Đi nghĩa vụ quân sự 2023: Được hưởng những quyền lợi và có nghĩa vụ gì?

Ngân Nga
Ngân Nga
08/02/2023 08:19 GMT+7

Người đi nghĩa vụ quân sự được bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, y tế và phải sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Những quyền lợi được hưởng

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hiểu (Văn phòng luật sư Đại Quốc Việt, Đoàn luật sư TP.HCM), tại Điều 3, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ là công dân đang phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển.

Trong thời gian phục vụ tại ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ được bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang. Được tính nhân khẩu trong gia đình khi gia đình được giao hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở và đất canh tác. Được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác.

Ngoài ra, hạ sĩ quan, binh sĩ còn được Nhà nước bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội, luật Bảo hiểm y tế.

Cũng theo luật sư Tiến Hiểu, họ còn được tạm hoãn trả và không tính lãi suất khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật. Được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự.

Đi nghĩa vụ quân sự được hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ gì? - Ảnh 1.

Hạ sĩ quan, binh sĩ còn được Nhà nước bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

THANH NIÊN

Nghĩa vụ phải chấp hành

Cũng theo Điều 9, luật Nghĩa vụ quân sự 2015, hạ sĩ quan, binh sĩ có những nghĩa vụ sau:

Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Thứ ba, bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức; bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật…

Thứ tư, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ của Quân đội nhân dân.

Thứ năm, sĩ quan, binh sĩ được học tập chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; rèn luyện tính tổ chức, ý thức kỷ luật và thể lực; nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu.

Mỗi năm tuyển bao nhiêu chỉ tiêu công dân nhập ngũ ?

Luật sư Tiến Hiểu cho biết, theo Điều 34, luật Nghĩa vụ quân sự 2015 và Điều 3, Thông tư 148 năm 2018 (quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ) thì Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian, số lượng gọi công dân nhập ngũ.

Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định giao chỉ tiêu tuyển nhận công dân nhập ngũ đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy, số lượng người tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ được điều chỉnh theo thực tế nhu cầu hàng năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.