Đi tìm những thương binh nặng trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm

27/02/2006 22:02 GMT+7

Kỳ 2: Hai thương binh không có tên trong nhật ký... Trong đêm ở thị trấn Võ Đắc, tôi gọi về Phổ Cường nhờ xác minh trường hợp anh thương binh Phan Long Chín. Mãi mấy giờ sau mới có phản hồi từ máy điện thoại của anh Trần Văn Chiện. Dù đường dây bị ẩm, giọng chị Tạ Thị Ninh (em kết nghĩa chị Đặng Thùy Trâm) vẫn nghe khá rõ: "Khoa hả! Chị đã vào Thanh Sơn tìm. Đúng là có anh Chín, em ruột anh Quy. Hồi đó, ảnh được bà Trưng khiêng lên núi, anh Quy khiêng xuống núi. Ông Kỳ y sĩ, đang ở Võ Xu cũng biết chuyện này...". Tôi nhẹ hẳn người.

Bà Năm Trưng không được tự nhiên lắm do không biết chúng tôi là ai. "Sao đi làm báo mà không có chính quyền đi theo?". Bà thắc mắc, chị Nguyễn Lâm Cúc trình bày. Đoạn, bà bước đến điện thoại, gọi cho ai đó. Hốt nhiên, tôi cũng đến trước bàn thờ giữa nhà, đốt một nén nhang. Hóa ra bà đang trò chuyện với chị Nguyễn Thị Sử, nguyên dược sĩ của bệnh xá và là vợ của nguyên y sĩ Nguyễn Kỳ. Những tiếng cười giòn từ đầu dây bên kia do chị biết tôi. Hôm qua, trên đường vào Bình Thuận, tôi đã phôn với chị khá dài. Nhờ chị, câu chuyện với bà Năm Trưng bắt đầu suôn sẻ. Bà Năm rân rấn lệ khi nhắc chuyện chị Đặng Thùy Trâm. Bà nói: "Thằng Chín có khi ngồi nói một mình, thương chị Trâm, tội chị Trâm. Chị Trâm dành gạo nấu cháo cho thương binh ăn, còn chị ăn lá rau ranh, rau má, rau tàu bay... Ban ngày, chị giấu thương binh dưới hầm, nửa đêm chị lại đi ém mùng cho từng anh em. Cô Trâm..." - bỗng dưng bà bật khóc bởi bà từng biết rõ "cô Trâm" khi còn ở Phổ Cường. Tiếng khóc của người già nghe sao nghèn nghẹn. Bà nhớ cái thời phải dìm gạo, thuốc tây trong phân bò loãng để mang lên bệnh xá. Cái thời xác thương binh do gặp biệt kích Mỹ, chưa kịp chôn đã bị cọp tha. Cái thời đã xa lắm rồi, nay nhắc lại bà bỗng giật mình! Đã 35 năm, bà như vẫn còn ám ảnh chuyện pháo chụp, pháo bầy lẫn chuyện anh Chín khi vào bệnh viện Sài Gòn bị "người ta" tiếp tục cưa chân, bị nằm chuyền xi-rum trong phòng rào lưới B.40, bị liên tục điều tra khi vết thương chưa lành hẳn. Hồi đó, khi anh được mẹ (nay đã mất) đưa về Võ Xu, mấy tay chính quyền xã cũng không tha, kêu lên kêu xuống, tra khảo đủ điều. Bà con trong xóm thương quá, kéo lên đồn kêu ca: "Thằng Chín nó đi chăn bò ngoài quê bị pháo, chớ Việt cộng gì đâu!". Cuối cùng, anh Chín được thả về do họ nhận ra rằng với cái chân không còn là chân nữa, "đố trời nó còn làm du kích được".

Từ bà, tôi lờ mờ hiểu ra những cơn động kinh của anh Chín. Một thương binh từ bệnh xá Đặng Thùy Trâm được đưa thẳng vào bệnh viện ở Sài Gòn để tiếp tục chữa trị. Điều này thật căng thẳng với một thanh niên du kích sống ở làng Thanh Sơn, chưa bao giờ ra thành phố mà lúc ấy lại vào thẳng "Hòn ngọc Viễn Đông" đầy sắc lính!

