Đi máy bay cũng khổ

12/03/2018 07:24 GMT+7

Không chỉ trễ chuyến triền miên, những lỗ hổng về an ninh, an toàn hàng không diễn ra ngày càng nhiều khiến hành khách nghĩ đến đi máy bay là... ngán.

Đủ “chiêu” ăn gian giờ bay
Dù đã bị “lên án” suốt thời gian qua nhưng tình trạng máy bay đến trễ vẫn xảy ra thường xuyên, liên tục và phổ biến với tất cả các hãng hàng không.
Dịp Tết Mậu Tuất 2018, chị Quỳnh Nga (Q.11, TP.HCM) mua vé của một hãng hàng không từ Huế đi TP.HCM bay lúc 20 giờ ngày 21.2. Sáng 20.2, chị Nga nhận được tin nhắn từ tổng đài của hãng báo điều chỉnh thời gian bay đến 23 giờ 50 cùng ngày. Đến chiều, tổng đài tiếp tục 2 lần nhắn tin cho chị với nội dung lùi tiếp thời gian bay, tin đầu là lùi đến 0 giờ 20 sáng 22.2, tin thứ hai tiếp tục báo chuyến bay chậm 1 giờ so với dự kiến, giờ bay mới dự định là 1 giờ 20. Khi chị Nga ra tới sân bay làm thủ tục thì lại được thông báo giờ khởi hành delay (hoãn) đến 2 giờ 05. “1 chuyến bay delay 4 lần. Mua vé tối hôm nay mà đến sáng hôm sau mới được bay, lỡ hết công việc. Tính ra trễ cả hơn 6 tiếng đồng hồ”, chị Nga bức xúc.
Đáng nói, theo Thông tư số 27/2017 quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không do Bộ GTVT ban hành, có hiệu lực từ ngày 1.11.2017, các chuyến bay chậm chuyến từ 2 giờ trở lên phải có bồi thường bằng dịch vụ theo từng mức độ cụ thể bên cạnh mức bồi thường bằng tiền mặt từ 200.000 - 400.000 đồng/khách tùy chặng đối với các chuyến bay nội địa, từ 25 USD -
150 USD/khách đối với các chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, để “lách” bồi thường, các hãng hàng không tận dụng triệt để “chiêu” nhắn tin thông báo trước, khách đến sân bay chỉ báo delay sát mức 2 giờ, khách tuy vẫn phải chờ mòn mỏi nhưng lại chưa đủ điều kiện để được bồi thường.
Thêm vào đó, các hãng hàng không còn “ăn gian” giờ bay bằng cách cho khách làm thủ tục lên máy bay vào đúng giờ bay hoặc lên máy bay rồi tiếp tục ngồi chờ. Ví dụ, khách mua vé bay lúc 8 giờ 30 sáng thì đến 8 giờ 25 hành khách mới được thông báo ra cửa khởi hành làm thủ tục. Như vậy thực chất giờ bay cũng lùi lại thêm khoảng 15 - 20 phút so với dự kiến. Chưa kể nhiều trường hợp khách đã yên vị trên máy bay còn phải chờ thêm cả 30 phút, thậm chí 45 phút máy bay mới cất cánh. Tính cả thời gian ngồi tại phòng chờ cũng chậm cả gần 3 giờ nhưng hãng vẫn không “nhận” là delay và khách không được bồi thường.
Lỗ hổng an toàn, an ninh hàng không
Không chỉ “nhức đầu” với tình trạng chậm, hủy chuyến, những sự cố hy hữu như chó chạy rông trên đường băng, khách lên nhầm chuyến, bị cấm vẫn được bay đi Nga, thậm chí người tâm thần trèo rào đột nhập vào sân bay lên tận máy bay... liên tiếp xảy ra trong thời gian qua cho thấy những lỗ hổng trong kiểm soát an toàn, an ninh hàng không hiện nay.
Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc, cho biết nam thanh niên đang điều trị tâm thần vượt hàng rào trèo vào sân bay Vinh hôm 3.3, trước đó đã từng vào sân bay, 2 lần tiếp cận khu vực soi chiếu tại sân bay Vinh nhưng bị nhân viên an ninh hàng không mời ra ngoài. Thanh niên này sau đó đã đột nhập vào sân đỗ máy bay tại khu vực tường rào trước cổng đón khách VIP, sát nhà trông giữ xe hành khách. Đáng nói, không chỉ dễ dàng vượt qua tường rào, người này còn nhanh chóng vượt qua các “chốt” kiểm soát an ninh để lên máy bay khi chuyến bay đang hoàn tất thủ tục đón khách.
