Trường sa trong trái tim nữ phóng viên Thanh Niên

Đi hơn 10 chuyến biển vẫn chưa nguôi khao khát

Minh Thùy
Minh Thùy
21/06/2024 12:00 GMT+7

Không hề kém cạnh đồng nghiệp nam giới, những nữ phóng viên của Báo Thanh Niên hăng hái tham gia các chuyến hải trình vượt sóng cả Biển Đông đến với Trường Sa thiêng liêng để khi trở về có thể góp phần lan tỏa tình yêu Tổ quốc và ý thức chủ quyền đến mỗi người con Việt Nam.

Đầu năm 2008, tình hình ở Trường Sa không yên ả. Khi đó, anh Tổng thư ký tòa soạn thông báo cơ quan cần một bạn quay phim tham gia đoàn công tác đi thăm và chúc tết ở các điểm đảo.

Đi hơn 10 chuyến biển vẫn chưa nguôi khao khát- Ảnh 1.

Nhà báo Minh Thùy tác nghiệp tại Trường Sa

Thanh Niên

Phòng tôi làm việc lúc đó có 4 phóng viên quay phim nhưng tất cả đều bận, không ai sắp xếp được, vì vậy tôi chạy xuống gặp sếp trình bày: "Dạ, các bạn quay phim của phòng em không ai thu xếp đi được tới gần 1 tháng. Em chưa vướng bận gia đình gì, em lại vừa quay, vừa viết được nên anh cho em đi Trường Sa chuyến này". Sau khi suy nghĩ một lát, anh đồng ý với điều kiện công việc của tôi ở nhà phải được sắp xếp ổn thỏa. Thế là lên đường…!

Khi con tàu Trường Sa 14 vừa ra khỏi cửa vịnh Cam Ranh, hầu hết những vị khách trên tàu đều say sóng đến rũ rượi. Tôi chạy lên ca bin trước sự ngỡ ngàng của các anh thủy thủ trực ca hàng hải. Từ hôm đó, cứ có thời gian là tôi lại "đi ca" với các anh. Có hôm lại cùng thủy thủ tàu đi "tăng gia". Tăng gia là cụm từ chỉ việc con tàu dừng lại, thả xuồng xuống biển chạy một vòng kéo cá. Hôm đó các anh tăng gia được nửa xuồng cá. Con nào con nấy cỡ 5 - 7 kg. Thủy thủ làm cá, tôi liền đề nghị phụ làm rồi ngồi giữa khoang tàu, mổ hết mớ cá các anh đi tăng gia về được một thau bao tử cá. Thế là cả tàu có thêm món bao tử cá khìa, ai cũng thấy thú vị. Mùa cuối năm biển thường động, sóng lớn và tôi may mắn được trải nghiệm cảm giác… đứng tấn nấu cơm.

Hồi đó, đảo Trường Sa Lớn còn cằn cỗi. Bộ đội phải trồng xương rồng bàn tay để ăn cho có chất xơ. Một số đảo chìm trồng rau xanh thì phải che chắn tứ bề. Có khi đám rau đang tươi, chỉ một cơn gió thổi qua thì toàn bộ rũ xuống, coi như hư hết. Nhiều anh thích ớt nên trồng vào cái vỏ ốc để cứ gió hướng này thì bê cái vỏ ốc qua hướng kia, một ngày có khi chạy mấy lần như thế. Cây ớt không phụ người, lớn nhanh và cho nhiều trái lắm. Đảo chìm nào hầu như cũng có cây rau mơ và mấy loạt rau "nhuận trường" cho bộ đội cải thiện.

Chuyến đi đảo lần đầu tiên của tôi kéo dài đúng 1 tháng, đi qua đủ các loại đảo chìm, đảo nổi cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Khi đoàn công tác lên, cả đảo tập trung tiếp đón khách, những người thay ca thì bàn giao công việc, xong là đi đảo khác. Có nhiều đảo lên được 2 tiếng chỉ nhằm phục vụ công tác của lực lượng hải quân nên cánh báo chí rất khó tác nghiệp. Các đảo có cấu trúc, công việc giống nhau nên tìm ra câu chuyện cho truyền hình cũng không hề dễ. Bởi nếu báo in và báo trực tuyến hay phát thanh thì có thể khai thác thêm trong thời gian di chuyển trên tàu, còn với truyền hình, không có hình thì không thể ra sản phẩm được.

Sau đó, tôi nghe ngóng được tình hình nên lên kế hoạch hỏi ban tổ chức trước rằng ngày mai sẽ vào đảo nào? Đảo đó có đặc điểm gì khác so với cái chung của các đảo? Có câu chuyện gì hay ho không? Người ở đảo có gì nổi bật?... Chuẩn bị là thế nhưng khi lên đảo không hẳn đã thế, bởi người kể cho mình nghe thì gần nhất cũng đã 3 tháng chưa ra đảo, thêm vào đó vì là lực lượng chính quy nên khi tiếp xúc với báo chí cũng hết sức chính quy, chuẩn mực. Khai thác được câu chuyện riêng, độc đáo cũng là cả một nghệ thuật. Vậy là tôi phải "liệu cơm gắp mắm". Vạch ra kế hoạch khai thác những câu chuyện đặc sắc, hiện tượng độc đáo, chân dung đặc biệt… để tạo ra được những sản phẩm có góc nhìn riêng không lẫn vào cái chung trong một bối cảnh chung.