Chúng tôi cùng sang nhà anh Chín. Đó là căn nhà tình nghĩa do chính quyền thị trấn Võ Xu xây tặng. Anh đang ngồi xếp bằng một chân trước chảo bún xào. Trái với sự lo xa của chúng tôi, sau đôi chút ngại ngần, anh Chín trò chuyện khá nhiệt tình dù thỉnh thoảng anh chỉ tay lên thái dương kêu: "Mệt, nhức lắm!". Những thời đoạn chiến tranh khốc liệt như còn hằn rõ trên nét mặt anh. Tôi vừa quay phim vừa hỏi chuyện. Nội dung góp lại như sau: Sau khi anh bị thương tại Cây Sanh - Đá Chát, bà Năm Trưng cùng vài người khiêng anh lên núi. Đến cửa rừng, do bảo mật, du kích dân tộc khiêng tiếp anh lên bệnh xá. Do thiếu thuốc, gia đình mua huyết thanh, peniciline gửi y sĩ Kỳ mang lên. Vết thương bị nhiễm trùng, ông Kỳ bảo cưa chân, anh không chịu. Ông bảo cứ cưa, sau hòa bình còn chống nạng, đi chơi. Do lúc tỉnh lúc mê, anh không nhớ có bao nhiêu thương binh cùng nằm vì họ vô ra nhiều đợt, bệnh xá thì chuyển liên tục do bị Mỹ tập kích, đánh bom. Phần khác, hầm anh nằm là hầm dân thường và du kích nên anh không biết những thương binh quân chủ lực nằm ở hầm bò phía trên. Anh chỉ nhớ mỗi lần thăm khám, bác sĩ Trâm mặc áo trắng đi trước, anh Kỳ đi sau, bà Lãnh cho thuốc, còn bà Xăng là chị nuôi. "Hôm 21.6.1970, chị Lãnh và chị Xăng vào làng dân tộc xin mì, có quay về?". Tôi hỏi, anh đáp: "Không thấy mì. Chỉ nghe nói hôm đó chị Trâm đi lên chỗ 5 thương binh bị bom chết, đào chả hộp (tức đồ hộp của Mỹ dưới đồng bằng gửi lên) về cho anh em ăn". Lúc sau, anh lại nhớ: "Hồi nghe tin chị Trâm bị Mỹ bắn, mấy bà khóc, tiếc thương chị Trâm". "Tức lúc đó, anh vẫn còn nằm chỗ cũ? Mấy bà nào khóc?". Anh đáp: "Sau đó bệnh xá lại bị bom, mới chuyển chỗ mới. Còn mấy bà là mấy bà phục vụ". Tôi thắc mắc trong đầu, vừa lúc ông Nguyễn Kỳ nghe tin, tìm vào nhà anh Chín. Theo ông, trong thời điểm đó, chỗ mới chỗ cũ cũng gần nhau thôi. "Quanh mấy dông núi từ Hóc Bầu tới Hố Sâu, chỗ nào cũng có hầm trạm xá. Có thể bà Xăng, bà Lãnh lại về sau đó" - ông Kỳ nói. Đã cao tuổi nhưng trông người y sĩ chuyên cưa mổ năm xưa vẫn còn nhanh nhẹn. Ông khẳng định: "Chính tôi cưa xẻ cho thằng Chín đây. Một lần một. Phải chích thuốc mê Egifan của Trung Quốc mới cưa được. Còn ông Lật nữa, cũng du kích Phổ Cường. Ổng bị pháo bể mông, lòi ruột". Ông Lật nào? Có phải cũng là một trong 5 thương binh nặng cuối cùng? Ông Kỳ đáp:  đúng! Tôi điện ngay về Phổ Cường và sau đó được chị Tạ Thị Ninh xác nhận có ông Lật, cha của cô giáo Oanh nên còn gọi ông Oanh. Nhưng vì sao không thấy tên hai anh thương binh này trong những ngày sau chót trong nhật ký chị Trâm? Tôi hỏi, ông Kỳ giải thích: "Bị hầm của y bác sĩ gần hầm thương binh trung cao cấp và bộ đội chủ lực. Với lại thằng Chín, thằng Lật  mê man, nói chuyện gì được mà ghi nhật ký". Đoạn ông tiếp: "Chính tao (người Quảng Ngãi hay dùng đại từ tao, mày khi bắt đầu thân mật - PV) cưa chân thằng Chín, làm hậu môn nhân tạo cho thằng Lật. Ngày 13.6 từ Hóc Bầu, tao theo ông Đạt đi tìm chỗ mới, hai đứa nó còn nằm chỗ bà Trâm". Cũng theo ông, chị Thùy Trâm hy sinh trong ngày ông xuống Phổ Cường tìm dân công lên đào hầm cho bệnh xá mới ở Đám Lầy (giáp ranh hai huyện An Lão và Ba Tơ). Cũng trong lần xuống núi này, ông đã báo gia đình anh Phan Long Chín và anh Nguyễn Lật tìm đường lên bệnh xá khiêng hai anh về chữa trị.

