Tháp Bà Ponagar (Nha Trang, Khánh Hòa) là quần thể công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của nền văn hóa Chăm Pa cổ. Hằng năm, vào dịp lễ hội Tháp Bà Ponagar, tín đồ từ khắp nơi lại hành hương về đây, dâng hương cúng Thiên Y A Na Thánh Mẫu...
Mandapa và tháp chính - Ảnh: Thùy Linh |
Quần thể kiến trúc độc đáo
Khu di tích Tháp Bà Ponagar tọa lạc trên đồi Cù Lao bên dòng sông Cái. Nhìn từ trên đồi, thành phố Nha Trang như bức tranh sơn thủy hữu tình: sông Cái thuyền bè san sát, cầu Xóm Bóng xe cộ ngược xuôi. Xa xa, cầu Trần Phú băng qua cửa biển, vịnh Nha Trang xanh ngắt với những ngọn núi nhấp nhô… Xưa kia, khu đền tháp này là trung tâm tôn giáo thờ Nữ thần Ponagar, người Mẹ xứ sở của dân tộc Chăm; sau đó, được người Việt gìn giữ và tiếp tục thờ Nữ thần với tên gọi Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Theo sử sách, quần thể kiến trúc này được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 13. Dưới chân đồi là tháp cổng và Mandapa, trên đỉnh đồi là khu đền tháp. Tháp cổng vốn được xây dựng trên trục thẳng với Mandapa và Tháp Chính, nhưng sau đó không còn. Đến thế kỷ 20, tháp cổng được phục dựng theo kiểu kiến trúc Chăm.
Mandapa là nơi tín đồ chuẩn bị lễ vật và tịnh tâm trước khi hành lễ trên tháp chính. Mandapa có 4 hàng cột trụ hình bát giác (10 trụ lớn và 12 trụ nhỏ). Trên thân cột lớn, ở độ cao bằng cột nhỏ, có một ô hình chữ nhật khoét sâu vào thân cột, như những “lỗ mộng” trong kiến trúc gỗ. Theo các nhà nghiên cứu, những “lỗ mộng” này có chức năng đỡ một kết cấu xà ngang để nâng mái che ở phía trên, nhưng mái che đã không còn.
Khu đền tháp trước đây có 6 ngôi tháp, nay chỉ còn 4 ngôi tương đối hoàn chỉnh: Tháp Chính thờ Nữ thần Ponagar, cao khoảng 23 m, có quy mô lớn nhất, mang đặc trưng tiêu biểu của tháp Chăm truyền thống. Tháp nam thờ thần Shiva. Tháp đông nam thờ thần Skanda (thần tượng trưng cho sức mạnh và chiến tranh). Tháp tây bắc thờ thần Ganesa (thần mình người đầu voi, tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc).
Quần thể kiến trúc này được xây dựng bằng gạch nung ở nhiệt độ cao, xốp, nhẹ và thoát nước rất nhanh, nên hầu như không có rêu bám. Các viên gạch liền mạch, khít với nhau và không để lộ mạch kết dính. Đây là nét độc đáo của kỹ thuật nung gạch và xây dựng tháp Chăm, nhưng đã bị thất truyền.
Năm 1979, Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa -Thể thao - Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Địa chỉ hành hương
Hằng năm, tại khu di tích Tháp Bà Ponagar, lễ hội Tháp Bà Ponagar được tổ chức từ ngày 20 - 23.3 âm lịch, với sự tham gia của hàng ngàn tín đồ người Chăm, người Việt ở khu vực nam Trung bộ - Tây nguyên, người dân địa phương và đông đảo du khách...
Phần lễ bao gồm các lễ thay y, lễ thả hoa đăng, lễ cầu quốc thái dân an... Lễ thay y được tiến hành tại tháp chính đúng giờ ngọ ngày 20.3 âm lịch. Vị chủ tế dâng trầm hương, hoa, trái cây và khấn vái Thánh Mẫu. Sau đó, các thành viên trong đội thay y cởi xiêm y, mũ miện để tắm tượng Thánh Mẫu. Nước dùng để tắm tượng được nấu từ rượu với nước và 5 loại cánh hoa có mùi thơm. Sau khi tắm, tượng Thánh Mẫu được mặc xiêm y và mũ miện mới do người dân dâng cúng...
Lễ hội còn có múa Chăm truyền thống, múa Bóng, hát Văn ca ngợi công đức Thánh Mẫu, các trò chơi dân gian… Năm 2012, lễ hội Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đến thăm Tháp Bà Ponagar, du khách còn có dịp tham quan phòng trưng bày hình ảnh, hiện vật liên quan đến khu di tích; mua sắm những sản phẩm truyền thống được làm từ đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân Chăm. Đặc biệt, dưới không gian tháp cổ, du khách sẽ được xem các thiếu nữ Chăm múa những vũ điệu truyền thống. Tiếng trống ginăng trầm ấm, tiếng kèn saranai réo rắt như gợi lại tinh hoa của nền văn hóa Chăm Pa rực rỡ một thời…
Bình luận (0)