Đi tìm thung lũng MiG: MiG-17 đánh để tìm ra cách đánh

22/09/2023 07:13 GMT+7

Theo lời kể của trung tướng Chu Duy Kính, ngay tối 4.4.1965, Chính ủy Quân chủng Đặng Tính đã có mặt tại sân bay Đa Phúc. Ông nghe báo cáo xong rồi nói: "Đánh với không quân Mỹ mà được như thế này là đã quá tốt rồi!".

Sau đó, trung đoàn 921 phải chấp hành lệnh tạm dừng xuất kích chiến đấu để nghiên cứu địch, rút kinh nghiệm hai trận đánh rất oanh liệt nhưng tổn thất lớn này.

BỘ ĐỘI TÊN LỬA ĐÁNH ĐẦY THUYẾT PHỤC

Một kinh nghiệm rất quan trọng từ phi công Trần Hanh sau trận kịch chiến đó là cơ động tránh và tránh thành công một số quả tên lửa "Rắn đuôi kêu" mà phi công - tù binh Mỹ đã nói cùng thông tin tuyên truyền của Mỹ: "Khi bị bắn bằng tên lửa này, phi công đối phương chỉ còn cách cầu Chúa!". Bằng kinh nghiệm quý báu này cùng những thông tin được phân tích, làm rõ về bối cảnh hy sinh của ba phi công đã giúp cho các phi công trong trung đoàn tăng thêm niềm tin và ý chí vào những trận đấu tiếp.

Đi tìm thung lũng MiG: MiG-17 đánh để tìm ra cách đánh  - Ảnh 1.

Các thủ trưởng của Quân chủng Phòng không Không quân (2016): thượng tướng Phạm Thanh Ngân, trung tướng Chu Duy Kính, trung tướng Trần Hanh (từ trái qua)

Khải Mông

Sau đúng 2 tháng kể từ ngày có lệnh tạm dừng xuất kích, ngày 4.6.1965 theo lệnh từ Sở Chỉ huy Quân chủng, biên đội Lích - Chiêu - Quỳ - Phương (phi công Lâm Văn Lích - Nguyễn Nhật Chiêu - Hồ Văn Quỳ - Trần Minh Phương) xuất trận. Mục tiêu được chọn là tốp nhỏ 2 đến 4 chiếc máy bay trinh sát vũ trang. Kết quả trận này, phi công Hồ Văn Quỳ bắn rơi 1 chiếc F-4. Trận này được Ban tổng kết Quân chủng đánh giá: "Hạ quyết tâm chính xác, chọn thời cơ cất cánh kịp thời, tiếp cận địch bất ngờ, giành thế chủ động. Người lái đánh có công kích, có yểm hộ. Trình độ xạ kích yếu, ba phi công bắn hết 148 viên đạn, diệt 1 máy bay địch nhưng không rơi tại chỗ".

Tập ghi chép tổng hợp 360 trận đánh viết ngắn gọn và đưa kết quả bắn rơi 1 chiếc F-105. Nhưng cuốn Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965 - 1975) nhìn từ hai phía của TS Nguyễn Sỹ Hưng viết theo lời kể của đại tá Hồ Văn Quỳ thì đó là chiếc F-4.

Để xác minh lại tính chính xác của sự kiện, tôi đã gọi điện thoại để hỏi trực tiếp anh. Ngày 27.4.2020, anh Hồ Văn Quỳ kể về trận đánh đó. Khi tôi hỏi anh có xác định được loại máy bay nào đã bị bắn rơi không thì anh khẳng định F-4. Nhưng khi nói rằng tại sao ghi chép ở các tài liệu đều là F-105 thì anh trả lời "chắc chắn bắn trúng máy bay địch là được rồi, còn là F-105 hay F-4 rơi thì cũng tương đối thôi!".

Cũng trong tháng 7, cùng với sự giúp đỡ tích cực, hiệu quả của Liên Xô, sau hơn 2 tháng huấn luyện, bộ đội tên lửa Phòng không Việt Nam đã ra trận bằng trận đánh đầy thuyết phục vào ngày 24.7.1965. Từ trận địa Suối Hai (Sơn Tây) với 4 quả đạn từ hai khẩu đội hỏa lực tên lửa (tiểu đoàn 63 và tiểu đoàn 64) của trung đoàn 236 đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-4, bắt sống 1 giặc lái, bắn bị thương 3 chiếc khác. Đây cũng là chiếc máy bay Mỹ thứ 400 bị bắn rơi trên miền Bắc.

TIẾP TỤC ĐÁNH THĂM DÒ

Từ ngày 12.5 đến ngày 16.6.1965, Mỹ tạm dừng chiến dịch "Rolling Thunder - Sấm rền" để điều chỉnh, bố trí và tăng cường các lực lượng bảo đảm chỉ huy. Đồng thời, điều chỉnh các khu vực tác chiến (6 khu vực) cho không quân và không quân hải quân Mỹ khi đánh vào miền Bắc Việt Nam.

Ngày 17.6.1965, biên đội Lâm Văn Lích - Cao Thanh Tịnh - Lê Trọng Long - Nguyễn Nhật Chiêu được lệnh xuất kích đánh 20 chiếc máy bay cường kích của địch (có 14 chiếc A-4 Skyhawk của tàu Midway…), nhưng lại gặp tốp F-4B làm nhiệm vụ tuần canh, ngăn chặn MiG ở khu vực Nho Quan, Ninh Bình. Theo đánh giá của tác giả cuốn Lịch sử ngành dẫn đường không quân thì đây là trận "tao ngộ chiến" bất ngờ giữa biên đội MiG-17 và các máy bay F-4B. Đại tá - Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Chuyên, cựu dẫn đường, cho biết đây cũng là trận đầu tiên dẫn đường trên màn hiện sóng đã thấy rõ cả ta - địch và dẫn MiG-17 vào phát hiện và đánh địch.

Trận đánh vô cùng gay go, quyết liệt với các pha đuổi bắt, cơ động bắn vào máy bay địch, đồng thời vòng tránh gấp khỏi tên lửa từ máy bay địch phóng ra. Kết quả mỗi phi công (Lích, Long) đã được công nhận bắn rơi 1 chiếc F-4. Nhưng ta tổn thất 3 chiếc MiG-17 (Lích, Chiêu trúng tên lửa, nhảy dù an toàn. Long hy sinh - trường hợp này có tài liệu nói do tai nạn chiến đấu, cơ động quá mạnh bị đâm vào núi).

Tài liệu Mỹ ghi nhận bắn rơi 2 MiG-17, đến năm 1997 khi biết ta công bố bị rơi 3 MiG-17 trong trận này thì phía Mỹ đã công nhận thêm cho trung tá Louis Page và phụ lái đại úy John C.Smitth với lời thừa nhận rằng có thể mảnh vỡ từ chiếc máy bay của số 2 Cao Thanh Tịnh bị trúng đạn văng vào số 3 là Lê Trọng Long bay gần đó chứ không phải do ông ta bắn.

Theo TS Nguyễn Sỹ Hưng thì đây là trận đánh mà không quân hải quân Mỹ lần đầu tiên nhận bắn rơi MiG của (miền Bắc Việt Nam) ta.

(còn tiếp)

(Trích Đi tìm thung lũng MiG - Phạm Phú Thái - NXB Thông tin và Truyền thông)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.