“Tại sân bay Vinh và nhiều sân bay nhỏ trên cả nước, cửa ra máy bay tới điểm đỗ máy bay chỉ cách nhau tầm 100 - 200 m, khách có thể đi bộ từ nhà ga để lên máy bay. Trong khi đó, hàng rào xung quanh sân bay chỉ là rào thép gai dạng thấp, gần khu dân cư, người dân hoàn toàn có thể vượt rào vào sân bay... cắt cỏ”, ông Phương nói thêm.
Tương tự, đầu năm 2017 tại sân bay Điện Biên từng xảy ra sự cố một chuyến bay đã phải bay vòng chờ 15 phút vì phát hiện một chú chó chạy trên đường băng. Tháng 10.2017, một chuyến bay tại Cam Ranh cũng trễ 20 phút do có chó chạy vào đường băng…
Không chỉ hạ tầng hàng rào khu bay chưa đảm bảo, sự cố hành khách nước ngoài đi Myanmar lên nhầm máy bay Singapore vừa qua cùng việc một nữ hành khách bị cấm bay nhưng vẫn làm thủ tục, lọt qua cửa an ninh lên máy bay đi Nga hồi tháng 1.2017 chứng tỏ rất nhiều sai sót xảy ra từ nghiệp vụ của chính nhân viên an ninh hàng không.
Hiện bộ phận an ninh sân bay phụ trách khâu kiểm tra an ninh, soi chiếu bên trong nhà ga hành khách và tuần tra, kiểm soát bên ngoài. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo ngành hàng không, mỗi chốt tuần tra bảo vệ bên ngoài chỉ có từ 3 - 4 người, dù thường xuyên di chuyển nhưng không thể kiểm soát hết do khu vực sân bay quá rộng.
Cho biết lực lượng kiểm soát an ninh của Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) hiện có trên 3.000 người, tuy nhiên, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN, cũng thừa nhận những vụ việc vừa qua cho thấy lực lượng an ninh về chất lượng chưa đồng đều, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành quy định trong thực hành công vụ ở một số khâu chưa tốt.
Sẽ thanh tra 12 sân bay, tổ chức lại lực lượng an ninh hàng không
Ông Đinh Việt Thắng cho biết, Cục Hàng không đã chỉ đạo ACV sớm triển khai đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị theo hướng áp dụng công nghệ mới, hiện đại. Mục tiêu năm 2018 cơ bản hoàn thiện hệ thống tường rào, camera an ninh giám sát tại các cảng hàng không, đặc biệt là các sân bay nằm trong danh sách khuyến cáo phải khẩn cấp hoàn thiện.
“Cục sẽ thanh tra toàn diện công tác đảm bảo an ninh, an toàn 12/21 sân bay nhằm đánh giá đầy đủ các rủi ro, hạn chế của các sân bay, đưa ra các biện pháp khắc phục kịp thời. Về hướng xử lý, sẽ áp dụng chế tài mạnh để răn đe, gắn trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị”, ông Thắng nói.
Đại diện một đơn vị trong ngành hàng không chia sẻ, ngoại trừ lực lượng an ninh làm công tác kiểm soát, soi chiếu trong sân bay được huấn luyện khá bài bản, lực lượng an ninh làm công tác tuần tra khá yếu về chuyên môn nghiệp vụ, thậm chí một số cảng hàng không tuyển lực lượng an ninh tuần tra trình độ chỉ ngang với các công ty bảo vệ bên ngoài. “Chỉ cần một hai tổ tuần tra yếu về chuyên môn nghiệp vụ hoặc lơ là khi thực hiện quy trình đủ xảy ra sự cố như vừa qua tại sân bay Vinh”, ông này nói và cho rằng, biện pháp hiệu quả nhất là cải tổ lại lực lượng an ninh sân bay, đưa về nhà chức trách quản lý thay vì để trực thuộc doanh nghiệp là cảng hàng không như hiện nay. Chỉ khi đó mới nâng cao năng lực thực thi công vụ, đào tạo chính quy bài bản hơn để tránh những vấn đề xảy ra.
Theo ông Đinh Việt Thắng, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đã chỉ đạo tổ chức lại lực lượng kiểm soát an ninh hàng không. Trước mắt sẽ thành lập Công ty TNHH MTV an ninh hàng không VN trực thuộc ACV, tuy nhiên về lâu dài sẽ tách lực lượng này ra khỏi ACV. Trong tháng 3.2018, Cục Hàng không sẽ báo cáo, trình Bộ GTVT phương án tổ chức lại lực lượng kiểm soát an ninh hàng không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.