Theo ông Mạnh, di tích Đồi Giàm hiện đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại bởi các nguyên nhân: trong những năm trở lại đây, nhiều người dân xây mồ mả bừa bãi trên đồi mà không có quy hoạch, việc bê-tông hóa đồi gây xáo trộn di tích. Bên cạnh đó, dự kiến sẽ có một con đường chạy cắt qua khu vực này mà theo ông Mạnh, nếu xuất hiện thì sẽ phá hoại đến một nửa khu di tích.
Di tích khảo cổ Đồi Giàm (TP Việt Trì, Phú Thọ) được phát hiện và khai quật lần đầu tiên vào năm 1973. Theo GS Hà Văn Tấn, di tích này thuộc thời kỳ kết thúc của giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên cổ đại. Ông Nguyễn Xuân Mạnh cho biết Phú Thọ là địa bàn phân bố chính của văn hóa Phùng Nguyên (có niên đại từ 3.500 năm đến 4.000 năm cách ngày nay), nhiều di tích tại đây cho thấy sự diễn tiến liên tục từ sớm đến muộn của văn hóa này và Đồi Giàm là một mắt xích quan trọng trong sự phát triển liên tục đó.
Lần này, đoàn khai quật đã mở 4 hố thám sát (diện tích hơn 40m2), có chỗ tầng văn hóa dày tới gần 2m, phát hiện thấy hơn 200 hiện vật bằng đá, chủ yếu là công cụ sản xuất và đồ trang sức như: rìu, cưa, đục, mảnh vòng, bàn mài… và hàng vạn mảnh gốm có hoa văn đẹp và tinh xảo, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần phong phú của cư dân Việt cổ.
Minh Ngọc
Bình luận (0)