Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn - Võ Lâm

27/10/2012 03:15 GMT+7

Có một võ phái được hình thành ngay giữa chốn sơn lâm, các chiêu thức được sáng tạo từ nguồn các đòn thế đánh nhau của muông thú. Võ Lâm - một môn phái khá phổ biến ở Thất Sơn trước ngày giải phóng.

Có một võ phái được hình thành ngay giữa chốn sơn lâm, các chiêu thức được sáng tạo từ nguồn các đòn thế đánh nhau của muông thú. Võ Lâm - một môn phái khá phổ biến ở Thất Sơn trước ngày giải phóng.

7 ngày đêm quyết đấu

Ở Thất Sơn tồn tại một võ phái mang cái tên rất hoang dã: “Võ Lâm”. Đây là một môn võ do các cao nhân tiền bối ẩn tu trong rừng núi Thất Sơn sáng tạo nên từ các chiêu thức đánh nhau, giết mồi của những loài thú trong rừng. Cho đến bây giờ, những người cao tuổi trên núi Cấm còn kể lại trận ác chiến của con “hạm” ở núi Bà Đội Om (giống như hổ, nhưng to lớn hơn và thường săn bắt người để ăn thịt) và bạch hổ trên núi Cấm.

Trận đánh kéo dài gần cả ngày tại Vồ Thiên Tuế đã giúp cho các võ sư của Võ Lâm phái ở Thất Sơn sáng tạo nên nhiều tuyệt kỹ của môn phái này. Số là, trong lúc các đạo sĩ đang đi rẫy trên rừng, bỗng nghe tiếng chim rừng táo tác, muông thú hoảng loạn. Biết có chuyện sắp xảy ra, các đạo sĩ liền leo lên cây cao ẩn nấp và để quan sát chuyện gì. Đúng lúc này, hàng chục mãnh hổ đã tụ họp về tảng đá to ngay Vồ Thiên Tuế. Bên kia, 2 con hổ đen đang đánh nhau với hạm tại bãi sa nhơn (một loại cây rừng trên núi Cấm - PV).

Bỗng từ xa có một tiếng gầm rống vang trời, 2 hổ đen liền nhảy ra khỏi vòng đấu. Bạch hổ to lớn từ xa lao vào như một cơn gió. Con hạm liền lùi lại thủ thế và định quay đầu bỏ chạy xuống núi nhưng đã bị bạch hổ chắn ngang. Ngay lúc hạm bị dồn đến bên vách đá, bạch hổ ra một đòn quyết định, con hạm bị móc họng chết và bị đẩy xác xuống vực sâu. Tận mắt chứng kiến trận đấu, các đạo sĩ đã sáng tạo nên nhiều chiêu thức từ các đòn tấn công và phòng thủ của chúa sơn lâm. Từ đó, Võ Lâm phái ở Thất Sơn ra đời.

Số lượng người theo Võ Lâm phái ở Thất Sơn rất đông. Thời hưng thịnh vào khoảng những năm 1930, trên núi Cấm (huyện Tịnh Biên, An Giang) có đến khoảng 4 lò dạy Võ Lâm. Ông Tư Đậu, hiện đang sinh sống ở điện Rau Tần (ấp Rau Tần trên núi Cấm) cho biết, ông ngoại ông là Nguyễn Văn Lúa trước đây là một trong số đệ tử của Võ Lâm. Ông Đậu nghe ông ngoại kể lại rằng, để chọn ra người đứng đầu phái Võ Lâm trên núi Cấm, lò võ ở Cao Đài tự đã luyện tập và cho đệ tử giao đấu với các đệ tử của hòa thượng Đức Minh ở Vồ Ông Bướm.

Tuy nhiên, trận quyết đấu để tranh giành đệ tử và giành đất trồng lúa, luyện võ của 2 hòa thượng Đức Minh và Thiện Quang mới là trận đấu để đời. Vì cả Đức Minh và Thiện Quang đều là 2 võ sư cao thủ của Võ Lâm phái. Miếng đất mà họ tranh giành để trồng lúa và làm sân luyện võ là hồ Thủy Liêm bây giờ. Theo lời ông Út Phước (75 tuổi, nhà ở Lâm Viên, dưới chân núi Cấm) thì họ giao đấu đến 7 ngày 7 đêm, hết đấu binh khí đến đánh quyền cước. Cuối cùng, họ quyết định dừng trận đấu và chia đôi mảnh đất để cùng làm.

