Hành khách mặc đồ bảo hộ chống dịch khi đi máy bay dịp tết vừa qua |
Lê nam |
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, 28 tuổi, trú Q.Tân Phú đã đặt được vé từ sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM về sân bay Cát Bi, Hải Phòng cuối tuần này. Ngoài việc chuẩn bị khẩu trang N95, cồn 70 độ, anh còn lên mạng mua sẵn một bộ đồ bảo hộ chống dịch để mặc sẵn từ nhà để an tâm hơn lúc đi taxi ra sân bay, ngồi trên máy bay và di chuyển về nhà. Tại sân bay Tân Sơn Nhất những ngày qua, chúng ta cũng không khó để bắt gặp nhiều hành khách mặc đồ bảo hộ chống dịch ở quầy làm thủ tục bay.
Giá vé máy bay cao, nữ công nhân vẫn ‘bấm bụng’ chi gần 15 triệu đưa con về quê |
Mặc không đúng cách còn nguy hiểm hơn
Trên các trang thương mại điện tử, đồ bảo hộ cá nhân, trang phục chống dịch được bán tràn ngập với đủ chủng loại và giá cả khác nhau, có loại chỉ 30.000 đồng/bộ, có bộ được giới thiệu “an toàn, đúng chuẩn ngành y tế” với giá từ 70.000 đồng; 150.000 đồng…
Việc mặc đồ bảo hộ phòng chống dịch có cần thiết khi di chuyển bằng xe khách, máy bay và giúp người mặc thêm an toàn hơn? Lưu ý gì khi đi máy bay khi bình thường mới để an toàn cho sức khỏe?
Nhiều phụ huynh cho con mặc áo mưa, đeo găng tay y tế ra sân bay Tân Sơn Nhất dịp tết Nguyên đán vừa qua |
lê nam |
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Chói, công tác tại Trung tâm Trung tâm y tế khu vực I, TP.Thủ Đức, TP.HCM (số 6 Trịnh Khắc Lập, P.Thạnh Mỹ Lợi) cho biết để an toàn khi đi lại bằng máy bay, xe khách trong tình hình mới hiện nay, việc cần thiết nhất là tuân thủ 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo bác sĩ Ngọc Chói, đồ bảo hộ cá nhân có nhiều cấp độ, việc mặc đồ bảo hộ cá nhân cần đúng quy trình, có hướng dẫn của Bộ Y tế, thao tác mặc ra sao, để kín mít trong thời gian mặc như thế nào, tháo ra như thế nào, sát khuẩn tay ra sao trong suốt quá trình tháo đồ. Đồng thời, hiện có rất nhiều đồ được giới thiệu bảo hộ cá nhân, bảo hộ chống dịch nhưng là hàng kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn.
Mặc đồ bảo hộ kém chất lượng, và không tuân thủ quy trình mặc, tháo của Bộ Y tế, có thể khiến người mặc bị nhiễm khuẩn từ chính virus dính, bám vào bề mặt ngoài của bộ đồ này. “Nhiều người ỷ lại rằng mình đã mặc đồ bảo hộ có thể chủ quan, không tuân thủ 5K khác, như khẩu trang, sát khuẩn tay liên tục, giữ khoảng cách, khai báo y tế…, hoặc chạm tay vào bên ngoài áo rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng thì còn nguy hiểm hơn”, bác sĩ Ngọc Chói nói.
Hành khách mặc đồ bảo hộ, nhưng để hở đầu, không trùm kín như thế này cũng không tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế |
lê nam |
Theo bác sĩ Ngọc Chói, để đảm bảo an toàn khi đi máy bay, xe khách và các phương tiện khác trong thời gian bình thường mới không cần thiết phải mặc đồ bảo hộ cá nhân. Việc nhiều người lạm dụng bộ đồ bảo hộ chống dịch có thể gây lãng phí. Nếu ai cũng lạm dụng sử dụng, những lúc ngành y tế cần sử dụng có thể gây khan hiếm hàng.
Lạm dụng sẽ gây lãng phí
Làm gì để đi lại bằng máy bay, xe khách an toàn trong thời kỳ bình thường mới? Việc mặc quần áo phòng hộ chống dịch có cần thiết khi di chuyển bằng xe khách, máy bay? Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiền, quyền Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết quần áo phòng hộ chống dịch chỉ nên sử dụng với đội ngũ nhân viên y tế và người có tham gia vào công việc có nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Việc sử dụng quần áo bảo hộ chống dịch cần phải tuân thủ đúng các bước hướng dẫn của Bộ Y tế mới phát huy hiệu quả và không gây nhiễm khuẩn trở lại cho người mặc: tuân thủ trình tự các bước mặc, tháo, bỏ vào thùng đựng chất thải đúng quy định ra sao.
Trong bệnh viện, không phải khu vực nào đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế cũng sử dụng quần áo bảo hộ chống dịch. Tại các khoa phòng hành chính chẳng hạn, nhân viên làm việc không cần sử dụng trang phục này.
Trẻ em mặc đồ bảo hộ cá nhân nhưng tay không đeo găng tay y tế, như vậy nếu không sát khuẩn thường xuyên, để trẻ cho tay lên mắt mũi miệng cũng rất nguy hiểm |
Lê nam |
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiền, trong bối cảnh bình thường mới, khi di chuyển bằng xe khách, tàu lửa hay máy bay, không cần thiết mặc quần áo bảo hộ chống dịch, chỉ cần tuân thủ 5K theo lời khuyên của Bộ Y tế: đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng, thường xuyên rửa tay khử khuẩn, giữ khoảng cách với những người xung quanh, khai báo y tế, không tập trung đông người. Mọi người có thể trang bị thêm kính chống giọt bắn để đeo trong suốt quá trình di chuyển. Kính chống giọt bắn này sau khi sử dụng cần được rửa lại bằng xà phòng hoặc lau bằng cồn 70 độ để diệt khuẩn, trước khi được sử dụng cho các lần sau.
Việc mọi người lạm dụng sử dụng quần áo phòng hộ cá nhân khi đi máy bay, xe khách hoặc thợ cắt tóc cũng hay sử dụng khi cắt tóc cho khách chẳng hạn, có thể là do tâm lý muốn yên tâm hơn. Song thực tế, điều này không cần thiết và gây khó chịu, bức bối khi người sử dụng phải mặc nó trong nhiều giờ liên tiếp. Việc lạm dụng quần áo bảo hộ cá nhân này còn gây lãng phí. Đây là trang phục nên được ưu tiên cho đội ngũ nhân viên y tế khi phòng chống dịch và người có tham gia vào công việc có nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Bình luận (0)