|
Nghĩa địa cá ông
Nhiều bậc cao niên tại thôn Thuận An không nhớ rõ lần đầu tiên xác cá ông được chôn cất tại nghĩa địa này vào năm nào. Họ chỉ biết rằng khi sinh ra đã thấy nghĩa địa nằm tại bãi Bấc và mỗi năm lại rộng thêm ra khi có nhiều cá ông khác lụy bờ. Lão ngư Trịnh Văn Hiền (70 tuổi) cho biết: “Thuở nhỏ, tôi được nhiều người già trong làng kể rằng, nghĩa địa này có từ thời vua Gia Long. Tính đến nay, đã có không dưới 500 cá ông được dân làng an táng”.
Theo tục lệ, cứ đến ngày 20 âm lịch tháng giêng hàng năm, người thôn Thuận An lại tổ chức lễ hội cầu ngư và nghinh ông ngay nghĩa địa này. Và chuyến biển đầu năm thông thường được người dân ấn định khi lễ xong, Bởi ngư dân quan niệm, ra quân đánh bắt sau lễ nghinh ông thì sẽ gặp nhiều may mắn, tôm cá đầy khoang. Theo lời của nhiều lão ngư, tục thờ cúng cá ông đến nay đã có bề dày lịch sử không dưới 200 năm, và đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân nơi đây. Theo ông Trần Toàn (88 tuổi), quan niệm của ngư dân trong làng là hễ có cá ông lụy bờ là điềm lành sắp đến. Chính do sự linh thiêng khó lý giải này nên hễ có ông lụy bờ thì cả làng đều phải để tang rất trang nghiêm.
“Mỗi năm khi chúng tôi đều tổ chức lễ hội nghinh ông (thần Nam Hải), hàng chục tàu cá đổ về khu vực bãi Bấc, trong đó tàu cá đi đầu sẽ mang theo hương án, cờ phướn; tàu cá theo sau sẽ đánh chiêng, trống để đón linh hồn cá ông trên biển”, ông Toàn nói thêm.
Di tích trên cát
|
Cùng với lăng, mộ cá ông những tục lệ, những hoạt động văn hóa tâm linh, phi vật thể như: niềm tin về sự linh thiêng, những lời khấn, cúng, điệu hò bả trạo, lời ca dân gian... đã tạo nên tổng thể một di tích văn hóa - lịch sử nghĩa địa cá ông hết sức độc đáo. Thế nhưng kể từ khi đón nhận danh hiệu này, di tích vẫn chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư tôn tạo của ngành chức năng. Vì là một di tích trong lòng dân nên nghĩa địa này còn tồn tại đến tận bây giờ là nhờ vào sự chung tay góp sức bảo vệ của ngư dân.
Cách mé nước biển khoảng 150m, nghĩa địa này nằm khuất sau những hàng dương liễu già cỗi. Trên diện tích khoảng 250m2, mộ phần của các cá ông được đánh dấu bằng những viên đá tổ ong đặt hai đầu. Trong đó, có những ngôi mộ dài khoảng 20m là nơi an nghỉ chung cho hàng chục cá ông có trọng lượng khoảng vài tạ đến trên dưới 1 tấn. Những cá ông nặng hàng tấn thì được nằm những một ngôi mộ riêng biệt. Ông Nguyễn Tam Văn (58 tuổi) nói: “Nhờ hàng dương bao bọc chứ không thì nghĩa địa chắc không còn đến hôm nay. Thấy các mộ phần đắp bằng cát bị sạt, có khi mất dấu, không khỏi xót xa. Nhưng người làng ai cũng nghèo, lấy đâu ra tiền mà tu bổ?”.
Ông Phạm Đức Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết: “Trước sự xuống cấp của di tích, chúng tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị lên các ngành chức năng, các cấp quản lý đề nghị cấp kinh phí để tu bổ, nhưng chưa thấy hồi âm. Nếu không có sự bảo vệ từ chính bàn tay họ thì di tích này chắc đã biến mất”.
Trong khi đó, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, phía Sở này vẫn chưa nhận được đề xuất hay kiến nghị gì từ địa phương. “Những vấn đề về tu bổ, tôn tạo di tích này do cấp huyện đứng ra đề xuất. Trong những năm qua, nguồn kinh phí cho việc bảo tồn các loại di tích này khá lớn, nếu địa phương có đề xuất hợp lý phía sở sẽ có hướng giải quyết phù hợp”, ông Tịnh nói.
Hoàng Sơn
Bình luận (0)