Cuộc sống hiện đại hối hả, tất bật cùng những phương tiện mới như internet, ebook ra đời nên thời gian dành cho việc đọc sách của mọi người cũng trở nên eo hẹp hơn. Văn hóa đọc vì thế cũng có những biến đổi. Những năm gần đây, chúng ta đã nghe rất nhiều những lời kêu than đại loại như “văn hóa đọc đang xuống cấp”, hay “giới trẻ ngày càng xa lạ với việc đọc sách”. Để biết sách được quan tâm đến mức độ nào, thiết nghĩ, cứ đến hội sách mà chứng kiến.
Thấy gì từ hội sách?
Hội sách TP.HCM là hoạt động văn hóa chuyên ngành được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, được xem là dịp quy tụ những cuốn sách mới nhất, "hot" nhất cũng như những cuốn sách quý hiếm, sách nghiên cứu, khảo cứu có giá trị. Có thể nói, hội sách là một kho sách khổng lồ để bạn đọc có thể thoải mái lựa chọn, tìm cho mình một cuốn sách ưng ý.
Theo như người viết quan sát, mỗi kỳ hội sách diễn ra, bạn đọc đến tham quan rất đông từ sáng tới tối, từ ngày khai mạc đến ngày bế mạc, trên khuôn mặt ai cũng hiện lên vẻ hào hứng và khi ra về không quên chọn cho mình một vài tác phẩm ưng ý. Cũng có không ít người thuộc tỉnh thành khác biết thông tin qua báo đài đã đến TP.HCM để dự hội sách, sáng lên xe đi, chiều lên xe về.
Ở hội sách bạn sẽ gặp được những người đến tham quan thuộc đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Có thể là em bé 5 tuổi, một phụ nữ xinh đẹp, một nam viên chức lịch thiệp, một người chạy xe ôm hay một cụ già râu tóc bạc phơ… Tất cả họ đều gặp nhau ở một điểm: yêu sách. Tuy cách đọc sách và thưởng thức sách của người Việt Nam có nhiều nét khác biệt so với thế giới nhưng có đến những hội sách lớn mới thấy nhu cầu đọc sách quả thật không hề nhỏ.
Giới trẻ hào hứng
Có phải giới trẻ bây giờ rất quan tâm đến hàng hiệu, internet, điện thoại xịn, xe máy xịn? Rất đúng. Với người trẻ, những vật dụng trên là sản phẩm mà họ mong muốn được sở hữu. Thế nhưng, nếu dựa vào đó mà cho rằng không còn nhiều bạn trẻ say mê sách thì thật sự là một nhận định chủ quan. Theo Fahasa, giới trẻ luôn là đối tượng chủ yếu của hội sách. Chính vì thế, những buổi giao lưu, hội thảo, ca nhạc, và ngay cả các chương trình khuyến mãi cũng nhắm đến các bạn trẻ.
Có người đi hội chợ sách từ khi còn là sinh viên, đến nay đã có con, lại mang con đi tham dự hội chợ. Có những bạn, hội sách kéo dài 1 tuần thì tham gia đủ cả 7 ngày. Đan Linh, học sinh lớp 11 trường Lê Hồng Phong (TP.HCM) cho biết: “Năm ngoái, cả lớp em kéo nhau đi hội chợ sách để giao lưu với chú Nguyễn Nhật Ánh. Năm nay, bọn em cũng đã “ấn định” ngày để cùng nhau đi cho vui. Em thích nhất phần giao lưu với các tác giả”.
Hội sách lần thứ VI có gì mới?
Hội sách TP.HCM lần thứ VI – 2010 có sự tham gia của hơn 150 đơn vị trong và ngoài nước với 471 gian hàng, tăng 74 gian hàng (khoảng 20%) so với Hội sách lần V. Mỗi đơn vị đều chuẩn bị giới thiệu tại hội chợ những tác phẩm nổi bật nhất, những hoạt động giao lưu thú vị nhằm ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc. Hội chợ sách năm nay vẫn giữ nguyên chủ đề như hội chợ sách lần thứ V đó là: “Sách – Tri thức – Hội nhập & Phát triển”.
