Loài vật bí ẩn
Nhà nghiên cứu cá heo danh tiếng - ông Jack Kassewitz, và vợ là Donna Brewer Kassewitz, những người đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Global Heart (Trái tim thế giới) hiện đang thực hiện dự án lớn SpeakDolphin (nói chuyện với cá heo). Đích ngắm của SpeakDolphin là giải mã, tìm hiểu "tiếng nói của biển", sau đó tiến hành giao tiếp nhằm giúp cá heo hiểu được con người.
Từ lâu, các nhà khoa học của nhiều quốc gia từng khát khao và đã thực hiện các cuộc trò chuyện cởi mở với cá heo, nhưng đều không mang lại kết quả như mong muốn. Nay, Kassewitz và Donna đã đạt được bước tiến mới trong việc giải mã ngôn ngữ cá heo và phát hiện rằng, loài thú thông minh này có "tiếng nói" có thể phiên âm ra như những chữ tượng hình.
Cá heo là động vật có vú, xuất hiện trên trái đất hàng chục triệu năm. Chúng có bộ óc lớn, rất phát triển. Ở một vài loài cá heo thậm chí có bộ não còn phát triển hơn con người. Không ít người tin vào giả thuyết, cá heo là loài thú có trí tuệ đầu tiên của trái đất mà vì một nguyên nhân nào đó đã định cư trên biển - môi trường có đủ điều kiện cho cuộc sống dư dả, chẳng phải lo nghĩ điều gì. Điều này hình thành và định hình trí tuệ của chúng. Tuy thế trong bộ não chúng vẫn bảo tồn khả năng giao tiếp và ngôn ngữ dần thay đổi để thích ứng với môi trường nước. Cá heo sử dụng ngôn ngữ giao tiếp bằng những luồng âm thanh hẹp ở các tần số cao hoặc rất thấp.
"Trước khi thiết lập liên lạc với người ngoài hành tinh, cần phải giao tiếp với nền văn minh khác trên trái đất là những con cá heo", nhà vật lý - sinh học người Mỹ John Lilly, 50 năm trước đã kêu gọi giới khoa học như thế. Theo John Lilly, cá heo là loài vật rất thông minh và ngôn ngữ của chúng đáng để nghiên cứu. Ông đã viết cuốn sách về cá heo, loài vật vẫn tồn tại nhiều bí ẩn luôn làm con người say đắm.
Những nghiên cứu đáng chú ý
Nhà khoa học Laela Sayigh thuộc Đại học North Carolina (Mỹ), cùng một số đồng nghiệp đã tiến hành cuộc thí nghiệm với cá heo bên bờ biển Florida vào tháng 5.2006 và kết luận: Cá heo gọi nhau bằng tên!
Trong cuộc thí nghiệm trên, các nhà khoa học đã ghi lại và chuyển ngữ các thông tin trao đổi giữa các con cá heo. Đó là các thông tin không cố định mà hơn một nửa con trong số đó lắng nghe rồi trả lời. Hơn thế, nghe "cuộc trò chuyện" giữa hai con cá heo, nhóm nghiên cứu còn khẳng định rằng chúng đang nói về con thứ ba bằng chính tên gọi của con này. Sau khi tìm hiểu một số hoạt động khác của cá heo, các nhà khoa học rút ra kết luận: loài động vật này có ngôn ngữ riêng, biểu hiện qua 6 cấp độ: âm thanh, âm tiết, từ ngữ, câu đơn giản, câu phức tạp và các đoạn nói dài.
|
Khoảng 10 năm trước, Laurence Doyl thuộc Viện tìm kiếm nền văn minh ngoài trái đất (SETI Institute) tại California (Mỹ) cùng các đồng nghiệp chuyên nghiên cứu về hành vi của động vật cũng ghi lại hàng trăm tín hiệu giao tiếp của cá heo. Họ dùng thuyết khoa học mang tên Zipf phân tích các tín hiệu của cá heo và kết quả là cho ra một hình thái như biểu đồ. Dùng thuyết Zipf với tiếng Anh hay tiếng Nga thì thấy đó là đường thẳng có xu hướng đi xuống. Như vậy, ngôn ngữ của cá heo là có chứa đựng thông tin.
Nghe như nhìn
Trở lại cuộc nghiên cứu của vợ chồng Jack Kassewitz. Họ đã dùng thiết bị CymaScopedo được kỹ sư âm thanh người Anh là John Stuart Reid sáng chế để giải mã âm thanh, từ ngữ của cá heo. CymaScopedo được nối với máy vi tính cho phép con người không chỉ nghe mà còn xác định tần số bất kỳ âm thanh nào phát ra từ cá heo. Kết quả phân tích mỗi một âm thanh (hay từ) của cá heo được hiển thị trên màn hình vi tính như một hình vẽ tương tự chữ tượng hình. Các chữ này cũng khác nhau như các chữ cái khi chúng ta viết trên giấy. Có thể cá heo nói và nghe bằng hình vẽ kiểu như "viết" bằng âm thanh, sau đó chúng được mã hóa thành hình và biểu hiện cho các khái niệm.
"Từ lâu tôi cho rằng, cá heo có hệ thống phân tích tín hiệu âm thanh giống như con người" - tiến sĩ Horace Dobbs, chuyên gia tư vấn dự án SpeakDolphin nói - "Giờ đây tôi có thể khẳng định điều này đã được chứng minh". Còn Jack Kassewitz cho rằng: "Chúng tôi không ngạc nhiên khi phát hiện ra cá heo có hệ thống giao tiếp dựa trên sự quan sát bằng mắt. Nếu như con người hiểu ngữ nghĩa ở cấp độ 3, tức là bằng lời nói, từ ngữ thì cá heo ở cấp độ 1, tức là bằng âm thanh, biểu hiện bằng hình khối khá phức tạp chứa đựng những thông tin". Các nhà khoa học tin rằng, nếu như giải mã ngữ nghĩa được từng "hình ảnh" âm thanh của cá heo thì có thể hiểu được lời nói của chúng. Tuy nhiên đây là điều cực kỳ không đơn giản.
Bảo Quyên (theo Sự thật thanh niên)
Bình luận (0)