Lần đầu tiên, TPHCM có một dàn nhạc jazz theo đúng chuẩn bigband (đúng biên chế nhỏ nhất của dàn nhạc bigband 20 người), có thể biểu diễn các tác phẩm âm nhạc kinh điển của thế giới và Việt Nam với chất lượng cao nhất. Ban nhạc gồm những nghệ sĩ jazz kỳ cựu của TPHCM từ hơn 30 năm qua đến nghệ sĩ trẻ đoạt các giải thưởng quan trọng trong những năm gần đây.
Trần Mạnh Tuấn cũng mời nghệ sĩ Phil James (người Anh) và Mike Cheong (người Hàn Quốc) tham gia. Dàn nhạc sẽ hợp tác cùng Nhà hát TPHCM thực hiện những buổi diễn định kỳ hằng tháng tại Nhà hát TPHCM bắt đầu từ tháng 2 vào sáng chủ nhật đầu tiên của mỗi tháng. Đây sẽ là chương trình thay thế cho chương trình thổi kèn định kỳ mỗi sáng chủ nhật bên ngoài nhà hát diễn ra trước đây.
Kinh phí hỗ trợ cho mỗi buổi diễn của ban nhạc bigband là 10 triệu đồng, mức thù lao khá khiêm tốn cho một dàn nhạc. Nhưng kể cả người trong cuộc lẫn người ngoài đều phải chấp nhận, thậm chí xem đấy là việc hiển nhiên khi dàn nhạc ở Việt Nam vốn không có vị trí cao như nhiều nước khác. Vì vậy, việc thành lập một dàn nhạc big band cũng chỉ là sở thích cá nhân là chính khi người đứng ra thành lập biết thừa “làm sao có thể kiếm tiền từ hoạt động nghệ thuật nhất là âm nhạc hàn lâm này”. Thế nhưng, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn vẫn rất lạc quan: “Chúng tôi đều không nghĩ đến tiền. Được chơi nhạc đã là rất tuyệt vời rồi. Tồn tại được bao lâu, chúng tôi chưa biết nhưng ít nhất đã có kế hoạch diễn trong suốt 2013”.
Mức thù lao mà dàn nhạc Saigon Bigband được nhận chưa bằng thù lao của một ca sĩ trẻ mới nổi hiện nay. Nhưng đến được với công chúng mới là mục tiêu lớn nhất của người làm nghệ thuật, dù nhạc hàn lâm được nhìn nhận là âm nhạc đỉnh cao và sang trọng.
Điều đáng quý của việc ra mắt dàn nhạc Saigon Bigband không phải là việc làm nên đẳng cấp cho môi trường nghệ thuật TPHCM mà những người đang hoạt động nghệ thuật đẳng cấp cao chịu đi tìm khán giả.
Theo Thùy Trang \ Người Lao Động
Bình luận (0)