Đi làm bảo hiểm xe hơi

17/12/2007 22:58 GMT+7

Chưa đến 8 giờ sáng, xe hơi đã xáp vô xếp hàng thành nhiều dãy trong gara hãng X, phần nhiều đến để làm bảo hiểm, khắc phục hậu quả tai nạn như trầy xước, móp...

Một lần lên hãng

Gắp được cái thẻ chờ số 8, tôi cũng kịp quan sát 7 chủ xe trước tiến hành làm thủ tục theo trình tự: Chủ xe trình báo trước, nhân viên hãng ghi nhận rồi hai bên ra xe chụp hình, đánh dấu các chỗ tai nạn trên thân xe, đánh giá mức độ thiệt hại... Đơn giá sửa xe sẽ được hãng fax về công ty bán bảo hiểm. Nếu bảo hiểm duyệt "OK", xe được gửi lại để hãng làm, làm xong mang tiền đến thanh toán cho hãng, rồi cầm hóa đơn này sang "đòi" lại tiền của bảo hiểm...


Nhân viên bảo hiểm có mặt tại hiện trường vụ va quệt để đánh giá tổn thất xe     

Sang đến bảo hiểm, chủ xe sẽ phải đối mặt với vô vàn những câu hỏi đại loại như "xe tai nạn ở đâu, lúc mấy giờ, có ai làm chứng không, tại sao lúc tai nạn không gọi ngay cho bảo hiểm...". May mà các anh bảo hiểm nhà mình cũng khá "tâm lý" nên chia sẻ và chỉ bảo cho chủ xe cách khai để có một biên bản tai nạn "đẹp". Có được biên bản này, chủ xe mới có thể ung dung ra về, vài ngày sau ra nhận tiền bảo hiểm qua ATM... 

Với những vụ "nguội", trình tự một lần đi làm bảo hiểm xe hơi đại loại như thế. Nó khác với các vụ "nóng" - xe bị tai nạn nặng, phải có kết luận tức thời của CSGT và sự chứng kiến của bảo hiểm tại hiện trường. 

Tiếp tôi tại Phòng Khai thác số 1 của Công ty Bảo Minh Sài Gòn, anh Ngô Minh Khánh, phó phòng nói: "Mới đi Thủ Đức về, giải quyết vụ tai nạn chết người, chủ xe không dám xuống, nhờ bảo hiểm đến gia đình họ xin lỗi, thương lượng". Anh Khánh bảo làm cái nghề này, to tiếng, gây gổ ngoài đường cũng nhiều, đôi khi bị người gây tai nạn hăm he, mình lại phải giải thích cho họ thế nào là nhiệm vụ của bảo hiểm.

Điện thoại phòng lại reo. Có một vụ va chạm vừa xảy ra tại góc Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo, Q.1. Tôi theo hai nhân viên bảo hiểm xách máy ảnh, sổ sách phóng ào ra hiện trường. Chiếc Innova do không giữ được khoảng cách an toàn với chiếc Corrola Altis đi trước nên đã "húc" vô đít xe này. Hậu quả tai nạn được nhân viên bảo hiểm ghi vô máy ảnh và sổ tay, đánh giá sơ bộ xe Altis hỏng, phải sửa mất 4 triệu; xe Innova sửa mất 2,5 triệu. Chủ xe này đã mua bảo hiểm vật chất tại Bảo Minh và chính là người gọi cho bảo hiểm ngay lúc xảy ra tai nạn. Anh Khánh nói, bảo hiểm thích tiếp nhận những vụ việc "nóng" như thế này - dễ xác định hiện trường và mức độ bồi thường.  

Đau đầu với những vụ bảo hiểm


Một bộ biên bản làm bảo hiểm và hình xe bị tai nạn tại Bảo Minh Sài Gòn - ảnh: T.G

Mới đây, Bảo Minh tiếp nhận giải quyết một vụ tai nạn xe khá phức tạp: Khoảng tháng 9.2007, chiếc Innova mang biển số Bình Dương, chạy qua địa bàn tỉnh Bình Phước thì gặp tai nạn. Do xe tải đi trước chuyển hướng không kịp quan sát, không kịp nhường đường cho phương tiện đi trên đường chính nên chiếc Innova đã không kịp giảm tốc độ và tông vô. Hậu quả, chiếc Innova đã bị hư hỏng nặng dọc sườn, hông trái xe. Tài xế Innova cũng bị thương nhẹ. Vụ việc xảy ra, chủ xe không gọi cho bảo hiểm mà gọi cho CSGT. Rồi hai bên tự thỏa thuận thương lượng, bên xe tải chịu bồi thường cho Innova 30 triệu đồng.

Xong việc, chủ xe Innova mới quay lại Bảo Minh để đòi thêm tiền bảo hiểm với phản ứng khá gay gắt: "Xe tôi mua bảo hiểm hai chiều, các anh phải đền bù nguyên hiện trạng chiếc xe cho tôi!". Chưa hết, chủ xe còn nói thẳng "chuyện 30 triệu là chúng tôi tự thương lượng với nhau, không liên quan đến bảo hiểm". Theo ngôn ngữ ngành bảo hiểm thì trường hơp này  "chủ xe hiểu biết hạn chế về bảo hiểm, hiểu sai về nghĩa vụ và quyền lợi giữa bảo hiểm thân xe và bảo hiểm nhân sự". Ngay việc tự thương lượng, tự bỏ qua hiện trường tai nạn mà không có sự ghi nhận của nhân viên bảo hiểm cũng là sai. Theo quy định, bảo hiểm có quyền khước từ không đền bù trong những trường hợp như thế. 

