Tại Phần Lan, chương trình phổ thông cũng 12 năm như nhiều nước khác trên thế giới. Học sinh vào lớp một năm lên 7 tuổi. Bậc tiểu học và trung học cơ sở là những bậc học bắt buộc. Học sinh đến trường không phải tốn một khoản chi phí nào về các khoản học phí hay đóng góp xây dựng vì được chính phủ tài trợ hoàn toàn. Các em còn được cấp sách giáo khoa, miễn phí suất ăn trưa ở trường, chi phí xe bus đưa đón hằng ngày.
Sau khi hoàn tất chương trình phổ thông cơ sở, học sinh có thể chọn một trong hai hướng: học tiếp lên chương trình phổ thông trung học hoặc chọn học một nghề nào đó ở trường trung học nghề. Điều đặc biệt, bậc trung học phổ thông không hề phân ban nhưng tự học sinh phân ban thông qua việc lựa chọn chương trình học tập của mỗi cá nhân. Học sinh trường nghề được dạy nghề cùng với việc học văn hóa. Các em học trường này có thể học tiếp bậc cao đẳng nghề ở hệ thống các trường nghề (Polytechnic) hoặc đi làm kiếm tiền khi các em đủ mười tám tuổi và không muốn đi học nữa. Học sinh học chương trình phổ thông thì theo đuổi việc đèn sách thêm ba năm.
Nhưng nếu em nào hoàn thành chương trình sớm thì cũng có thể thi lấy bằng tú tài trước thời hạn một năm. Về mặt xã hội, bằng tú tài phổ thông và bằng trung học nghề có giá trị tương đương. Có điều, người có bằng tú tài phổ thông thì được dự thi vào hệ thống các trường đại học (University) còn người có bằng trung học nghề chỉ được vào các trường cao đẳng (College) hoặc hệ thống trường nghề (Polytechnic). Tuy có sự phân luồng như thế nhưng nấc thang giá trị xã hội mỗi cá nhân không hề có sự phân hóa. Xã hội không đánh giá con người thông qua bằng cấp mà giá trị cá nhân được định vị bằng tài năng và chính sự cống hiến của mỗi người.
Trở lại chương trình bậc phổ thông ở Phần Lan, người ta gọi ba năm học phổ thông ở bậc học này là năm thứ nhất, năm thứ hai và năm thứ ba bậc trung học. Sách giáo khoa chỉ có một bộ dùng chung cho cả ba năm học (không phân thành chương trình từng năm một). Học sinh có thể hoàn thành chương trình môn nào trước cũng được. Ngày thi tốt nghiệp, học sinh phải làm bài trên cơ sở vận dụng toàn bộ kiến thức đã học trong chương trình chứ không phải chỉ làm bài trên cơ sở các kiến thức của năm học cuối. Tại Phần Lan, học sinh năm thứ nhất bậc trung học (tương đương lớp 10 ở VN) phải học đầy đủ 14 môn. Học sinh nào có kết quả từ 4 điểm trở xuống bị bắt buộc phải kiểm tra lại. Điểm 5 được xem là điểm yếu, tuy nhiên học sinh đạt mức điểm này được cho qua, em nào muốn có kết quả cao hơn thì ôn lại cho kỹ rồi xin kiểm tra lần hai. Khi sang năm thứ hai bậc trung học, học sinh được quyền chọn 7 môn học yêu thích. Những môn nào các em thấy "học không vô" thì có thể xin miễn. Như vậy, môn được chọn học có thể là môn Thể dục và môn được chọn bỏ có thể là các môn Toán, Lý, Hóa. Sau khi chọn môn, học sinh các năm thứ hai, thứ ba vẫn học chương trình được Bộ Giáo dục thống nhất cho cả bậc học. Các em vẫn học bộ sách ban đầu được cung cấp. Trong nội dung học tập các em chỉ thay đổi ở số lượng môn học mà thôi. Vô hình trung, từ sự lựa chọn môn học cho phù hợp khả năng, từ năm thứ hai bậc trung học trở đi, nói theo cách của ta, trong nhà trường tự phân hóa thành ba ban. Đó là ban Khoa học tự nhiên, ban Khoa học xã hội và ban Ngôn ngữ (ban này phải học 4 ngoại ngữ).
Thiết nghĩ, nêu lên vài kinh nghiệm, cách thức tổ chức trong công tác giáo dục ở nước bạn để chúng ta cùng suy ngẫm cũng là điều cần thiết.
Đ.N.T
Bình luận (0)