Đi tìm thung lũng MiG: MiG-17 nối mạch chiến công

29/09/2023 07:23 GMT+7

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 4 diễn ra tháng 1.1967, có 3 phi công MiG-17 tiên phong trong "Mặt trận trên không" được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng quân đội, đó là: thiếu tá Trần Hanh - phi công mở mặt trận trên không bắn rơi 1 chiếc thần sấm F-105; thượng úy Nguyễn Văn Bảy với chiến công bắn rơi 4 máy bay Mỹ và đại úy Lâm Văn Lích đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ.

ANH DŨNG VÀ BI THƯƠNG

Trong lúc MiG-21 gặp khó khăn sau những trận đánh trong hai ngày mùng 2 và mùng 6 tháng 1 năm 1967 thì ba tháng đầu năm 1967, MiG-17 vẫn đánh và giành thắng lợi trong ba trận không chiến.

Đi tìm thung lũng MiG: MiG-17 nối mạch chiến công   - Ảnh 1.

Thông điệp hòa bình với cựu phi công Mỹ của phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy

Tư liệu tác giả

Ngày 21.1.1967, biên đội Hồ Văn Quỳ - Phan Thanh Tài - Nguyễn Văn Bảy - Võ Văn Mẫn được lệnh bí mật cơ động từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) lên sân bay Kép (Bắc Giang) để chặn đánh không quân Mỹ.

Hồ Văn Quỳ (số 1) lệnh cho biên đội "Kìm địch xuống độ cao thấp" và anh bám vào 1 chiếc F-105 nhả đạn ở cự ly 500 - 600 m. Nguyễn Văn Bảy (số 3) cùng với Mẫn (số 4) bám theo tốp đi sau đó và chọn cho mình chiếc F-105 gần nhất lao tới; vào tới cự ly

500 m anh bắn liền 5 - 6 loạt đạn cho tới khi thấy chiếc F-105 xì khói và cắm xuống mới thoát ly.

Như vậy, Nguyễn Văn Bảy lại lập công ngay sau 15 ngày nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (AHLLVT) mà Bác Hồ trao tặng tại Đại hội thi đua yêu nước. Chiếc máy bay F-105 này bị anh Bảy bắn cháy trước sự chứng kiến của Đài bổ trợ chỉ huy tại khu vực sân bay Chũ. Nhưng sau đó ra tới biển nó mới rơi hẳn…

Ngày 5.2.1967, biên đội Lê Quang Trung - Hoàng Văn Kỷ - Ngô Đức Mai - Trương Văn Cung từ sân bay Gia Lâm bay về hướng Ba Vì để chặn đánh không quân Mỹ vào đánh các mục tiêu phía tây Hà Nội thì gặp địch ở khu vực Xuân Mai - Hòa Lạc. Hoàng Văn Kỷ đã ghi được chiến công thứ hai của mình với 1 chiếc F-4.

Ngày 26.3.1967, biên đội MiG-17 của Ngô Đức Mai - Vũ Huy Lượng - Phan Thanh Tài - Trương Văn Cung xuất kích từ sân bay Hòa Lạc đã đón đánh kịp thời đội hình máy bay địch. Trận đánh vô cùng ác liệt đã diễn ra giữa 4 chiếc MiG-17 với đội săn MiG của Không quân Mỹ để bảo vệ cho đội hình 16 chiếc F-105 vào đánh các mục tiêu xung quanh Hà Nội. Thiếu úy Vũ Huy Lượng cùng đồng đội "tả xung hữu đột" giữa các máy bay địch. Anh bắn rơi 1 chiếc F-4 nhưng sau đó lại trúng tên lửa địch hy sinh (biên đội chiến đấu MiG-17 này cũng lần lượt hy sinh trong những tháng ngày ác liệt sau đó của năm 1967: Phan Thanh Tài hy sinh ngày 19.5.1967; Ngô Đức Mai hy sinh ngày 3.6.1967; Trương Văn Cung hy sinh ngày 5.6.1967).

CHUYỆN ĐÒI HUY HIỆU BÁC HỒ TẠI PHỦ CHỦ TỊCH

"Tụi bay biết chuyện tau còn đi đòi được cả huy hiệu Bác tại Phủ Chủ tịch chưa?". Đó là chuyện của huyền thoại phi công MiG-17 - Anh hùng Nguyễn Văn Bảy (1936-2019).

Theo Nguyễn Văn Bảy, sau khi ra hiệu cho mọi người yên lặng, Bác nói: "Bác thường xuyên theo dõi tin tức của các chú, Bác mừng vì không quân ta trưởng thành nhanh chóng, càng đánh càng lập nhiều chiến công, càng làm cho kẻ thù nể sợ…". Rồi Bác nhìn khắp lượt và hỏi: "Bác đã cho Văn phòng Phủ Chủ tịch làm Huy hiệu Bác để gửi tặng các chú phi công mỗi lần bắn rơi máy bay địch, vậy các chú đã nhận được chưa?". Mọi người đồng thanh: "Dạ, nhận được rồi ạ!". Bác tươi cười vui vẻ: "Những ai đã nhận được Huy hiệu Bác rồi thì đứng lên cho Bác biết mặt". Nhiều người đứng lên. Bác nhìn khắp lượt như để ghi nhớ khuôn mặt, danh tính những người trai dũng cảm của đất Việt rồi Người ra hiệu ngồi xuống và hỏi thêm: "Còn chú nào bắn rơi máy bay địch mà chưa kịp nhận Huy hiệu Bác nữa không nào? Đứng lên!". Có mấy phi công đứng lên…

Bác thấy anh Bảy lại đứng dậy liền tươi cười hỏi: "Chú Bảy Sa Đéc phải không? Chú đã nhận rồi, sao bây giờ lại đứng dậy kêu chưa nhận?". Anh Bảy vừa gãi gãi đầu và trả lời: "Dạ thưa Bác, còn chiếc thứ 3 chưa nhận ạ!". Thấy Người cười rạng rỡ, vui vẻ: "Chiếc thứ 3 rồi à? Tại sao chưa nhận?".

- "Dạ! Cháu với đồng chí Mẫn vừa bắn rơi mỗi người 1 chiếc vào chiều hôm qua thì hôm nay được lên gặp Bác ạ!"…

Bác tiến lại gần Nguyễn Văn Bảy hỏi tiếp: "Chú ở Sa Đéc có biết mộ cụ Nguyễn Sinh

Sắc không?".

- "Dạ, cháu được viếng mộ cụ trước khi đi tập kết ạ".

- "Cháu có biết là ai không?".

- "Dạ lúc đó thì cháu chưa biết, nhưng giờ thì biết là cụ thân sinh ra Bác ạ!"…

Chúng tôi mới hỏi xen vào: "Khi được dẫn vào viếng mộ cụ Sắc trước khi tập kết, anh Bảy không được ai cho biết đây là mộ của người nào à?".

Anh cười cười: "Lúc đấy tau mới 17 - 18 tuổi, cán bộ có nói vào viếng mộ cụ nào đấy, nhưng chỉ nghe láng máng, nghĩ là một ông cụ nào đó có công to lắm với đất nước, nhưng mãi sau mới được nghe chớ có học hành chi đâu mà biết được!".

Tôi trân trọng cái tâm sự rất thật, rất thẳng thắn kiểu Nam bộ như anh. 

(còn tiếp) 

(Trích Đi tìm thung lũng MiG - Phạm Phú Thái - NXB Thông tin và Truyền thông)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.