Một trường hợp tranh chấp kéo dài bởi "có yếu tố người nước ngoài" và sự "lợi dụng tai nạn để kiếm đền bù" mà bảo hiểm đã phải đau đầu giải quyết: Một xe container biển liên doanh LD đụng xe gắn máy ở Hóc Môn làm người điều khiển xe máy bị té, chân bị thương nặng. Xe "công" đã mua bảo hiểm dân sự 30 triệu/năm tại Bảo Minh. Ròng rã mất nửa năm trời, việc thương lượng giữa 3 bên không thể kết thúc. Theo đánh giá, thương tích chủ xe máy sẽ được đền bù khoảng 20 triệu. Thế nhưng họ cương quyết đòi 40 triệu. Cuối cùng bảo hiểm chấp nhận trả 30 triệu, chủ xe container trả thêm 10 triệu để đền bù. Bị hại ở trường hợp này được coi là đã "nắm người có tóc" còn bảo hiểm đã phải trả thêm "những chi phí bất hợp lý".   

Những "khách hàng quen thuộc"


"Móp hậu rồi!" - ảnh: T.G   

Chiếc New Camry 3.5 đời 2007 mới coong đang lao vun vút trên xa lộ thì bỗng "rầm", quệt với xe tải rồi! New Camry chạy sai làn đường nên lãnh hậu quả nghiêm trọng: bể kính gió, kính hậu, móp capô, hỏng gầm trước... Tổng thiệt hại được bảo hiểm đánh giá khoảng trên 100 triệu đồng. Chiếc xe đời mới, trị giá cả tỉ bạc bị đem vô gara, tháo rã toàn bộ để xem còn hỏng hóc nào phát sinh không. Cảm giác của anh Khánh lúc đó là "rất xót ruột": "Xe mới quá, kể cả làm lại cũng chẳng còn được như trước. Vừa xót cho xe vừa xót cho công ty. Xe mua bảo hiểm có 12 triệu, giờ đền cả trăm triệu là bảo hiểm lỗ nặng". Theo anh Khánh, thời gian gần đây, càng có nhiều "siêu" xe tham gia mua bảo hiểm ở Bảo Minh như BMW sê-ri 7, BMW X5, "Mẹc" đời E, S... 

Có chủ xe là phụ nữ, mới mua chiếc Innova được 2 năm thì năm đầu vô bảo hiểm làm 4 lần hết khoảng 10 triệu. Sang 2007, chưa hết năm mà đã đưa vô làm hết 3 lần. Trầy, móp chủ yếu là va quệt  khi kẹt xe, khi vô bãi xe; căn bản là do tay lái còn yếu. Những "tay lái" như thế này thời gian gần đây bỗng trở thành "khách hàng thường xuyên" của bảo hiểm. Theo anh Khánh, đa số họ là những người trẻ, 30 - 40 tuổi, mới thành đạt, mua được xe đời mới nhưng tay lái còn yếu. "Khách hàng quen thuộc" nữa là những tay lái trẻ, 20 - 30 tuổi con nhà giàu, do tính tình còn nông nổi, lái xe chưa điềm đạm nên cũng hay bị va quệt. Ngoài ra, "khách hàng thường xuyên" của Bảo Minh còn có... xe cứu thương, đặc biệt là "các bác xe buýt", trung bình 1 năm "các bác" này vô bảo hiểm không dưới 2 lần. 

Theo Bảo Minh, 10 tháng đầu năm 2007, tổng doanh thu bảo hiểm xe hơi của công ty đã đạt trên 360 tỉ đồng. Con số này đã tăng thêm trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do tăng là do lượng người mua xe hơi mới tăng nhiều, bản thân họ cũng đã quan tâm đến việc mua bảo hiểm xe hơn trước đây. 

Có chiếc BMW làm xe kinh doanh, mới chở nhân viên về cơ quan thì đụng ngay một xe khác tại hầm xe cơ quan. Trầy xước nhẹ, thay vì để "tổng hợp" nhiều vết như vậy rồi đi làm một lần thì chủ xe cương quyết phải làm ngay vết này vì họ quá xót xe. Bảo hiểm đánh giá, làm vết trầy này hết 2,5 triệu. Chủ xe vẫn sợ làm không được tốt, mất zin, nên đã tự bỏ thêm 5 triệu để thay mới.

Một tài xế lái xe Land Cruise cho người nước ngoài, không biết buồn ngủ thế nào mà đang chạy trong thành phố bỗng húc "rầm" vào xe cẩu rác. Đầu xe bị hỏng nặng, bung túi khí, may mà không ai việc gì. Tai nạn xong, tài xế vẫn được cho làm, đi đến bảo hiểm khai báo đàng hoàng. Làm bảo hiểm xong, anh tài xế bị cho nghỉ việc. Đây là trường hợp khá hy hữu và tổn thất không thể chấp nhận đối với người nước ngoài. Bởi họ là những người rất tôn trọng luật và thường có tâm lý sợ giao thông tại Việt Nam. Tài xế không cẩn thận sẽ bị đánh giá ở mức "tay lái yếu, ý thức chấp hành giao thông kém, có thể làm nguy hại đến tính mạng chủ xe". Thường thì những tài xế lái không kỹ sẽ bị sa thải ngay trong thời gian thử việc.

Phóng sự của Thiếu Gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.