão, viên gạch nào cũng có một “lô gô” nhỏ xíu in đậm trên bề mặt. Theo anh Thế nói, những “lô gô” đó in bằng cọng lá chuối được cắt, là biểu trưng cho những lò gạch gốm trong làng, nó khiến người ta nhận ra ngay những viên gạch này xuất xứ từ làng Phước Tích. Từ ngày xưa, cha ông mình đã có ý thức về logo, cũng là ý thức về thương hiệu.

Đi trong làng Phước Tích có một cảm giác thanh thản đến lạ lùng. Gặp cây mai cổ, anh Điềm nói cả đời anh chưa từng thấy một cây mai nào mọc một cách thanh thản như vậy. Có lẽ đó cũng là cách hiện diện của người Phước Tích trong cuộc đời nhiều xô bồ giông gió này: bình thản, lành sạch, khiêm nhường. Tôi nói với anh Điềm, đó cũng là mơ ước của những nhà thơ như chúng ta, được sống đúng với bản chất mình.

Lên non A Lưới

A Lưới cách Huế ngót 70 km, đường dốc đèo nhiều cua tay áo, nhiều đoạn bị lở núi, nhưng đi cũng không khó.

A Lưới có hơn 27.000 dân, đa số là bà con dân tộc Tà Ôi. Nhân đây xin nói thêm: chỉ có dân tộc Tà Ôi chứ không có “dân tộc Pa Kô”. Người Pa Kô là tên gọi của người Tà Ôi sống sát núi hoặc trên núi. Tôi muốn lên A Lưới vì lẽ: đây là quê hương anh hùng Hồ Vai, thường gọi là anh hùng Vai. Đây là nơi có “Đồi Thịt Băm” nổi tiếng không chỉ với người Việt Nam, mà cả với người Mỹ. Và đây là nơi trong chiến tranh nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm “đóng căn cứ” và rất gần nơi anh viết bài thơ nổi tiếng Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ với những câu thơ vừa lâng lâng vừa xa xót “Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi/Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ”. Những người kháng chiến cũ chúng tôi cũng vậy, không bao giờ muốn rời xa tấm lưng nhân hậu của núi rừng và đồng bào dân tộc - nơi đã từng chở che nuôi nấng chúng tôi.

Không đủ thời gian để leo lên “Đồi Thịt Băm”, cũng chỉ đọc lại những câu thơ cũ của anh Điềm và nghe anh kể chuyện ngày kháng chiến ở đây, nhưng thật may mắn, chúng tôi được tới thăm nhà anh hùng Vai. Ngôi nhà anh Vai nhỏ nhưng khang trang. Người anh hùng đánh thắng Mỹ ngày trước bây giờ không “thắng” (phanh) nổi “con xe máy”, nên bị tai nạn. Lại thêm bệnh tim, phải mổ, anh Vai bây giờ chỉ đi lại lắt nhắt trong nhà. Chị Vai còn khỏe, và trẻ hơn tuổi 60 của mình. Điều ngạc nhiên là anh Vai, sinh năm 1940, trông cũng… trẻ, dù anh không còn khỏe. Tay bắt mặt mừng, được chụp ảnh chung cùng vợ chồng anh hùng Vai, với tôi thế cũng là thỏa mãn. Ngoài vườn anh Vai, những giò phong lan rừng đang khoe sắc và nhè nhẹ tỏa hương. Tâm hồn người anh hùng này cũng giống những đóa lan rừng, bình dị mà ngát thơm, cứ theo mùa lại nở, bất chấp bao mưa nắng.

Chúng tôi đã đi Festival Huế vậy đó, theo kiểu những nhà thơ lan man “ta tìm nơi vắng vẻ” theo một câu thơ cổ.

Huế - Quảng Ngãi 12.4.2012       

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.