CHÊNH LỆCH TRONG KIỂM ĐẾM
Tôi tìm gặp nhân chứng của các thế hệ phi công từng là lãnh đạo, chỉ huy không quân và cán bộ đầu tiên mà giờ họ còn lại không nhiều, đều đã ở tuổi "ngoại bát tuần", một số đã chuyển sang U.100.
Lựa chọn tư liệu cũng khó khăn vì đến nay ngày càng có nhiều tư liệu từ phía Mỹ được công bố về cuộc chiến tranh trên không, như hồi ký của các phi công Mỹ. Mãi gần đây mới có tư liệu mật về chiến tranh Mỹ - Việt (trong đó có không quân) được giải mã từng phần. Đến cuối năm 2016 thì tôi có bản dịch được cho là đầy đủ tài liệu tổng hợp các trận không chiến của không quân Mỹ - Việt.
Đọc tài liệu của Mỹ và so sánh với nhiều tư liệu đối chứng của không quân ta thấy có sự chênh lệch trong kiểm đếm kết quả của cả hai phía. Tôi thấy "độ chính xác" từ các tài liệu của Mỹ làm tôi giảm hẳn sự tin tưởng vì số liệu mà tôi có trong tay là tư liệu gốc từ các sổ sách thống kê của nhiều cơ quan gồm tác chiến, huấn luyện, kỹ thuật, chính sách, cán bộ của các đơn vị và Bộ Tư lệnh phòng không không quân. Những tư liệu đó được soạn thảo ngay sau mỗi trận đánh với văn phong không trau chuốt tô vẽ, thậm chí còn mắc lỗi chính tả đôi chỗ khó hiểu, lai tạp như: trưởng cơ (biên đội trưởng) hay liễu cơ (phi công bay phía sau để bảo vệ cho đội trưởng). Những trang viết này thực sự quý giá bởi sự trung thực.
Trận 3.4.1965 - người Mỹ chỉ thừa nhận (muộn mằn) sau đó rằng có 1 máy bay F-8 bị thương nặng và một máy bay F-8 khác bị thương nhẹ vì dính đạn của MiG-17, nhưng tất cả đều về hạ cánh.
CHÊNH LỆCH TRONG SÁCH
Ngày 28.5.2019 và ngày 18.2.2020, tôi và anh Hà Quang Hưng đã đến thăm và phỏng vấn trung tướng Chu Duy Kính để có thêm tư liệu cho bài viết trên cuốn 65 năm Không quân nhân dân Việt Nam - hồi ức (NXB Quân đội Nhân dân, 2020). Chúng tôi nghe ông tâm sự những điều được giữ kín trong nhiều năm nay. Một trong những nội dung đó là về Hai trận đánh mở màn, trong đó có một ý là không chắc chắn về việc bắn rơi tại chỗ F-8 của không quân hải quân Mỹ.
Toàn văn nội dung ông nói, tôi đã ghi chép lại, sau đó đưa ông xem và được ông sửa như sau: "… Phạm Ngọc Lan chỉ huy biên đội bình tĩnh, dõng dạc qua khẩu lệnh nhắc nhở Phan Văn Túc: "Còn xa, chưa được bắn vội!". Phạm Ngọc Lan sau đó vào công kích và nổ súng mấy loạt thì máy bay địch chui tọt vào mây mất nên không chắc chắn có rơi không? Tối về tao mở đài địch ra theo dõi thì không thấy nói gì".
Nhưng khi tôi đưa nội dung này cho ban biên tập cuốn 65 năm Không quân nhân dân Việt Nam - Hồi ức thì đã bị cắt bỏ câu "Phạm Ngọc Lan vào công kích, nổ mấy loạt súng nhưng không chắc chắn có rơi không!" chỉ giữ lại… "Phạm Ngọc Lan chỉ huy biên đội bình tĩnh dõng dạc, khẩu lệnh dứt khoát còn xa chưa được bắn vội". Lý do được ban biên tập đưa ra là ta đã công nhận biên đội Phạm Ngọc Lan đã bắn rơi. Nói thế này sẽ sai với các sách lịch sử đã ghi nhận. Tôi đã tranh luận lại bằng các lý lẽ của mình nhưng cả ba người chủ chốt biên soạn đều gọi điện đến và kiến nghị sửa lại. Tôi đành nói: "Thôi vậy! Tùy các anh sửa nhưng tôi sẽ nói ra sự thật này trong cuốn sách tôi đang viết".
Tìm đọc một số cuốn sách xuất bản ở Mỹ về các cuộc không chiến ở VN thời chiến tranh, họ đã đề cập đến trận 3.4.1965 như một trận đánh khởi đầu bên cạnh trận 4.4.1965. Nhưng phía Mỹ chỉ chú trọng đến trận ngày 4.4.1965 vì họ đã bị rơi tới 2 máy bay F-105 hiện đại nhất khi đó. Và họ buộc phải công nhận ngay trong buổi chiều ngày 4.4.1965.
Với kết quả chiến đấu của hai trận đánh mở màn cho mặt trận trên không từ phía VN, trong trận đánh 3.4.1965 chỉ nhận (dè dặt) bắn rơi 1 chiếc F-8, sau đó lại tăng lên 2 chiếc. Nhưng đã khẳng định ngay bắn rơi 2 chiếc F-105 vào ngày 4.4.1965. Những ai quan tâm đến sự kiện này đến đây có lẽ mới hiểu được tại sao chúng ta đã từng có khẩu hiệu "Chào mừng (hai) ngày đánh thắng trận đầu mùng 3 và 4 tháng tư năm 1965!". (còn tiếp)
(Trích Đi tìm thung lũng MiG - Phạm Phú Thái - NXB Thông tin và Truyền thông)
"Trong ba lần gặp gỡ giữa các cựu phi công Việt - Mỹ có nhiều trận đánh được khẳng định kết quả, nhưng cũng có một số trận không thống nhất với nhau. (…) Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng dù phía Mỹ không công nhận hay không muốn công nhận phi công VN bắn rơi máy bay của họ thì những luồng đạn nóng bỏng căm thù của những người phi công dũng cảm kiên cường của chúng ta làm bùng cháy máy bay kẻ thù sẽ vẫn là những biểu tượng anh hùng của một thế hệ. Tôi trân trọng họ như những anh hùng dù có hay chưa có được danh hiệu của nhà nước trao tặng".
Trung tướng - Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái
Bình luận (0)