Đi tìm chiếc nón cổ của người Việt

27/06/2016 06:11 GMT+7

Câu chuyện lịch sử quanh chiếc nón, cũng như việc phục dựng những chiếc nón cổ của người Việt sẽ được bà Vũ Thị Hồng và con trai bà là Nghiêm Phú Luận - những người thợ nghề của làng Tri Lễ (Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ trong buổi đối thoại Bàn tay khâu lá , diễn ra ngày 30.6 tại Hà Nội.

Ông Nghiêm Phú Luận năm nay 52 tuổi, đã cùng với cha mẹ làm nón khi mới lên 4 tuổi. Ông Luận vẫn nhớ vào khoảng những năm 1990, theo ý nguyện của nhà văn Kim Lân, con trai của nhà văn - họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã tìm đến gặp cha ông là Nghiêm Phú Đào để cùng tìm cách phục dựng lại chiếc nón ba tầm đã bị biến mất gần nửa thế kỷ, trong khoảng thời gian từ năm 1945 cho đến những năm 1990. Ông Luận được cùng với cha mẹ và họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức tham gia phục dựng với nguồn tư liệu vô cùng ít ỏi, chủ yếu là những bức tranh, ảnh do người Pháp chụp, vẽ lại. “Không có bất kỳ khuôn nón nào được giữ lại, ngay cả kích thước, chiều rộng, chiều cao là bao nhiêu cũng không được ghi lại. Chúng tôi phải ước lượng chiều cao của người Việt xưa để tính toán làm sao cho vành nón cân xứng với bờ vai”, ông Luận cho hay. Trong khoảng 5 năm với nhiều lần nghiên cứu và chỉnh sửa, chiếc nón ba tầm được phục dựng tương đối hoàn chỉnh.
Sau này, gia đình ông tiếp tục phục dựng nón cổ. Trong đó, nhiều loại nón được phục dựng để sử dụng trong các bộ phim cổ trang, lịch sử: có bối cảnh ở những giai đoạn lịch sử khác nhau Lều chõng (thời Nguyễn), Long thành cầm giả ca (thời Lê - Trịnh), Đinh Tiên Hoàng Đế (thời nhà Đinh) và hiện nay là bộ phim Phật hoàng Trần Nhân Tông (thời nhà Trần)… “Ở mỗi thời kỳ, nón lại có hình dáng, kích thước khác nhau. Nón của người dân miền biển cũng khác nón của người dân ở vùng đồng bằng, hay những người làm công việc, vị trí xã hội khác nhau đội nón có kiểu dáng, chất liệu không giống nhau”, ông Luận nói.
Một số loại nón được ghi trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam. Ảnh: T.L
Một số loại nón được ghi trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam. Ảnh: T.L

Theo khảo cứu của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, có tài liệu ghi lại: vào thời Lý, người Việt hay đội loại nón như hình vỏ ốc, gọi là loa lạp; vào thời Lê sơ, có nón thủy ma, nón màu trắng ngà, nón sơn... là các dạng nón quân trang, đến cuối thời Lê Trung hưng, các dạng nón đã rất phổ biến và phong phú trong dân gian VN, trong đó nhiều dạng nón được kế thừa vào thời Nguyễn, được khắc họa trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam do tác giả Henri Oger thực hiện vào đầu thế kỷ 20. Nhiều loại nón được nói đến trong cuốn sách như nón sơn bên trong làm bằng lá, bên ngoài dùng lá tre tết lại rồi sức bằng sơn được nhiều nho sĩ và thương nhân đội, nón ba tầm cho đàn bà, nón hôn lễ được dùng khi đón dâu, nón đinh phu mà những người đàn ông nhà nghèo thường đội để che nắng, mưa... Theo tài liệu của Phan Kế Bính, vào thời Nguyễn, đàn ông thường đội nón dứa, nón sơn, nón lông, còn đàn bà thường đội nón bẻ (nón ba tầm), nón lòng chảo…
Nghệ nhân Nghiêm Phú Luận cho hay loại lá làm nón cũng thay đổi theo thời gian. Xưa có lá sen, vỏ nứa, lá dứa, lá chít..., đến thời Pháp thuộc, người ta sử dụng chủ yếu là lá cọ. Bên cạnh đó, kích thước của nón cũng nhỏ lại cho tiện lợi hơn.
Chuyện người làm nón
Sinh ra trong gia đình có truyền thống lâu đời làm nón, ông Nghiêm Phú Luận lo lắng vì nghề đang có nguy cơ bị mai một dần. “Hiện nay nghề làm nón chỉ là nghề phụ vì thế không còn nhiều người trẻ tha thiết với nghề nữa. Chúng tôi cũng chưa từng được hỗ trợ gì để phát triển nghề cả, tự lo mà làm thôi”, ông Luận cho hay. Ông thoáng buồn khi nhắc đến mẹ mình, người phụ nữ nay đã hơn 80 tuổi. “Mẹ tôi làm nên những chiếc nón mà có lẽ không ai làm được như cụ cả...”.
Những câu chuyện quanh chiếc nón của người Việt của ông Nghiêm Phú Luận sẽ được đối thoại cùng nghệ sĩ Nguyễn Huy An. “Chúng ta có thể thấy hình ảnh chiếc nón rất quen thuộc nhưng lại ít khi biết được lịch sử của chúng. Tôi đã làm việc nhiều với các nghệ nhân nhưng lại là lần đầu tiên được lắng nghe câu chuyện này từ họ”, nghệ sĩ Nguyễn Huy An bày tỏ.
Cùng với cuộc đối thoại, chương trình còn trưng bày các nguyên liệu, dụng cụ làm nón, các loại nón qua từng thời kỳ. Đây là sự kiện đầu tiên của dự án Reimagine Artist/Artisan do Six Space (VN) quản lý cùng với sự hỗ trợ của Quỹ hoàng tử Claus (Hà Lan), nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa các nghệ nhân, các nghệ sĩ và cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.