Đi qua, đi qua... với tập ký 'Thiền sư ở đâu'

27/02/2018 17:11 GMT+7

Tết Mậu Tuất 2018, tôi được tác giả Bùi Long ký tặng cuốn sách Thiền sư ở đâu với lời đề tựa giống như với mọi người: 'Món quà tinh thần, làm phiền quý anh chị trong dịp tết…'.

Sách được in khổ nhỏ, tranh bìa bảng lảng dáng một nhà sư xuống núi trên triền đường mây mỏng nhẹ mà vẫn đau đáu một chặng luân hồi. Đặc biệt, tựa của tập sách như một câu hỏi "Thiền sư ở đâu”, khiến sách đong đầy cảm xúc thiền vị.
Dù tập sách thấp thoáng thể hiện phần nào một áng văn rộng, nhưng thực ra Bùi Long không kể chuyện đạo pháp, cũng không kể chuyện kinh điển, chuyện Bích Nham hay Vô Môn, mà đúng ra anh kể chuyện từ bản thân mình. Cho ra mắt một tập sách với đề tài như vậy giữa xứ Huế, nơi đầy những cư sĩ nổi tiếng, những nhà nghiên cứu Phật học thâm niên, thực sự mà nói, rất hiếm người dám.
Tôi ví, ai viết đề tài này, như người bận cái “áo vuông” (cách dân tình gọi chiếc áo tu sĩ "đầu tròn áo vuông"), đi đứng nằm ngồi chi đều thu tà trước, vén tà sau kẻo mắc mứu chỗ này, đụng chạm chỗ nọ. Rồi ra, khi được truyền đi trong “giang hồ” thì sẽ bao điều khen tiếng chê… Tôi ngầm phục anh, cho ra tập sách trong tinh thần “việc tui tui làm” hay nói cho có chữ tí thì là "vô ngại". Không nói nhiều ngôn từ uyên bác nhà Phật, không nhân vật danh tiếng, không cốt chuyện cầu kỳ uốn éo, mà tập sách âm thầm dâng hiến một bản thiền ca đẹp đẽ, tươi xanh.
Tác giả ký tặng sách cho bạn hữu Ảnh V.P.T

Ban đầu, tôi chuẩn bị tâm thế người nghiên cứu, tức là chuẩn bị “phê bình chuyên môn”, bởi đề tài này nói rộng thì quá rộng mà nói sâu thì quá sâu. Vậy mà, ngay từ những trang đầu tiên, tôi biết mình “ráng đốc phách” (*) thừa rồi, “cha ni” viết chuyện từ mình rất tội, rất tha thiết, đậm ân tình, cầu thị, khiêm cung. Và cũng nhờ sự nhẹ nhàng đó mà với tôi, chân dung một Bùi Long “dữ dội, tài hoa, đa văn, thâm trầm” lại hiện ra rõ ràng, trong sáng. Mà ai quen biết anh Long đủ lâu, đều thấy ở anh khí chất quang minh chính trực, hồn lãng mạn đầy chất thơ mà tướng thì lầm lì vững chãi, luôn chậm rãi các câu chuyện khi trên tay là điếu thuốc cuốn từ lá thuốc Phong Lai (thuộc Thừa Thiên-Huế) còn đôi mắt nhìn thẳng người cùng nói chuyện.

Đi qua tập sách là những thiền sư (tôi tạm gọi vậy đi), có thể là trú trong chùa, trên non, bên sông, lang thang, làm báo, làm mộc, làm thầy hay chẳng làm thầy… Ngó thì giản dị vậy đó, mà những người Bùi Long nhắc đến hay viết về đều gợi nhận một nội lực an tĩnh thâm sâu.

Với tôi, nhận ra và thừa nhận “Ai là một thiền sư” là rất khác nhau. Sự nhận ra, cần một bản ngã thông minh, sự thừa nhận lại cần phá bỏ bản ngã, nhất là một bản ngã của người bước ra từ sơn môn và vẫn chưa bao giờ thôi day dứt về chốn ấy thì lại càng không đơn giản. Như kiểu “văn mình...”, khen một câu đã khó huống hồ công nhận! Thời tuổi trẻ, Long “đập phá” để hiện sinh bản ngã mình, lúc trung niên này, anh lại phá bỏ bản ngã để, theo lời anh là “trưởng thành hơn đôi chút”.

Đi qua bao nhiêu hạnh ngộ để viết lại chỉ từng ấy con người?
Đi qua bao nhiêu trú xứ để viết về chỉ từng ấy nơi?
Đi qua bao nhiêu vần thơ quẫy đạp để còn lại từng ấy lời nhỏ nhẹ?
Đi qua bao mong đợi lợi danh để vô ngại chìa ra các trang sách này?
Đi qua, đi qua, đi qua…

Còn người đọc, đi qua tập sách nhỏ này, không thể quên:

Một sa di trẻ ngông cuồng trả y bát để được sống hết mình với thanh xuân, rồi lại buông những câu thơ khốc liệt: “Không lên chùa tìm Phật/Chẳng xuống núi gọi tình”.

Một ôn hòa thượng già trăm tuổi chỉ nói chuyện với cội hồng bì về lẽ như tự nhiên của nó mỗi độ thu về xứ Huế: “Hồng bì, hồng bì mi lại ra hoa đó à”.

Một nhà sư nơi chùa làng quê kiểng ngày ngày nhắc mình tự gọi tự trả lời bằng công án Thụy Nham: “Ông chủ” / Dạ! / "Tỉnh táo nhé” / Dạ! / "Mai kia mốt nọ chớ để người gạt nhé!” / Dạ, Dạ!

Một hòa thượng nhận đệ tử đậm chất lương duyên, giữ lại chùa luôn ngay trong lần đầu gặp mặt (chính là anh Long, đệ tử đầu của ông) kẻo: “Nhất dạ sinh bá kế, về hắn không đi tu nữa thì uổng”. Một người “thợ mộc” không cầm cưa cầm đục, trú “ngôi chùa” có bà phật biết đi đứng nói cười là người mẹ của mình; lại nữa là người ai quen lạ gặp lần đầu cũng bất giác gọi “Thầy”. Một du tăng “đầu tròn áo vuông” thứ thiệt, từ độ từ giã tổ đình xuất thân hạ sơn mấy mươi năm chưa trú xứ một chùa nào. Một tỳ kheo trụ trì - thi sĩ biệt chùa diện bích nơi nao; Một người làm báo cả đời không nói nửa lời Phật pháp mà cuộc đời là đạo tình mênh mông. Và, một đóa ưu đàm Liễu Quán vô ngôn ngát hương, hiện trong hình tướng bài văn bia bên rêu mềm tháp cổ…

Bùi Long viết tập sách này, như anh nói là dịp để nói lời tri ân với những duyên hạnh ngộ. Rồi đi qua.

Còn tôi, sát na này đứng “lộ mô” (giọng Huế nghĩa là “chỗ nào”) mà đọc sách này của anh đây? Nên là người tìm đạo mà đọc vậy.

Đà Nẵng, cuối tháng 2.2018

-----------
  (*) “Ráng đốc phách”: Là từ địa phương người Huế dùng chỉ một hành động cố gắng quá với sức mình. Từ này nguyên nghĩa xuất phát từ trong việc khiêng quan tài, phía bên trái là đốc, phía bên phải là bên phách, người Cai nhang (tức người chỉ huy) sẽ phát lệnh điều khiển khi dân khiêng gánh quan tài qua dốc đồi khó đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.