Đi tìm giống lúa 'tiến vua'

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
18/02/2021 06:16 GMT+7

'Tôm rằng bóc vỏ bỏ đuôi/Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già', câu ca dao gắn liền với giống lúa “tiến vua” nổi tiếng, từng ghi chép trong chính sử triều Nguyễn.

Nhưng giờ đây, giống lúa ấy vẫn đang biệt tích, dù đã có nhà nghiên cứu đeo đuổi nhiều năm...

Vì sao gạo de biến mất ?

Gạo de nổi tiếng như vậy, nhưng bây giờ giống lúa ấy ở đâu vẫn đang là câu hỏi đau đáu của các nhà khoa học nông nghiệp. Theo nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh (Thừa Thiên-Huế), tên gọi lúa de được ký âm Mễ nhi, đọc là “nhe” hoặc “gie”, song do đặc trưng phát âm theo cách Huế nên đọc thành “de”.
Năm 1828, vua Minh Mạng đã có chỉ dụ cho các địa phương có các giống lúa, nếp thơm ngon đều phải đem nộp lên, để gieo trồng phục vụ triều đình. Chỉ dụ ghi: “Chiếu tư cho các hạt chọn mua hạng thóc nếp thơm, thóc trắng, có thể gieo trồng được, phải phân biệt hạng nào hết hạn cày cấy sớm hay muộn, phải nêu ruộng sâu hoặc ruộng khô, để nộp lên tất cả; phủ Thừa Thiên, thóc thơm ở An Cựu, thóc nếp thơm ở An Thuận; tỉnh Quảng Trị thóc Minh Xuân, thóc trắng mỗi hạng đều hai hộc; tỉnh Quảng Nam, thóc nếp thơm, thóc cánh mỗi thứ hai hộc; ở Bắc thành, thóc cánh, thóc nếp mỗi thứ ba hộc, đều giao cho phủ Thừa Thiên cất vào kho để dùng”.
Sách Đại Nam nhất thống chí (biên soạn đời Tự Đức) chép: “Lúa thơm, tục gọi lúa da (de), thân lúa cứng, bông lúa dày, hạt thóc hơi dài, gạo rất trắng, nấu cơm rất thơm mềm; lại có một loại tục gọi de trắng, hạt thóc hơi vàng, gạo trắng và thơm, tháng 10 cấy, tháng 3 chín, ưa ruộng thấp các tỉnh đều có, nhưng chỉ có lúa trồng ở xã An Cựu, huyện Hương Thủy là hơn cả, cũng gọi là “lúa hương An Cựu”, hàng năm phải cống”.
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), khi đúc cửu đỉnh, triều đình Huế đã cho khắc hình tượng lúa de vào Cao đỉnh. Còn sách Đại Nam nhất thống chí (biên soạn đời Duy Tân), mục Thổ sản phủ Thừa Thiên chép các loại ngũ cốc có nhắc đến một loại Hương Đạo, tục danh lúa “Nhe vàng”, hột lúa hơi dài, sắc gạo rất trắng mà thơm và mềm cơm, tháng 10 cấy, tháng 3 chín, sản xuất ở tổng xã An Cựu, huyện Hương Thủy, thường năm có cống hiến…
Đất làng An Cựu xưa vốn rất rộng, thuộc huyện Kim Trà, trải rộng từ đông sang tây gồm 10 ấp. Trong số đất đồng ruộng này, triều đình “quy hoạch” ra 10 mẫu gọi là Hương canh điền tập mẫu, dùng để trồng lúa de để tiến cung.
Khảo cứu địa bạ triều Nguyễn, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh tìm thấy tờ khai của Bộ Hộ đề ngày 11.12 năm Khải Định thứ 3 (1918) có trình bày 10 mẫu cấy lúa tiến cung hằng năm tại xã An Cựu. Ông Hồ Vĩnh còn tìm thấy cột mốc hình chữ nhật kích cỡ 110 x 35 x 12 cm ghi 5 chữ Hán “Hương canh điền thập mẫu” thuộc địa phận ấp Ngũ Đông, xã An Cựu xưa (nay là P.An Cựu, TP.Huế). Hằng năm, số thóc thu hoạch sau mỗi vụ đều do các quan thuộc Bộ Hộ quản lý khám xét cẩn thận và nộp vào kho Thần Thương ở kinh đô. Trong khu nhà kho nói trên, còn có một nhà kho gọi là Ngự Mễ Sở, nơi tích trữ gạo vua ăn.
Đi tìm giống lúa 'tiến vua'

