Đi ngược chiều trên cao tốc: Đề xuất phạt 30-40 triệu đồng, trừ 12 điểm GPLX

02/10/2024 14:52 GMT+7

Bộ Công an đề xuất phạt tiền 30 - 40 triệu đồng, trừ hết sạch điểm GPLX đối với hành vi điều khiển ô tô đi ngược chiều trên cao tốc.

Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX). Dự thảo này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Đi ngược chiều trên cao tốc: Đề xuất phạt 30-40 triệu đồng, trừ 12 điểm GPLX- Ảnh 1.

Bộ Công an đề xuất phạt kịch khung với hành vi điều khiển ô tô ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc

ẢNH: MXH

Đi ngược chiều cao tốc, phạt kịch khung

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100/2019, hành vi điều khiển xe ô tô đi ngược chiều trên cao tốc hoặc lùi xe trên cao tốc (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp) sẽ bị phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX từ 5 - 7 tháng.

Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt đối với hành vi nêu trên. Cụ thể là phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng và trừ 12 điểm GPLX (trừ hết sạch điểm). Mức phạt này bằng với vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng cao nhất.

Bộ Công an cho hay, thời gian qua tình trạng vi phạm các quy định trên đường cao tốc diễn ra phức tạp; hiện tượng đỗ xe, lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, đã có những trường hợp gây tai nạn giao thông gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cùng với đó, các hành vi điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc diễn ra phổ biến hơn; việc dừng, đỗ, đón trả khách, nhận và trả hàng trên đường cao tốc có chiều hướng gia tăng, vừa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Thực tế trên đòi hỏi cần phải điều chỉnh mức chế tài xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm liên quan đến đường cao tốc. Trong số này có hành vi đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc.

Hồi tháng 8, Bộ Công an từng công bố dự thảo nghị định, đề xuất trừ 6 điểm GPLX đối với hành vi điều khiển ô tô đi lùi hoặc đi ngược chiều trên cao tốc.

Trao đổi với Thanh Niên khi ấy, nhiều ý kiến cho rằng mức trừ điểm như vậy còn quá nhẹ, vì đây là hành vi vô cùng nguy hiểm. Đại diện Cục CSGT Bộ Công an cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để điều chỉnh phù hợp (nếu có căn cứ).

Đến nay, Bộ Công an đã đề xuất nâng mức phạt đối với hành vi đi lùi hoặc đi ngược chiều trên cao tốc, cả về mức phạt tiền và mức trừ điểm GPLX như đã nêu.

Đi ngược chiều trên cao tốc: Đề xuất phạt 30-40 triệu đồng, trừ 12 điểm GPLX- Ảnh 2.

Theo quy định tại luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hình thức trừ điểm sẽ được thay thế cho tước GPLX

ẢNH: HOÀNG TUÂN

Bị trừ hết điểm GPLX sẽ thế nào?

Theo quy định tại luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi GPLX có 12 điểm, số điểm bị trừ mỗi khi người có GPLX vi phạm giao thông, tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi đó.

Tại dự thảo nghị định, Bộ Công an đề xuất quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX; trong đó 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm (tức là chỉ cần vi phạm 1 lần sẽ bị trừ hết sạch điểm).

Các hành vi bị trừ 12 điểm GPLX như: vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở, điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy, chạy quá tốc độ trên 35 km/giờ, đua xe trái phép, lùi xe hoặc đi ngược chiều trên cao tốc…

Nếu bị trừ hết điểm, người có GPLX không được điều khiển phương tiện theo loại GPLX đó, sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm thì được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGTĐB do CSGT tổ chức. Kết quả đạt yêu cầu, GPLX sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.

Bộ Công an cho hay, việc quy định trừ điểm thay vì tước GPLX vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên đối với người vi phạm. Mỗi lần bị trừ điểm như là "tiếng chuông" cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn.

GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống.

Quy định này còn giúp cơ quan nhà nước quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho đến quá trình chấp hành pháp luật…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.