Hội sách cũng thu hút được 31 NXB nước ngoài tham gia, lần đầu tiên có mặt các NXB của Đức, Pháp, Tây Ban Nha tham gia hội sách, nâng tổng số NXB nước ngoài tham gia hội sách năm nay tăng 7 đơn vị so với năm 2008.
Năm nay, hội sách có hơn 200.000 tựa sách với hơn 20 triệu bản sách được trưng bày và bán. Có nhiều sự kiện được tổ chức lần đầu tiên như: trưng bày nhiều đầu sách hay và có giá trị về Thăng Long-Hà Nội, trưng bày 100 bức ảnh nổi tiếng về Hà Nội xưa để chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; Chương trình ngày hội tiếng Anh; Cuộc thi vẽ tranh hướng về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; các gian hàng của khối trường học và các trung tâm ngoại ngữ lớn như APOLLO, ILA, VATC…
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Lễ hội sách", tại sao không?
Ảnh: T.G
|
Chào anh, được biết gần đây anh có dịp đến dự Hội chợ sách (HCS)tại châu u, trông người ngẫm ta, anh có thể chia sẻ với TN TT> vài cảm nhận về HCS TP.HCM mà anh từng nhiều lần tham dự?
Cuối năm ngoái tôi có ghé thăm HCS thiếu nhi ở Montreuil (ngoại ô Paris, Pháp). HCS ở nước ngoài có truyền thống lâu đời nên việc tổ chức rất bài bản. Chẳng hạn, tại HCS Montreuil, ngoài những gian hàng truyền thống của các NXB, BTC dành hẳn một gian có vị trí thật "đắc địa" ngay lối ra vào cho Tổ chức "Agir pour la lecture" (tạm dịch "Hành động vì sự đọc"). Gian này trưng bày và cung cấp tài liệu về việc đọc sách nói chung và những tạp chí nghiên cứu về việc đọc của trẻ em Pháp nói riêng. Có một gian khác của một tổ chức tình nguyện giúp đỡ các nhà văn và họa sĩ tìm những NXB thích hợp và hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho những nhà văn mới vào nghề.
Các hội chợ của ta chưa có những gian như vậy. Và ngay cả việc bán sách, hội chợ của ta vẫn chưa (hoặc chỉ mới bước đầu) đặt mục tiêu giao dịch, thương thảo, ký kết hợp đồng với các NXB nước ngoài, để không chỉ "mua vào" mà còn "bán ra" tác phẩm của mình cho các đối tác quốc tế. Trong khi các hội chợ sách quốc tế, mục tiêu này là rất quan trọng.
Phần "hội" thì ta làm rất tốt, nhưng phần "chợ" chúng ta chỉ mới bán chủ yếu cho người đọc trong nước, nhưng vẫn chưa có kế sách và lộ trình thích hợp để "vươn ra nước ngoài".
Tâm huyết với sách, thuộc hàng "cao thủ giang hồ" trong giới văn sĩ, ắt hẳn anh có nhiều điều để nói về sách?
Hồi bé mỗi khi đặt chân vào hiệu sách, tôi luôn thích thú, hồi hộp. Thậm chí lần đầu tiên được ba dắt vào hiệu sách (một hiệu sách nhỏ xíu ở tỉnh lẻ), tôi cảm động và hạnh phúc như thể đặt chân lên thiên đường. Trở thành nhà văn như hôm nay cũng là nhờ sách nên tôi luôn biết ơn sách. Vì vậy, thấy già trẻ lớn bé tấp nập đi trong hội sách TP.HCM bằng vẻ mặt sung sướng, tôi rất vui, cảm thấy những ngày đó xứng đáng gọi tên là "Lễ hội sách".
Mà tại sao lại không ? Nước người ta có "Lễ hội bia", "Lễ hội khoai tây", Mình có "Lễ hội sách" cũng "oách" lắm chứ!
Nhân HCS TP.HCM lần VI, anh ra mắt độc giả những sách mới nào?
"Nóng hổi nhất" là truyện thiếu nhi Đảo mộng mơ do Công ty Đông A và NXB Trẻ thực hiện, in làm 2 ấn bản (bìa mềm và bìa cứng). Tiếp đó là ba tác phẩm quen thuộc viết cho tuổi mới lớn Nữ sinh, Bong bóng lên trời, Bồ câu không đưa thư được Công ty Art Sign và NXB Trẻ chuyển thể thành truyện tranh. Sau cùng là Kính vạn hoa (KVH) 53, KVH 54 và KVH tập 6 (bộ dày - gồm 9 truyện mới viết), do NXB Kim Đồng ấn hành.