Giống lúa de đỏ được PGS-TS Phan Phước Hiền thu thập từ IRRI

ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Sau khi triều Nguyễn kết thúc (1945), việc trồng lúa tiến cung không còn nữa. Cùng với nhu cầu sản xuất lương thực của những giai đoạn kinh tế khó khăn, người dân chỉ lưu tâm đến những giống lúa có năng suất cao và từ bỏ những giống lúa địa phương, truyền thống. Quá trình phát triển đô thị hóa của TP.Huế cũng khiến cánh đồng An Cựu thu hẹp dần, đến nay đã gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Gạo de vì thế đã biến mất.

Xuất ngoại tìm giống lúa việt

Trong khi giống lúa de trong nước gần như “tuyệt chủng” thì một cơ may đã mở ra, khi một nhà khoa học tình cờ bắt gặp lại những hạt thóc giống cổ của Việt Nam còn lưu trữ ở Gene Bank (Ngân hàng Gene) của Viện Lúa quốc tế (IRRI) tại Philippines.
Vốn là một người con xứ Huế, TS Phan Phước Hiền, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, luôn ấp ủ nghiên cứu khôi phục giống gạo de truyền thống. Sau nhiều lần đi tìm giống lúa de trong nước nhưng không thành, năm 2007, nhân một chuyến làm việc tại Philippines, TS Phan Phước Hiền đã tìm đến Gene Bank của IRRI. Tại đây, ông phát hiện có lưu giữ khá nhiều giống gạo được ghi là giống Gie của Việt Nam. Lần thứ nhất, ông thương thuyết và xin được 27 giống đưa về Việt Nam.
Đề tài nghiên cứu khôi phục giống lúa de Huế của TS Phan Phước Hiền đã được Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế nhiệt tình ủng hộ và sau đó được Sở KH-CN tỉnh Thừa Thiên-Huế đồng ý triển khai. Tuy nhiên, đợt đầu gieo hạt gặp thời tiết rét đậm, rét hại nên không thành công. Không chấp nhận thất bại, TS Phan Phước Hiền đã bỏ tiền túi sang Philippines thương thuyết lần nữa, để đưa thêm 37 giống lúa cổ Việt Nam về. Đầu năm 2008, ông Hiền đưa hạt giống về Huế phối hợp với Công ty Giống cây trồng Thừa Thiên-Huế trồng thử nghiệm tại cánh đồng Nam Vinh (H.Quảng Điền).
Công việc gieo trồng gặp nhiều khó khăn vì điều kiện kỹ thuật của Thừa Thiên-Huế chưa đáp ứng. TS Phan Phước Hiền quay lại TP.HCM, phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật miền Nam trồng thử nghiệm. Giống gạo de nguyên bản sau khi được lấy về có chiều cao tới 1,4 m và năng suất tiêu chuẩn 1,8 tấn/ha. Tại đây, bằng công nghệ bức xạ, nhóm nghiên cứu của TS Phan Phước Hiền đã nhân giống thành công và cho ra đời giống lúa de thế hệ M2. Nhưng thật đáng tiếc, dù đạt các tiêu chí về chiều cao (90 cm) và năng suất (3,5 tạ/ha) như mong muốn, nhưng loại gạo de này không cho mùi thơm như gạo de đã từng được mô tả qua sử sách.
