Đi nhội

04/02/2013 03:20 GMT+7

Mỗi một vùng miền có một kiểu phát âm khác nhau, là “đặc sản” riêng của vùng miền ấy. Ở xứ Nẫu (Phú Yên) quê tui, nhiều vùng vẫn phát âm “ôi” thành “âu”. Ví dụ: Bà nội thì gọi là bà nậu, cầu Đôi là cầu Đâu, đầu gối là đầu gấu, tội lỗi là tậu lẫu… Bởi vậy mới có giai thoại kể rằng “chú bộ đậu, qua cầu Đâu, té xuống cầu, bể đầu gấu”. Hihi…

Có anh chàng kia sau vài năm mưu sinh xứ người, về lại xứ Nẫu thấy cái tiếng xứ mình sao mà quê quá, mộc mạc quá, nên khi nói cứ tự động “biên tập” lại cho nó sang trọng.

 Đi nhội
Minh họa: DAD

Cho rằng dân xứ Nẫu phát âm sai từ “ôi” thành “âu” nên đi đâu, gặp từ nào liên quan đến vần “âu” là anh ta đều sửa lại. Một lần tới nhà bạn, anh ta rủ: “Hôm nay đi nhội chớ!”, khiến anh bạn nghe mà chả hiểu “đi nhội” là cái gì, cứ mắt tròn mắt dẹt rồi đực ra như ngỗng ỉa.

Cáu tiết, anh ta giải thích rằng dân xứ Nẫu ta phát âm sai, bà nội thì kêu là bà nậu, nên đi nhậu phải trả về nguyên gốc của nó là đi nhội. Có dẫy mà không biết!?

Dịp cuối năm ngoái, ở quê tui có vài cơn lũ nhỏ nhưng cũng gây thiệt hại đáng kể. Một cán bộ thống kê thiệt hại lũ lụt là người tỉnh khác lần đầu tiên đến xứ Nẫu làm việc, được một nông dân mếu máo báo cáo như vầy:

- Báo cáo các anh. Lụt to hung. Đàn bò của tui bơi qua sông, trâu chết 2 con!

Anh chàng nghe không ra và cũng không hiểu, vì sao đàn bò bơi qua sông, mà trâu lại chết 2 con nên cứ thắc mắc. Một cán bộ địa phương liền giải thích:

- Dà, đúng đó anh. Bò nhà ông này bơi qua sông, trâu chết 2 con thiệt đó!

Nghe giải thích, anh chàng lại càng rối trí, không hiểu thế nào. May mà lúc đó có tui. Cái thằng tui bèn phiên dịch từ tiếng xứ Nẫu ra tiếng Kinh chuẩn: Ông này nói rằng, đàn bò nhà ông bơi qua sông, bị trôi mất 2 con, chứ không phải trâu chết.

Sợ anh ta còn chưa hiểu, tui phải giải thích thêm rằng, nhiều vùng ở xứ Nẫu vẫn phát âm “ôi” thành “âu” như đã nói ở trên. Được giải thích, anh ta cứ cười rộ, vỗ đùi bảo: Có thế chứ! Chứ làm gì có chuyện bò bơi qua sông mà trâu lại chết!

Hôm nọ vào Sài Gòn, lúc tính tiền taxi, nghe anh tài xế nói: “Để em thấu lại cho anh”, tui liền vỗ vai anh ta: “Chú mày dân xứ Nẫu chính hiệu rầu”. Vậy là hai anh em cười rộ vì nhận ra đồng hương.

Bảo Huy

>> Chấm dứt hôn nhân thực tế để tái hôn?
>> Quy định “mềm” về hôn nhân
>> Dân Pháp lại biểu tình phản đối hôn nhân đồng tính
>> Hôn nhân "chữa trị" ung thư
>> Trì hoãn "chuyện ấy" giúp hôn nhân hạnh phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.