Xin cảm ơn anh về những trao đổi thú vị này.
Lan Chi
Đạo diễn Lê Hoàng: Phần quốc tế còn kém lắm!
|
Không ít lần anh được mời đến hội chợ sách, anh có thể chia sẻ vài cảm nhận?
Phải thú thực rằng HCS của mình tính “chợ” nhiều hơn tính “hội”. Thứ nhất là một HCS đúng nghĩa, không chỉ đơn thuần là những nhà sách có quầy để bán sách của mình (vì nếu chỉ được thế người ta có thể đến bất kỳ nhà sách nào), nó cũng không đơn giản chỉ là dịp để giảm giá và tiêu thụ sách tồn kho. Điều quan trọng nhất là mỗi gian hàng phải giới thiệu được những nét riêng của mình và các HCS nhìn chung phải toát lên những xu hướng mới của văn học hiện thời. Thứ 2 là HCS cũng giống như LHP, người ta đến LHP không phải chỉ để xem phim mà còn để gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với các diễn viên, đạo diễn… mà gặp đấy phải là gặp trực tiếp để đối thoại chứ không phải chỉ để... tặng hoa rồi… cười toe toét!
Thì năm nào HCS cũng có giao lưu đấy thôi?!
Có, nhưng ít, và yếu! Nhưng suy cho cùng vấn đề không phải ở khâu tổ chức mà là vì văn học Việt Nam còn yếu, không có những tác giả đủ mạnh để khiến người ta nô nức được gặp gỡ, giao lưu. Cái thứ 3 nữa là phần quốc tế kém lắm. Ở các HCS thế giới, các NXB nước ngoài rất nhiều. Cũng giống như LHP, bất cứ LHP nào cũng có phim nước ngoài để người ta có thể so sánh, học hỏi cái mới, lạ, còn ở hội chợ sách nước mình, hầu như không có sách ngoại văn.
HCS năm nay, được mời tham gia ký tặng sách và giao lưu với độc giả, anh có muốn làm điều gì đó mới lạ hơn?
Ôi, cái đó thì…! Thứ nhất là vì tôi chưa bao giờ tham gia những cái như thế, nên chẳng biết phải làm cái gì. Thứ 2, tôi cũng nghi ngờ độc giả VN là sự giao lưu của họ rất kém. Họ đến chắc chỉ là vì tò mò thôi, chứ còn việc cầm một cuốn sách lên, thắc mắc, phản đối, phản biện tác giả thì rất là yếu. Có thể là do họ chưa đọc sách của mình, mà cũng có thể là do cách giáo dục ở nước mình nên cách bộc lộ rất kém. Thường trong các buổi giao lưu, độc giả rất rụt rè, cứ đến ngồi một tí rồi lại… bỏ đi. Mà nếu cả buổi giao lưu chỉ 1 bên nói, và cho dù người nói là Lê Hoàng, hay Lê Tèo gì đó cũng chẳng còn là giao lưu nữa.
Vậy sắp tới, đứng trên bục giao lưu, anh có cách nào để buộc người ta phải nói không?
Thú thật tôi chưa tham gia bao giờ, nên không hiểu nó là cái gì. Hơn nữa lần này có sách của tôi xuất bản, và tôi được NXB mời nên phải đến cho… lịch sự. Chứ còn gọi là tha thiết hồi hộp thì không có. Thật ra tôi từng tham gia nhiều lễ hội, nên tôi chỉ sợ rằng phần thiết thực thì yếu, mà lại nặng về hình thức. Tuy nhiên cũng hy vọng hôm ấy có người hỏi những câu hỏi hay thì buổi nói chuyện sẽ thú vị. Nhưng cũng phải thú thực, hy vọng đó cũng mong manh như hy vọng gặp một tảng băng giữa sa mạc vậy! (cười).
Cảm ơn anh.
Lê Vân
|
Tiến Lê
Bình luận (0)