"Văn hóa" súng đạn ở Mỹ
Câu chuyện thứ nhất: Tuần trước Miles Cary - phóng viên của News Sentinel rủ tôi đi dự phiên tòa xử một phụ nữ phạm tội giết người với tình tiết khá bi thương.
Nguyên là sau khi hay tin gã láng giềng đã hai lần lén lút cưỡng hiếp đứa con gái 10 tuổi, bà tìm tới hỏi cho ra nhẽ thì gã trả lời đầy vẻ thách thức: "Tôi hiếp con bà thì bà làm gì được tôi ?". Nổi cơn tam bành, bà mẹ về nhà vác súng đến bắn liền 8 phát đạn. Một cuộc tranh cãi kịch liệt kéo dài 2 ngày tại phiên tòa giữa luật sư bào chữa và công tố viên. Kết quả, bà bị kết tội giết người ở cấp độ "second degree" - theo luật pháp Mỹ, tức giết người không chủ định và đứng trước án phạt 6 năm tù ngồi.
Câu chuyện thứ hai: Cũng ở Knoxville, Tennessee, một thanh niên 23 tuổi, sau 3 tuần lễ bị bồ bỏ đã thủ theo một khẩu súng, tìm đến cái trailer (một dạng nhà di động) của cô bồ nói chuyện phải quấy với anh bồ mới. Câu chuyện nhanh chóng chuyển thành màn cãi vã và kết cục là "đoàng" một phát, anh bồ mới đổ gục. Cô gái hoảng hồn tông cửa chạy ra ngoài nhấn 911. Cảnh sát cùng lực lượng đặc nhiệm đổ tới, kêu gọi kẻ sát nhân đầu hàng. Sau nửa giờ "đàm phán" không thành, bỗng nghe một tiếng "đoàng" khô khan từ trong trailer. Nghĩ là gã trai đã tự sát, song cảnh sát vẫn cẩn thận, thả robot mang camera vào bên trong. Xác chết của hai gã đàn ông hiện rõ trong màn hình. Tuy nhiên, để chắc ăn, cảnh sát ném thêm 2 trái lựu đạn cay trước khi đột nhập vào trailer. Kết quả: con chó là sinh vật duy nhất còn sống sót.
"Dân Mỹ rất lịch sự, ít khi nào làm ai nổi giận. Lúc nào họ cũng sẵn sàng nói câu sorry ngay cả khi không phải lỗi của mình. Tại họ nghĩ biết đâu người đối diện có súng".
Cả hai trường hợp trên, kẻ sát nhân đều có súng và được cấp phép sử dụng hợp pháp. Tôi đang ngồi làm việc thì nghe bàn bên cạnh, hai đồng nghiệp ở News Sentinel tranh luận có vẻ sôi nổi về trường hợp thứ hai, rồi quay sang hỏi tôi: "Lê, ở Việt Nam người dân có được sở hữu vũ khí không ?". "Không" - tôi trả lời, và đùa: "Súng đạn bên đây bừa bãi quá, cứ kiểu này ai mà dám nhào vô mấy cô gái đã có bồ. Ăn đạn như chơi. Tôi mà ở đây chắc cũng không dám đi cua bồ bừa bãi". Một đồng nghiệp khác "đế" thêm: "Đó là lý do tại sao cậu thấy dân Mỹ rất lịch sự, ít khi nào làm ai nổi giận. Lúc nào họ cũng sẵn sàng nói câu sorry ngay cả khi không phải lỗi của mình. Tại họ nghĩ biết đâu người đối diện có súng". Thấy tôi có vẻ không ưng ý lắm chuyện súng đạn tràn lan bên đây, chàng đồng nghiệp Patrick trấn an: "Thường thì người có súng bên đây rất có ý thức. Nhưng cũng trừ vài trường hợp khùng điên quá mức ! Tuy nhiên, đại đa số là rất an toàn". Và như để tôi hiểu rõ hơn "văn hóa súng đạn" ở Mỹ, Patrick rủ tôi đi đến một tiệm bán súng ở Knoxville: "Thằng em họ tôi cùng 2 người bạn của nó hùn nhau mở tiệm. Nhiều người trong báo này ghé đó mua súng lắm rồi. Tụi nó có tổng cộng khoảng 600 cây súng các loại". "600 cây ! Thế thì đủ trang bị cho cả một tiểu đoàn" - tôi lẩm bẩm. "Vâng ! Đúng là đủ cho một tiểu đoàn" - Patrick cười.
