Đi tìm lai lịch chợ Đầm Nha Trang: Đổi đời chợ sau trận hỏa tai

07/12/2023 07:38 GMT+7

Sau nhiều lần nhấc lên rồi lại đặt xuống, việc xây dựng ngôi chợ mới cho Nha Trang chỉ được thực hiện cấp bách sau... một vụ cháy.

Mái chợ cũ bên bờ đầm

Nha Trang trở thành thị trấn vào năm 1924, và lên thị xã vào năm 1937. Trong thời Pháp thuộc, đây là tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa. Năm 1958, chính quyền Đệ nhất Cộng hòa có sự thay đổi, bỏ quy chế hành chánh thị xã, chia Nha Trang thành 2 "xã": Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa. Cho đến năm 1970, chính quyền Đệ nhị Cộng hòa tái định danh thị xã cho Nha Trang và mở rộng địa giới, bao hàm: Nha Trang Đông, Nha Trang Tây cộng thêm 4 xã, 5 ấp và 5 hòn đảo lân cận. Vị thế Nha Trang bấy giờ được củng cố và chú trọng hơn; được xem là một trong 5 thành phố lớn nhất của miền Nam.

Đi tìm lai lịch chợ Đầm Nha Trang: Đổi đời chợ sau trận hỏa tai - Ảnh 1.

Cảnh góc Hàng Cá, Bến Chợ ở khu chợ Nha Trang cũ trở nên chật chội, chen chúc vào thập niên 1960

Tư liệu

Sau 1954, như nhiều đô thị khác ở miền Nam, Nha Trang có sự bùng phát về dân số. Nhưng trong khi các đô thị như Sài Gòn, Đà Lạt được mở mang xây dựng nhiều công trình văn hóa, thương mại... thì Nha Trang lại là một thị xã xinh đẹp, nhỏ bé và có phần cũ kỹ, thiếu sự chăm chút về phương diện kiến trúc, quy hoạch, việc chia nhỏ quy mô hành chánh cũng phần nào làm hạn chế sức bật của đô thị.

Phố xá nhà cửa gia tăng, đa số là nhà thấp tầng. Ở khu trung tâm, nhà phố tự phát, nhà xây kiến trúc các nhà phố - cửa hiệu một, hai tầng kiểu kiến trúc Pháp - Hoa và tân kỳ chiếm ưu thế vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, làm nên một dáng dấp đô thị duyên hải êm đềm, thanh nhàn.

Riêng ngôi chợ bên đầm nước mùa mưa thì tù đọng, mùa nắng thì bụi bặm hôi hám chỉ qua một đợt tu sửa hồi thập niên 1930 đến thập niên 1960 thì trông nhếch nhác. Khoảng 300 nhà cửa, hàng quán mọc lên chen chúc tự phát trên bờ đầm cạnh chợ, rác thải cư dân vứt đổ tùy tiện trên các vũng nước tù đọng khiến nhà chức trách y tế nhiều lần báo động về vấn đề vệ sinh.

Ngân sách "bất kham"

Trong một ảnh lưu trữ được chụp vào năm 1960, cảnh từ ngã ba đường Hàng Cá (Rue Poissons) nhìn qua góc đường Bến Chợ, cảnh dù bạt của các sạp, mẹt hàng đã san sát tràn ra lòng đường, lối dẫn sang đường Phan Bội Châu chật hẹp, người ta phải len lỏi để di chuyển.