Chưa tìm được lúa de An Cựu thật sự, nhưng đề tài nghiên cứu cũng thu thập được 16 giống lúa truyền thống của Thừa Thiên-Huế mất tích từ lâu, gồm (ký hiệu): Gie, Gie 57, Gie Bac, Gie Den, Gie Do, Gie Do Ninh Binh, Gie Tron, Gie Xa Nuong, lua nuoc man Hue, Chien Thai, Chien Hoa Khe, Heo rang, Chien Do, Chien Cang, Chien Don, Chien Chan Son Tay. Trong số đó, có 5 giống được chọn xử lý đột biến bằng tia gamma (Gie Bac, Lua Nuoc man Hue, Gie Do, Gie Den, Gie 57). Chủ đề tài nghiên cứu còn tiếp tục liên hệ với IRRI xin cung cấp thêm 37 giống lúa chất lượng cao (hầu hết là các giống của Thừa Thiên-Huế và miền Trung), trong đó có một số giống lúa NHE có nhiều đặc điểm thích nghi với điều kiện sinh thái Thừa Thiên-Huế.
Mặc dù TS Phan Phước Hiền thiết tha đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế cho tiếp tục theo đuổi để đi đến đích cuối nhằm tìm ra bộ giống lúa chất lượng cao phù hợp với điều kiện sinh thái nông nghiệp địa phương, nhưng đề tài vẫn bị kết thúc một cách đột ngột. “Thời điểm đó, tôi có đề nghị với Sở KH-CN tỉnh Thừa Thiên-Huế cho tiếp tục thực hiện đề tài bằng cách quay trở lại Viện IRRI hoặc sang Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CIRAD) của Pháp để tìm kiếm giống lúa de thêm một lần nữa. Nhưng tiếc thay, sau đó Sở KH-CN đã tổ chức một cuộc hội thảo và kết luận kết thúc đề tài nghiên cứu. Điều đáng nói, tại cuộc hội thảo này, tôi là chủ nhiệm đề tài mà họ lại… không mời tôi”, TS Phan Phước Hiền nói.
***
Nhưng rồi, khát vọng khôi phục cho được giống lúa de huyền thoại vẫn chưa thôi canh cánh. TS Phan Phước Hiền thổ lộ, dù đề tài đã kết thúc nhưng vẫn còn nhiều “nỗi ấm ức” trong lòng.
Ông bảo vẫn luôn có niềm hy vọng mạnh mẽ rằng với một tài nguyên quý hiếm như vậy, các cơ quan nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế không thể để mất đi một cách dễ dàng như vậy. “Có thể hồi đó (năm 2007) tôi chưa lục lọi hết các ngõ ngách trong Ngân hàng IRRI Philippines? Có nên qua đó một lần nữa để tra cứu kỹ hơn? Và nếu thực sự IRRI không còn thì CIRAD có lẽ vẫn đang lưu giữ. Bởi Pháp đã đô hộ chúng ta hàng trăm năm, những tài nguyên quý của chúng ta họ đều mang hết về Pháp. Gạo de quý hiếm như vậy chắc chắn họ sẽ không bỏ qua! Tôi vẫn hy vọng gạo de đang còn ở đâu đó và nếu có cơ hội, tôi tiếp tục theo đuổi đến cùng”, TS Phan Phước Hiền tâm sự.
Khảo cổ để tìm hạt giống cổ
Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh đề xuất cần thiết tiến hành khảo cổ tại các địa điểm di tích ở kho Kinh Thương, kho Thần Thương nằm trên địa bàn 2 phường Thuận Thành và Thuận Lộc (là khu kho lương thực quốc gia triều Nguyễn) để tìm kiếm lại hạt giống lúa de. Kể cả khảo cổ tại khu vực nền móng các nhà kho Quảng Thạnh, Quảng Tích, Quảng Phong, Ngự Mễ Sở và khu vực “Hương canh điền thập mẫu” của cánh đồng An Cựu ngày xưa. “Biết đâu hạt giống cổ rơi vãi và đang “ngủ yên” đâu đó dưới lòng đất mà chúng chưa được khai quật để hồi sinh”, ông Hồ Vĩnh hy vọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.