Đồ chơi đủ kiểu
Chiếc xe chạy đến đường Kingston Pike và đỗ xịch trước tiệm súng có tên gọi là Gun & More. Trang trí ngoài cửa tiệm là một vòng tròn có chữ thập in trên một tấm bia, đạn bắn thủng lỗ chỗ. Đẩy cửa bước vào, đúng là đủ cho một tiểu đoàn thật. Súng ống đủ kiểu treo kín 4 bức tường, trên hai bục gỗ chạy dài giữa tiệm là hai hàng súng trường, lưỡi lê sáng choang. Patrick dẫn tôi vào phía sau, phòng của Ryan Patrick - cậu em họ chủ tiệm của anh ta.
"Hey, tôi có đồ chơi mới đây" - Ryan hồ hởi xách một cây tiểu liên báng gấp, đầu gắn ống hãm thanh, giới thiệu với tôi sau một hồi chào hỏi. “Cây này của Đức", vừa nói anh ta vừa lắp băng đạn hình số 8 nằm ngang, trông khá lạ, đoạn nói tiếp: "Băng này 100 viên cơ đấy !". Ryan nói và đưa cho tôi cầm thử, cũng không đến nỗi nặng lắm. "Thế nó có thể bắn được bao nhiêu viên trong một phút ?" - tôi hỏi làm ra vẻ am hiểu. "Nhanh nhất là 900 viên". "Nghĩa là 1 băng đạn nếu siết cho đã thì chỉ 6-7 giây là đi đứt. Thế cây này bao nhiêu tiền ?". "Ồ, nó mắc lắm! 14.000 đô la". Nói đoạn, Ryan dẫn tôi ra cửa hàng bên ngoài. Lúc này tôi mới nhìn kỹ hai hàng súng trường dựng trước mặt.
"Ở đây tôi có đủ loại súng, từ của Nga năm 1925 đến của Đức từ Đệ nhị thế chiến, súng bắn "cắc bùm" từng viên một ấy mà" - Ryan chỉ vào hai dãy súng trường và giới thiệu. Đúng là mấy cây súng có cái cò kéo ra rồi nạp đạn vào ổ mà tôi hay nhìn thấy trong những bộ phim lịch sử về Đệ nhị thế chiến được bày cả đống tại đây, giá cả cực kỳ "bèo": 75 USD một cây, bao gồm cả lưỡi lê.
"Nhưng bây giờ chẳng mấy ai mua loại súng này cả, người ta thích mấy khẩu này hơn" - Ryan nói và giới thiệu khẩu calib, giá hơn 800 USD. "Mấy tay đi săn mê loại này. Nó có thể hạ được một con voi". Nói đoạn Ryan cho tôi xem hộp đạn, viên nào viên nấy to như ngón tay cái, mỗi viên giá 3 USD. "Còn cái này là loại shot gun, dân bên đây cũng khoái". Trên tay tôi là cây shot gun nặng trĩu. Loại súng 2 nòng, bắn 2 viên là phải gập nòng xuống, nạp đạn mới, rồi lên đạn nghe cái "rốp" rất oách như kiểu Arnold Schwarzenegger thường dùng. Loại này bắn đạn cũng lớn, nhưng lắc viên đạn thì bên trong có thể nghe tiếng những viên bi nhỏ va vào nhau nghe lách cách. "Còn đây là đồ chơi dành cho dân cao bồi" - Ryan nói và cầm cây ru-lô nòng dài, xỏ ngón trỏ vào cò súng, quay tít mấy vòng hệt như tài tử Clint Eastwood.
