"Nước Pháp gửi những lời chân thành nhất đến gia đình của ông và người Mỹ", AFP ngày 30.12 dẫn lời Tổng thống Macron, chia sẻ thêm rằng cựu Tổng thống Jimmy Carter là người kiên trì vận động cho quyền lợi của những người dễ bị tổn thương nhất và đấu tranh không mệt mỏi vì hòa bình.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định những hoạt động sau nhiệm kỳ tổng thống của ông Carter, thông qua đại diện của nhà cựu lãnh đạo là Trung tâm Carter, "đã cứu sống vô số người và góp phần thúc đẩy nỗ lực xóa sổ nhiều căn bệnh nhiệt đới bị bỏ quên".
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter qua đời ở tuổi 100
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva gọi cựu Tổng thống Mỹ Carter là "một người yêu dân chủ và bảo vệ cho hòa bình", từng hợp tác với Brazil để làm trung gian đàm phán cho các cuộc xung đột ở Venezuela và giúp đỡ Haiti.
"Ông ấy sẽ được vĩnh viễn nhớ đến là cái tên bảo vệ cho ý tưởng: hòa bình là điều kiện quan trọng nhất để phát triển", theo Tổng thống Brazil.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi gọi ông Carter là "biểu tượng cho các nỗ lực nhân đạo" về vai trò làm cầu nối cho Hiệp ước Trại David 1978 lịch sử, theo đó thiết lập hòa bình giữa Ai Cập và Israel sau 3 thập niên chiến tranh.
"Vai trò quan trọng của ông trong việc đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Ai Cập và Israel sẽ luôn được khắc sâu vào biên niên của lịch sử, và những công việc nhân đạo của ông là minh họa cho tiêu chuẩn cao thượng về tình yêu thương, hòa bình và tình huynh đệ", Tổng thống al-Sisi chia sẻ trên X (tên cũ Twitter).
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận xét "di sản của ông Jimmy Carter là lòng trắc ẩn, lòng tốt, sự đồng cảm và nỗ lực", về lòng phụng sự cho dân Mỹ lẫn người dân trên khắp thế giới, theo Reuters.
Về phần mình, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino gửi lời chia buồn với gia đình và người dân Mỹ trước sự ra đi của cố Tổng thống Carter. Theo ông, thời gian của cựu tổng thống ở Nhà Trắng trải qua những thách thức, và quan trọng đối với Panama trong việc đàm phán và ký kết các Hiệp định Torrijos-Carter năm 1977, theo đó chuyển giao quyền kiểm soát kênh đào (Panama) về tay Panama.
Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela gọi cố Tổng thống Carter là nhà hoạt động vì hòa bình và đối thoại, góp phần vào địa chính trị toàn cầu và đặt dấu ấn không phai mờ trong lịch sử thế giới.
Còn Thủ tướng Úc Anthony Albanese đánh giá cao di sản ấn tượng của ông Carter, người được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2002. "Di sản của ông Jimmy Carter được đo lường tốt nhất thông qua những cuộc đời được thay đổi, cứu vớt và nâng đỡ", theo Thủ tướng Úc.
Bình luận (0)