Ông và anh Chín còn trao đổi với tôi nhiều chuyện khác, thậm chí có khi như một cuộc đối chất trên cơ sở những câu hỏi tôi mang theo từ đất lửa Phổ Cường trong hai cuộn băng ghi âm 180 phút và gần 10 phút phim dung lượng thấp. Và rồi, tôi tạm biệt người thương binh sống sót, tạm biệt y sĩ Kỳ và chị Năm Trưng. Tạm biệt những con đường Đức Linh còn tiếp tục in dấu chân của họ, những người cùng thời đạn lửa với bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Và tất nhiên, tôi cảm ơn nhà báo - bạn đọc Nguyễn Lâm Cúc, người đã thúc hối tôi đến với những nguồn tin nóng hổi ở vùng ba biên giới về câu chuyện cũ 35 năm.


Di ảnh liệt sĩ - thương binh Nguyễn Lật. ảnh: Đ.N.K
...Quay lại Phổ Cường, tôi gặp ông Phan Long Như (tức Bảy Quy, 64 tuổi, anh ruột anh Phan Long Chín). Ông Quy nguyên là thôn đội trưởng du kích Thanh Sơn, nay "phụ trách" đàn trâu mập mạp. Ông xác nhận với tôi những gì ông Kỳ đã nói. Hồi đó, sau khi nghe ông Kỳ về báo lại tình hình, chính ông đã cùng du kích mang AK báng xếp tìm lên bệnh xá. Tại đây, ông chỉ thấy một hai thương binh nằm trên võng cột tại hầm bò ô vuông, nửa ngầm, mái tranh tơi tả. Người phụ trách nói với ông: "Ai có gia đình thì chuyển về, ai không có gia đình thì chuyển đi". Chuyển về cũng trăm ngàn nguy hiểm, anh Phan Long Chín, sau khi y tá chích thuốc, thay băng... được khiêng về tới Phổ Cường khi chiều xuống, suýt chết ở ven đèo Ải vì bom. Ở lại nhà mấy hôm, gia đình "chạy" giấy tờ hợp pháp, mẹ anh đưa con trai vào Sài Gòn rồi sau đó đưa lên nhà bà con tại Võ Xu. Sau 1975, mẹ lại đưa anh về nhà anh Quy. Đến 1978, vì lý do riêng của gia đình, chị Năm Trưng thay mẹ đưa anh vào lại Võ Xu sinh sống đến nay. Xã Phổ Cường đã xác nhận hồ sơ thương binh 1/4 cho anh Chín. Hiện mỗi tháng anh nhận 1.000.000đ, kể cả phần người chăm sóc là cô Tán (khiếm thị), sống trong ngôi nhà tình nghĩa cùng anh. Ông Quy cũng xác nhận, khi lên tìm anh Chín, ông được biết ông Nguyễn Lật (du kích phụ trách kho lương thực thôn Thanh Sơn) vừa chết tại đó mấy hôm do vết thương quá nặng. Sau này, ông Quy là một trong những người đưa hài cốt ông Lật về nghĩa trang Phổ Cường, chỉ có điều, trên bia mộ người ta ghi liệt sĩ Nguyễn Lật, hy sinh 1969. Cho rõ vấn đề, tôi tìm gặp ông Nguyễn Vàng (63 tuổi), người từng khiêng anh Nguyễn Lật lên bệnh xá. Anh Vàng xác nhận, khi khiêng ông Lật lên đã thấy anh Phan Long Chín nằm tại đó. Ông nói: "Ông Lật hy sinh 1970 thay vì 1969. Chắc chắn ông Kỳ nhớ chính xác".

Đ.N.K

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.