"Nhưng tôi khoái loại súng bắn tỉa, loại chuyên dành cho các vụ ám sát ấy ! Anh có loại đó không ?". "Có chứ !" Ryan đáp và kêu anh bạn đứng trong quầy với tay lên tường, xách xuống một cây có ống ngắm. "Cẩn thận nhé, nặng lắm đấy !", Ryan đưa cho tôi và chỉ: "Anh nhìn vào ống ngắm xem, mục tiêu trông sẽ lớn hơn và rất dễ bắn. Loại súng này có thể bắn chính xác từ độ xa 1.000 mét". Tôi nhìn vào ống ngắm, ngắm thử quyển sách cách xa khoảng 20 mét. Quyển sách hiện to rõ mồn một trong ống ngắm, chính giữa dấu thập. Tôi nhìn bảng giá: 1.780 USD, và ngẫm: "Ái chà ! Để ám sát một tổng thống thì cũng chỉ cần chưa đến hai ngàn đô là có trong tay món đồ chơi thứ thiệt".
"Mấy quý bà, quý cô có hay ghé thăm tiệm của anh không ?" - tôi lại hỏi. "Có chứ, cũng thường lắm. Có khi hai vợ chồng chở nhau đi mua súng cùng một lúc. Ông chọn súng cho ông, còn bà thì chọn đồ chơi cho bà". Đồ chơi của mấy bà, Ryan chỉ, là những cây súng màu bạc, xinh xắn, như súng bắn ghen, nhìn rất đẹp. Giá mỗi cây là 450 USD. Có bà cũng thích chơi ru-lô nòng ngắn, giống kiểu cô nàng Angelina Jolie xài trong phim Mr and Mrs Smith, được chế tạo bằng hợp kim khá nhẹ. "Vợ chồng ăn ở với nhau, người nào cũng có đồ chơi chắc họ rất hạnh phúc vì chẳng bao giờ dám cãi nhau" - Ryan cười khi nghe tôi đùa, và cho biết: "Trung bình mỗi năm tiệm tôi bán được khoảng 3.000 khẩu súng các loại".
"Luật" xài súng ở Mỹ Ryan cho biết, thanh niên Mỹ 18 tuổi là có quyền được mua súng trường, 21 tuổi là được mua súng ngắn với điều kiện không có "criminal record" - tạm hiểu là "tiền án, tiền sự". Bên cạnh tôi, hai ông khách sau một hồi ngắm nghía, chọn lựa, đang chờ hoàn tất thủ tục mua một khẩu súng lục. "Cũng nhanh thôi, mỗi khi khách hàng có nhu cầu mua súng, tôi gửi các thông tin cá nhân đến Sở cảnh sát Knoxville nhờ họ thẩm tra xem lý lịch khách hàng như thế nào. Chỉ khoảng 10 phút là họ trả lời có đồng ý hay không". Vừa nói xong, chiếc máy fax trên bàn chạy ra một tờ giấy nhỏ. Ryan đưa cho tôi xem và nói: "Trường hợp này là cảnh sát chấp thuận và tôi có thể bán được". Tôi liếc nhìn và thấy chữ "Approve" - chấp thuận, in trên tờ giấy, phía trên là thông tin của người mua, bên dưới ghi là từ Sở cảnh sát Knoxville. Mua súng xong rồi, anh không được đem bắn bừa bãi mà phải đến trung tâm tập bắn hẳn hoi, mua vé 10 USD là tập bắn thoải mái. "Có bao giờ tiệm của anh bị... cướp chưa ?", tôi hỏi. "Không, không bao giờ. Ai mà dám vào đây ăn cướp! Bọn tôi ai cũng có súng cả", Ryan cười và vén vạt áo thun cho tôi thấy anh ta cũng thủ sẵn "hàng nóng" bên lưng quần. "Khi mua súng, anh chỉ được để ở nhà phòng thân. Để được phép đeo súng như tôi thì anh phải có một license khác, tức phải học một lớp 8 giờ về những quy định mang súng theo trong người". Quy định đó bao gồm: không được mang súng đến những cơ sở của chính phủ như tòa án, trường học, nhà hàng có bán thức uống có cồn..., nhưng vẫn có thể mang súng đến... nhà băng. |
Ngọc Thịnh
(từ Tennessee, Mỹ)
Bình luận (0)