Năm 1961, Ty Kiến thiết Khánh Hòa có thiết lập một đại cương dự án do kiến trúc sư Lê Anh Kim phác họa, dự trù lấp 1/2 đầm, dùng xáng thổi và san bằng đất làm khu phố liên kế, xây ở trung tâm một cái chợ tròn nhưng chạy vạy gõ cửa hết Quỹ Hưu bổng Văn giai đến Quỹ Nông tín chưa vay đủ 10 triệu trên dự trù 22 triệu đồng để biến dự án thành hiện thực. Tháng 4.1964, tỉnh Khánh Hòa lại viết đơn cho Nha Thủy vận xin hỗ trợ xáng thổi cát lấp đầm làm chợ nhưng chuyện vẫn ì à ì ạch. Đáng chú ý, trong năm này, Tổng Nha Kiến thiết phụ trách đưa ra một hồ sơ kỹ thuật và một đồ án khác của kiến trúc sư Lê Quý Phong (thiết lập ngày 24.10.1964) thể hiện một ngôi chợ tròn mái xếp và một nhánh vòng cung, nhưng bản đồ án lại bị cất vào ngăn tủ vì tỉnh Khánh Hòa thiếu phương tiện lẫn tiền bạc.

Đến ngày 4.1.1969, trung tá Lê Khánh từ Tòa Hành chánh tỉnh Khánh Hòa gửi một tờ trình (số 111/HC/KT) đến Tổng trưởng Phủ Tổng thống xin vay 75.000.000 đồng để tái thiết khu chợ Nha Trang. Nội dung: "Chợ Đầm Nha Trang được xây cất trên 70 năm nay, lúc dân số thị trấn Nha Trang vào khoảng 5.000 người. Hiện nay dân số thị trấn này lên trên 200.000 người, kể cả vùng phụ cận. Tuy vậy chợ Đầm Nha Trang vẫn tồn tại với chỉ 1 đình chợ nhỏ bé, cũ kỹ, không đáp ứng được nhu cầu thương mại của đồng bào, nên những bạn hàng đã tự động chiếm những đoạn đường gần chợ để đặt sạp buôn bán.

Sự kiện này đem đến tình trạng mất vệ sinh, lưu thông bế tắc và những quán sạp chen chúc có thể làm mồi cho hỏa hoạn".

Những phân tích và thuyết phục khẩn thiết trên với chính quyền trung ương miền Nam lúc đó là có lý do cấp thiết...

Trận hỏa tai năm 1968

Đêm 16 rạng ngày 17.9.1968, trong khi cả thành phố biển đang yên ngủ thì từ xóm nhà ven đầm ở khu chợ trung tâm, một mồi lửa bất ngờ bốc lên. Cả khu chợ nhốn nháo hỗn loạn, tiếng kêu cứu cùng còi xe cảnh sát và cứu hỏa hú vang trời, nhưng lửa một lúc một bốc cao và đám cháy lan nhanh tới mức các phương tiện dập lửa thời điểm đó không thể khống chế được. Trong vài giờ đồng hồ, 126 nóc nhà ở phía đường Nguyễn Thái Học, cạnh chợ cũ đã bị thiêu rụi. Mặt đầm trở thành một đống sình ngún khói.

Có lẽ là một cơ duyên. Đúng đêm xảy ra hỏa hoạn, ông Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ, đang đi kinh lý ở Nha Trang. Ngay sáng hôm sau, đích thân ông Nguyễn Văn Thiệu đã cùng với tân Thủ tướng Trần Thiện Khiêm đã đến thị sát hiện trường vụ cháy. Trước cảnh ngổn ngang, ông Thiệu chỉ thị nóng: "Phải chỉnh trang lại toàn diện khu chợ Đầm Nha Trang".

Chỉ một tháng sau, một bộ hồ sơ (như được làm sẵn, chỉ chờ gửi đi) đã được chuyển từ Tòa Hành chánh tỉnh Khánh Hòa đến Phủ Tổng thống Sài Gòn xin khán duyệt dự án xây cất chợ Đầm. Trung tá Lê Khánh, tỉnh trưởng Khánh Hòa lúc bấy giờ tỏ ra là người đầy quyết tâm trong việc huy động ngân sách xây chợ, và rộng hơn, là tái thiết, định hình quy hoạch khu phố thương mại quanh khu chợ mới bề thế hơn. Có lẽ so với các đời tỉnh trưởng trước đó, ông Lê Khánh may mắn được lịch sử đặt vào một điểm rơi đủ tốt để thực hiện công cuộc tái thiết bộ mặt Nha Trang thông qua việc lo liệu xây một cái chợ. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.