Di sản Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
26/07/2024 06:16 GMT+7

Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các vị lão thành cách mạng và người dân đều cho rằng xây dựng, chỉnh đốn Đảng "có vị trí đặc biệt quan trọng", là "dấu ấn đặc biệt" trong di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Giữ Đảng trong sạch để phát triển đất nước

Kể từ lúc bước vào hàng ngũ của Đảng khi mới là một thanh niên 23 tuổi, tới khi trút hơi thở cuối cùng vào 13 giờ 38 ngày 19.7, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nhưng xây dựng, chỉnh đốn Đảng với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Ông coi việc giữ Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh là "điều trước hết", cũng là "then chốt" để phát triển đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - "nơi sự phát triển thực sự vì con người, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn".

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp báo Đại hội XIII Ảnh Đậu Tiến Đạt

Tổng bí thưNguyễn Phú Trọng tại cuộc họp báo về kết quả Đại hội XIII

ĐẬU TIẾN ĐẠT

"Để thực hiện thành công mục tiêu đến giữa thế kỷ 21 đưa nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trước hết phải xây dựng Đảng và Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; phải ngăn chặn, đẩy lùi bằng được tệ tham nhũng, tiêu cực", ông viết trong cuốn Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nói việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã trở thành yêu cầu tất yếu, khách quan kể từ khi đất nước thực hiện đổi mới vào Đại hội VI khi số cán bộ có chức, có quyền tha hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật, pháp luật ngày càng nhiều, từ "một số" (Đại hội VII) rồi "một bộ phận" (Đại hội VIII) tới "một bộ phận không nhỏ" (Đại hội IX).

"Trước tình hình đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thế nào là vấn đề rất lớn", ông Túc nêu và cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hơn ai hết, nhận thức rất rõ điều này.

Năm 2012, một năm sau khi đắc cử Tổng Bí thư khóa XI (2011), một trong những nghị quyết đầu tiên của T.Ư Đảng khóa XI được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành là Nghị quyết số 12 Hội nghị T.Ư 4 khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

T.Ư Đảng thẳng thắn chỉ rõ: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...

T.Ư Đảng cũng nhận định, thực trạng trên "nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ".

Từ đó, T.Ư Đảng đặt ra nhiệm vụ ưu tiên số một là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.

Để thực hiện thành công mục tiêu đến giữa thế kỷ 21 đưa nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trước hết phải xây dựng Đảng và Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; phải ngăn chặn, đẩy lùi bằng được tệ tham nhũng, tiêu cực.

Di sản Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng- Ảnh 2.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Mục tiêu này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên trì, bền bỉ thực hiện trong suốt hơn một thập kỷ giữ cương vị Tổng Bí thư.

Đầu năm 2013, sau Hội nghị T.Ư 5 (tháng 10.2012), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo thuộc Bộ Chính trị và do chính ông làm Trưởng ban thay cho Ban Chỉ đạo trước đó thuộc Chính phủ do Thủ tướng làm Trưởng ban.

Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng các khóa từ VIII - XI, đánh giá đây là bước phát triển, tạo ra cơ chế và điều kiện mới để tiến hành công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, gắn liền với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tháng 10.2016, Nghị quyết 4 Hội nghị T.Ư 4 khóa XII tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Trong hơn 10 năm kể từ khi Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hàng loạt đại án tham nhũng được phanh phui, với những hành vi không chỉ là lợi dụng chức vụ quyền hạn, mà còn là những hành vi mang tính bản chất của tham nhũng: nhận hối lộ.

Trong 10 năm (từ 2012 - 2022) 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, trong đó 170 người là cán bộ cấp cao diện T.Ư quản lý. Riêng ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng bị kỷ luật là 33 người, trong đó có 4 ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị. Sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang là 50 người. Số tài sản tham nhũng bị thu hồi trong các vụ án lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng dù tỷ lệ chỉ đạt chưa tới 50%.

Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII (2021) tới nay, T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kỷ luật 44 tổ chức đảng và 164 đảng viên. Trong đó, có 13 ủy viên T.Ư Đảng, 17 nguyên ủy viên T.Ư Đảng, 19 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang; cho thôi giữ chức vụ 19 người; với hàng loạt đại án từ vụ Việt Á, "chuyến bay giải cứu" cho tới Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An…

Di sản Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng- Ảnh 3.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại một cuộc họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

TTXVN

Xu thế không thể đảo ngược

Với tinh thần chống tham nhũng "không ngừng, không nghỉ", "không có vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể người đó là ai", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đã đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực "trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược".

Tại phiên họp 12 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo đã dẫn lại hình ảnh "lò đã nóng lên" mà ông vẫn nói khi tiếp xúc cử tri để nói về xu thế không thể đảo ngược này:

"Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được".

Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, khi tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022), đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của Tổng bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo đối với công tác này.

"Sự gương mẫu, quyết liệt "nói đi đôi với làm" và "làm đi đôi với nói" của Tổng bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo, và các lãnh đạo chủ chốt là chỗ dựa vững chắc, là đảm bảo về mặt chính trị và tạo động lực to lớn và do đó, đây là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua", ông Trạc nói.

Di sản Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng- Ảnh 4.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại một cuộc tiếp xúc cử tri

NGỌC THẮNG

Nhưng mục tiêu của xây dựng, chỉnh đốn đảng và ngay cả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không phải là "kỷ luật cho thật nhiều, xử lý cho thật nhiều cán bộ". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần chia sẻ với cả cán bộ và người dân, rằng "không ai thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí của mình, thậm chí rất đau xót". Ông coi đây là việc "chẳng đặng đừng", buộc phải làm, để làm bài học chung răn đe, cảnh tỉnh những người khác.

Hơn ai hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiểu rằng, mục đích cuối cùng của chống tham nhũng không phải là kỷ luật nhiều, bắt nhiều cán bộ, quan chức vi phạm. Chặt một cành sâu để cứu cả cái cây là giải pháp cuối cùng.

Trong nhiều bài phát biểu, bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặt việc tuyên truyền, giáo dục và xây dựng thể chế lên hàng đầu trong công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng ngừa tham nhũng. Ông nhấn mạnh phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế, thể chế; cùng đó, phải công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình, và coi đây là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị "tha hóa". Trong hơn mười năm ông giữ cương vị Tổng Bí thư, hàng trăm văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được ban hành nhằm thực hiện mục tiêu này.

Ông Nguyễn Túc đánh giá, việc xây dựng chỉnh đốn Đảng dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư thành công bên cạnh sự gương mẫu, quyết liệt, kiên trì, bền bỉ của người đứng đầu, còn nằm ở phương pháp khi ông biết "rút kinh nghiệm, lắng nghe góp ý và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, người dân tham gia".

Còn ông Vũ Trọng Kim thì cho rằng, di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là đã đưa phòng chống, tham nhũng, tiêu cực trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược; một yêu cầu tất yếu của lịch sử và được nhân dân ủng hộ. "Không ai có thể làm ngược, ngăn cản được xu thế đó", ông Vũ Trọng Kim nói.

Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được.

Di sản Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng- Ảnh 5.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.