 
Bãi luyện võ của các đệ tử phái Võ Lâm ở gần Vồ Chư Thần trên núi Cấm - Ảnh: M.T

 
Di ảnh của Hòa thượng Đức Minh - một cao thủ Võ Lâm phái trên núi Cấm - Ảnh: M.T

Mãng xà xuất động 

Chúng tôi tìm gặp một hậu nhân của một võ sư phái Võ Lâm trên núi Cấm là ông Trần Thanh Tùng, hiện đã 65 tuổi. Ông Tùng cho biết, cha ông là ông Trần Văn Trị, trước đây là xã đội chánh (giống xã đội trưởng hiện nay - PV). Theo ông Tùng thì cha ông có mặt trên núi Cấm cùng thời và bằng tuổi với ông Ba Lưới - vị đạo sĩ cuối cùng trên núi bây giờ. Đó cũng là khoảng thời gian hòa thượng Đức Minh, Thiện Quang vừa đến Thất Sơn. Ông Tư Đậu nói, trước đây nghe ông ngoại kể lại các đệ tử phái Võ Lâm thường luyện võ trong rừng. Cách luyện võ thường là dùng một hình nhân treo thả từ một cành cây to trong rừng, nơi bốn bề lộng gió. Trên tay, chân của hình nhân này sẽ được gắn thêm các loại côn hoặc binh khí. Khi có gió thổi mạnh thì hình nhân sẽ di chuyển, nhưng không có phương hướng nhất định. Khi đó các loại binh khí trên tay hình nhân sẽ vô cùng nguy hiểm, người luyện phải liên tục chống đỡ, né tránh. Luyện tập lâu dần sẽ tạo nên phản xạ nhanh nhạy.

Một truyền nhân của Võ Lâm phái đang sinh sống ở H.Tri Tôn (An Giang) là ông Ng.V.Đ. Ông Đ, hiện đã 60 tuổi nhưng vẫn còn vô cùng khỏe mạnh với thân thủ cực nhanh. Từ lâu ông Đ. đã “mai danh ẩn tích” giấu biệt là mình biết nghề mấy chục năm, nhưng có lần bất đắc dĩ phải ra tay nên bị lộ. Ông kể, cách đây vài năm, trong một lần đám cưới của một gia đình hàng xóm, có xích mích giữa các thanh niên và con trai ông nên ông Đ. buộc lòng phải nhảy vào can thiệp. “Khi tôi lao vào vừa kịp lúc dùng tay trái chụp được chân ghế và nhanh tay túm lấy cổ áo của tên thanh niên nọ ghị sát về phía tôi. Bị tôi khóa chặt, tên này không thể làm gì được.

Lúc này, anh trai hắn cũng chụp một cái ghế khác lao vào đánh tôi. Cánh tay phải còn lại tôi liền chụp lấy chân ghế, lôi hắn vào người tôi. Đang giận vì bị tấn công, tôi tung luôn “song chỏ” khiến hai anh em nó té văng ra cả thước, máu me đầy mặt”, ông Đ. thuật lại. Theo ông Đ. thì chiêu thức ông dùng để khống chế hai anh em nhà nọ là “mãng xà xuất động”. Đây là một trong những chiêu thức lợi hại của Võ Lâm, được mô phỏng theo cách của loài mãng xà lao ra khỏi nơi ẩn nấp để vồ mồi. “Một tuyệt chiêu khác của Võ Lâm mang tên “Mãnh hổ ly sơn” vô cùng lợi hại, thể hiện uy lực của chúa sơn lâm. Vì tôi chỉ học được vài chiêu lẻ nên không dám để lộ cho người ta biết. Nhưng bao nhiêu năm qua tôi vẫn thường xuyên luyện tập để duy trì sức khỏe và để nhớ về cội nguồn môn phái”, ông Đ. bộc bạch.

Mai Tuyết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.