Nền võ thuật Việt Nam vốn có từ lâu đời, phát triển đa dạng và có đủ thập bát ban võ nghệ, nội ngoại công phu. Thế nhưng, võ cổ truyền ngày hôm nay có kế thừa đầy đủ nền tảng võ học dân tộc hay không, và cái cốt tủy tạo nên sự khác biệt với các môn võ “ngoại nhập” khác là gì? Đó là câu hỏi không dễ có lời giải đáp.
Dường như các dân tộc dù lớn hay nhỏ đều có các kỹ thuật và hệ thống chiến đấu riêng biệt. Bức tranh võ thuật thế giới thật là muôn màu muôn vẻ. Khó có thể nói môn võ này hay hơn môn võ khác. Mỗi môn võ đều có dáng vẻ độc đáo riêng, không thể có sự nhầm lẫn. Như môn capoera chẳng hạn, nó như một vũ điệu nhào lộn, lắc lư theo điệu nhạc. Trông không có gì là võ, nhưng bên trong nó chứa đựng những thế đánh chết người.
Võ thuật cũng chính là một loại hình nghệ thuật. Nghệ thuật chiến đấu được các dân tộc sáng tạo trước hết vì sự sinh tồn. Theo thời gian, võ thuật cũng được biểu diễn, thi đấu mua vui trong các ngày lễ hội. Ngày nay võ thuật được đưa vào thi đấu tại các sân chơi thể thao. Ở một số nước, võ thuật nâng lên hàng võ đạo và được gìn giữ như một quốc bảo.
|
Thử nhìn các nước chung quanh: Campuchia có môn võ bokator cổ xưa, Thái Lan có môn muay lừng danh, Myanmar có môn thaing bí ẩn, Ấn Độ có môn kalaripayat với tuổi đời năm ngàn năm… Chỉ mới tìm hiểu láng giềng Đông Nam Á đã thấy nền võ học khu vực cũng hết sức thâm hậu. Riêng môn muay Thái từng làm mưa gió trên các sàn đài quốc tế, bành trướng ra khắp nơi. Các võ sĩ muay công khai thách đấu với các đại phái Trung Quốc không chút e dè.
Vậy nền võ học Việt Nam đứng ở đâu trong không gian phương Nam đối chứng với nền võ học đồ sộ Trung Quốc thuộc về phương Bắc? Có không ít ý kiến cho rằng võ thuật Việt Nam hoàn toàn chịu ảnh hưởng võ thuật Trung Hoa. Cách nói ấy hoàn toàn võ đoán và thiếu căn cứ xác đáng. Phải biết rằng sự giao lưu giữa các dân tộc luôn có sự tiếp biến văn hóa qua lại, và một dân tộc không có nội lực sẽ dễ dàng đánh mất chính mình. Dân tộc Việt từng chịu đựng một ngàn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, nhưng không bị đồng hóa mà còn “tiêu hóa” luôn các yếu tố ngoại lai xâm nhập. Và đã quật khởi để giành độc lập và không ngừng mở mang bờ cõi để có một dải non sông gấm vóc như ngày hôm nay.
Ý tưởng đó đã gặp nhau trong một câu chuyện rất kỳ lạ. Đó là vào năm 1990, ông Choi Hong-hi, tổ sư môn taekwondo hiện đại, Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo quốc tế (ITF), ghé thăm Việt Nam. Có duyên được gặp và tiếp xúc với ông, trong câu chuyện ông đã gây cho chúng tôi nhiều bất ngờ. Ông nói trước khi đến Việt Nam (giữa thập niên 1960) đã nghiên cứu rất kỹ lịch sử và biết Việt Nam đã từng bị ngoại bang phương Bắc cai trị hà khắc với tên gọi An Nam đô hộ phủ, giống như số phận đất nước ông với tên An Đông đô hộ phủ. Ông tin rằng chỉ có hai dân tộc Việt Nam và Đại Hàn (theo cách gọi của ông) chống lại sự đồng hóa của Trung Hoa và đánh bại nhiều đạo quân xâm lược của chúng qua các thời kỳ.
Choi Hong-hi tiên sinh đã nói đại ý rằng một dân tộc có nhiều chiến công hiển hách như Việt Nam ắt phải là một dân tộc thượng võ và có một nền võ học đặc thù. Khi sáng lập và phát triển môn taekwondo ở đất nước mình, ông ấp ủ dự định truyền bá môn võ này ra khắp thế giới. Việt Nam là nước đầu tiên ông chọn và tin rằng nếu thành công ở đây thì có thể phát triển môn võ này bất cứ nơi đâu. Qua quá trình tiếp xúc, ông nhận xét người Việt có tố chất đặc biệt về mặt võ thuật. Sau này khi ông mất, chức vụ Chủ tịch ITF được giao cho cao đồ Trần Triệu Quân là một người Việt Nam. Võ sư Quân đã chết trong một vụ động đất tại Haiti năm 2010.
Một tác giả có nhiều công trình nghiên cứu về võ học là cố GS.PTS Mai Văn Muôn từng phân tích: “Khởi đầu loài người còn sống quần tụ thành các bộ tộc đã biết sáng tạo ra cách chiến đấu để chống chọi với thú dữ và sự tấn công của các bộ tộc khác. Khi hình thành nên lãnh thổ quốc gia, ý thức dân tộc phát triển mới xây dựng các dòng võ, võ phái. Tùy vào cơ địa và quan niệm nhân sinh mà có nhiều phương thức chiến đấu khác nhau ra đời. Theo thời gian các phương pháp thiền và khí công đưa vào làm nền tảng đã tạo nên bước phát triển thần kỳ của võ thuật. Sự phát triển nào cũng phải có quy luật, các khái niệm triết học cổ sơ như âm dương, ngũ hành được vận dụng để diễn giải các quy luật vận động”.
Võ sư Lê Kim Hòa, Phó chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, người chủ trì biên soạn công trình đặc sắc Võ cổ truyền Việt Nam, từng đi nhiều nước và tìm hiểu nhiều nền võ học có những ý kiến sâu sắc: “Đặc thù của võ Việt Nam là tính chiến đấu rất hiệu quả, không có động tác dư thừa, không hoa mỹ. Người nông dân - võ sĩ khi chiến đấu có thể sử dụng mọi công cụ trong sinh hoạt hằng ngày làm vũ khí hết sức hiệu quả như đòn gánh, bừa cào, khăn vắt vai… Một yếu tố quan trọng nữa là, trong luyện võ có rèn luyện tinh thần. Chính sức mạnh tinh thần cùng khả năng chiến đấu dũng mãnh của các đạo quân áo vải đã làm nhiều kẻ thù khiếp sợ”.
Nhìn theo suốt chiều dài lịch sử, nền võ thuật Việt Nam đã đi qua biết bao thăng trầm và biến động, đã để thất truyền và mai một nhiều vốn quý, nhưng những tinh hoa vẫn còn phân tán lưu giữ trong các dòng tộc. Một thế hệ các võ sư giàu tâm huyết đã dày công sưu tầm, tìm kiếm và chắt lọc để làm nên hệ thống võ cổ truyền độc đáo của ngày hôm nay.
Cao Thụ
>> Võ sư hiến máu cho thai phụ
>> Võ sư lãnh án
>> Võ sư vang bóng một thời
>> Di dời bức tường của lầu Tứ Phương Vô Sự
Bình luận (0)