Điều này được giải thích do cách tính điểm của trường có lợi cho thí sinh (TS) điểm cao môn toán và đây là ngành "nóng" nhất của ĐH này. Đành rằng quy định đã được thông báo trước, nhưng với đại đa số người bình thường thì sự thật này khó chấp nhận và là một chỉ dấu cho thấy có sự mất công bằng trong tuyển sinh.
Tròn 10 năm trước, ngay trong kỳ tuyển sinh năm 2013, Báo Thanh Niên có loạt bài Ưu tiên tuyển sinh làm thế nào cho công bằng? nêu con số có đến 82% TS trúng tuyển ĐH thuộc diện ưu tiên cộng điểm. Từ đó đến nay Bộ
GD-ĐT cũng đã điều chỉnh giảm mức điểm ưu tiên nhưng vẫn chưa đủ mạnh để chấm dứt sự bất công này. Đến năm 2023 Bộ mới có giải pháp triệt để là thay đổi hoàn toàn cách tính điểm ưu tiên tuyển sinh theo hướng TS có điểm thi càng cao thì điểm ưu tiên càng thấp nhằm tránh tình trạng TS khu vực không ưu tiên dù có mức điểm thi rất cao vẫn trượt.
Theo xu hướng hội nhập, đến nay có trên 100 trường ĐH có chính sách xét tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên với những TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Điều này thoạt nhìn có vẻ công bằng trong một cuộc đua nhiều TS ngang điểm nhau thì lợi thế sẽ thuộc về người có trình độ tiếng Anh cao hơn, mà cụ thể là các chứng chỉ quốc tế. Thực tế này đã tạo ra một "làn sóng" thi và lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế dẫn đến lệch lạc trong việc học ngoại ngữ và gây thiệt thòi cho TS khu vực nông thôn, TS gia đình khó khăn không đủ điều kiện học và thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế dẫn đến mất cơ hội vào nhiều trường ĐH.
Phần nào nhận ra thực trạng này nên mới đây Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết sắp tới Bộ sẽ nghiên cứu để xem xét lại mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét miễn thi ngoại ngữ và tính điểm ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Khi các trường ĐH được quyền tự chủ thì có hàng loạt phương thức tuyển sinh ra đời bên cạnh kết quả thi tốt nghiệp THPT. Cứ ngỡ điều này sẽ tạo thêm cơ hội, giúp gia tăng công bằng trong tuyển sinh. Thế nhưng chính sự rắc rối trong các phương thức, sự nóng vội của các trường về nguồn tuyển và cả sự dễ dãi trong việc đánh giá ở cấp học phổ thông khiến điều này một lần nữa gây ra sự không công bằng giữa đầu vào các phương thức. Điều này đã được chính Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn "gọi tên" đó là điểm yếu lớn nhất trong kỳ tuyển sinh năm 2023.
Công bằng trong tuyển sinh là người giỏi và phù hợp hơn sẽ được chọn; TS đậu hay trượt đều do chính năng lực thật sự của mình chứ không phải do sự may rủi với sự hỗ trợ của các chính sách hoặc sự chủ quan trong các quy định xét tuyển.
Công bằng trong tuyển sinh là một trong những vấn đề trăn trở của ngành giáo dục VN bao nhiêu năm qua nhưng giống như ruột bánh xe đã cũ, cứ vá chỗ này thì chỗ khác lại phát sinh. Hành trình để đến đích, do đó cần một quyết tâm mạnh mẽ để có thể bỏ lại phương tiện cũ kỹ, thay bằng cái mới phù hợp hơn với những biến đổi của cuộc sống.
Bình luận (0)