(TNO) Như TNO đã đưa tin, ngày 15.8, bệnh nhân Trần Văn Th. (31 tuổi, ngụ H. Thoại Sơn, An Giang) nhập viện Bệnh viện Bình Dân (An Giang) điều trị do gần đây đi làm ruộng hay bị đau quặn vùng bụng.
Cục bướu tinh hoàn "khủng" lấy ra từ người bệnh nhân T.
|
Ngày 16.8, chẩn đoán bệnh nhân bị bướu tinh hoàn gây đau, kíp mổ được thành lập với sự phối hợp của bác sĩ Vũ Văn Ty (Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM) và bác sĩ Phạm Văn Bay (Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, An Giang), đã mổ lấy ra cục bướu 'khủng' nặng hơn 250 gram, đo chiều dài cục bướu khoảng 10 cm, chiều rộng khoảng 8cm. Các bác sĩ lý giải, đây là ca bệnh rất hiếm gặp ở miền Tây Nam bộ, bệnh nhân đã nuôi “bướu khủng” trong thời gian dài mà không hay biết.
Nhưng vì sao anh T. lại mang cục bướu này! Bác sĩ Ty lý giải: lúc kiểm tra bệnh nhân, ê kíp mổ phát hiện bệnh nhân chỉ có một tinh hoàn bên phải nên chẩn đoán tinh hoàn ẩn đi lạc nằm trong ổ bụng trong nhiều năm qua và phát triển thành khối gây đau đớn cho bệnh nhân. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy đây là loại bướu ung thư tinh hoàn loại tinh bào, sau khi bệnh nhân hồi phục phải đi xạ trị hay hóa trị...
Bác sĩ Ty cảnh báo, từ trường hợp của bệnh nhân T., với các bé trai khi sinh ra có một tinh hoàn, người nhà nên đưa đi điều trị sớm để “kéo” tinh hoàn ẩn hay đi lạc về đúng chỗ. Trường hợp để lâu không tốt và gây nguy hiểm cho các bé về sau này như tinh hoàn đi mắc kẹt trong ổ bụng hay bẹn lâu ngày dẫn đến ung thư tinh hoàn hay vô sinh... mà vụ của anh T. là điển hình bị ung thư tinh hoàn.
Bình luận (0)