Thiết bị tác nghiệp trên biển cũng là vấn đề cần lưu ý. Tôi đã chứng kiến một đồng nghiệp của đơn vị bạn bị trượt chân, khiến cái máy quay trị giá gần 2 tỉ đồng ngậm đầy nước biển. Cái máy "coi như xong" và bạn đồng nghiệp không có một đoạn phim tư liệu nào mang về. Tôi cầm chiếc máy quay phim cầm tay, có đem theo micro để thu phỏng vấn nhưng sợi dây dài lòng thòng vướng víu khi di chuyển lên xuống xuồng nên tôi bỏ micro trên tàu, mỗi lần vào đảo tôi chỉ đem theo máy gọn nhẹ. Khi cần thu phỏng vấn thì tôi chọn nơi có điểm tựa chắn gió. Mỗi khi nhằm hướng có tạp âm lớn, hoặc khi giữa biển thì tôi nhờ đồng nghiệp báo bạn cho mượn… cái lưng.

Nhờ vóc dáng nhỏ nên tôi di chuyển dễ dàng trên tàu cũng như trên đảo. Trên tàu thì tôi nghe ngóng tin tức, tư duy đề tài, thiết kế hình ảnh, bối cảnh. Lên đảo cứ thế là nhào vô quay, phỏng vấn. Khó nhất là khâu phỏng vấn nên tôi thường tách đoàn và làm quen, nói đùa qua lại với nhân vật cho đến khi chúng tôi không bị chi phối bởi ngoại cảnh nữa thì tôi bắt đầu cầm máy lên và bấm.

Chuyến đi đầu tiên, tôi có được 10 phóng sự khai thác bằng những góc rất riêng, mà 40 nhà báo đi cùng không ai khai thác trùng lặp.

Đi hơn 10 chuyến biển vẫn chưa nguôi khao khát- Ảnh 2.

Thanh Niên

Có lần, tôi gặp tai nạn ngay trước hôm xuống tàu, chân trầy xước nghiêm trọng. Bác sĩ yêu cầu tôi hôm sau quay lại tiêm ngừa uốn ván, nhưng tôi không tiêm vì sáng sớm hôm sau tàu đã rời bến, tôi không thể báo là tôi không đi vì nếu nêu lý do là bị tai nạn thì tôi sợ gây ảnh hưởng đến tâm lý của đoàn, còn nếu bỏ cuộc mà không nêu lý do thì chẳng khác gì "đào ngũ".

Lần đó, chân tôi sưng như cái bắp chuối, lên nhà giàn phải nhờ bác sĩ rửa vết thương mỗi ngày. Thế nhưng cứ bớt đau nhức là tôi lại cầm máy ra quay. Chuyến đó tôi cũng có 4 phóng sự và một phim tài liệu ghi nhận, thêm một bài trên báo in. Đặc biệt, tôi còn rơi vào "ống kính" nhóm làm phim tài liệu của HTV, về tới đất liền, các bạn ấy sản xuất luôn một phim tài liệu về tôi trong hành trình sóng gió đó để phát đúng dịp 21.6.

Chuyến gần đây nhất, tôi được cơ quan cử đi ngay sau đại dịch Covid-19, vào những ngày đầu tháng 5.2022. Chúng tôi phải tập trung cách ly, theo dõi 2 ngày, kiểm tra kỹ hằng ngày rồi mới được chính thức xuống tàu ra Trường Sa. Chuyến này đi cùng với đoàn công tác của cơ quan Trung ương Đoàn nên tôi được tham gia nhiều hoạt động sôi nổi của thanh niên. Trong những thùng quà đem ra gửi tặng các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa còn có một ấn phẩm đặc biệt - đặc san chào mừng Ngày thống nhất đất nước 30.4 của Báo Thanh Niên và một gói men vi sinh tôi tự làm để giúp người dân xử lý rác hữu cơ trên đảo cũng như cải tạo vườn rau. Tôi thấy rất vui vì nếu như những chuyến biển trước tôi ra chỉ làm "hao hụt" vườn rau của bộ đội thì lần này, bên cạnh việc đưa tin, tôi đã có thể trao lại cho người trên đảo giải pháp chăm sóc rau màu dễ dàng và tiện lợi.

Nếu đếm tất cả những hành trình ở cả 5 vùng biển của Việt Nam thì tôi đã có hơn 10 chuyến đi. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến Trường Sa, trái tim tôi lại rung lên và mong được ra nhiều lần thêm nữa, không chỉ để đưa tin mà còn nhằm chia sẻ những giải pháp giúp người dân vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc có thêm nhiều trải nghiệm và góp phần tạo dựng môi trường sống trong lành giữa Biển Đông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.