Đi tìm thung lũng MiG: Tình yêu của người lính bay

28/09/2023 07:23 GMT+7

Đúng những ngày "Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau qua cầu Ô Thước", vợ tôi mang cuốn vở viết tay này lên nhờ giải mã mấy chữ viết không thể dịch nổi để đánh máy. Mồ hôi nhễ nhại và mệt mỏi, sau khi giải nghĩa xong, vợ tôi nói: "Suốt hàng tháng dịch từ chữ Việt ra chữ Việt mô tả các trận đánh em thấy nó khô khan quá! Sao anh không kể những câu chuyện tình yêu của các anh ấy trong chiến tranh như chuyện chị Mậu - anh Lai và anh Mai có phải hay và nhẹ đầu đi không?".

Thấy vợ mình nói cũng phải, nên tôi biên lại một số chuyện mà tôi biết về các anh giúp bạn đọc hiểu thêm về tình yêu của những người phi công chiến đấu với những người vợ và những người thương yêu của họ.

Đi tìm thung lũng MiG: ình yêu của người lính bay   - Ảnh 1.

Anh hùng LLVTND Lê Thanh Đạo chia sẻ kỷ niệm tại Giao lưu ra mắt sách Đi tìm thung lũng MiG (9.9.2023)

Khải Mông

TRỐN CƯỚI VỢ ĐỂ VÀO BỘ ĐỘI

Trong lớp người sinh từ những năm 1930 đầu 1940 ấy khi vào không quân không ít anh có kịch bản trốn cưới vợ để vào bộ đội như Nguyễn Văn Bảy, Lưu Huy Chao mà lớp người đi sau như chúng tôi được biết đến. Nhưng có những người đã "được" hay "bị" sức ép của gia đình mà cưới vợ trước khi vào bộ đội như anh Nguyễn Nhật Chiêu và một vài anh khác (do không biết rõ nên không dám viết vào đây)…

Những người trốn cưới vợ để vào lính hay chưa kịp cưới vợ đã được tuyển chọn đi học bay lại có những tình tiết yêu đương lãng mạn hơn mặc dù vào những tháng năm chiến tranh gian khổ, ác liệt với cái chết luôn cận kề ấy, tình yêu của tuổi trẻ luôn biết cách vượt lên tất cả để tồn tại và song hành cùng cuộc sống. Tuy nhiên môi trường, điều kiện sống, sinh hoạt của phi công chiến đấu trong chiến tranh lại rất đặc biệt và khác biệt, nên có nhiều câu chuyện sự kiện chỉ "người trong nghề" mới biết và hiểu…

Tôi có may mắn được biết (không hết), được chứng kiến không nhiều cuộc sống tình cảm khó khăn của một trong những phi công thế hệ đầu của Không quân nhân dân Việt Nam. Đó là Anh hùng LLVTND Nguyễn Nhật Chiêu. Anh vừa là thủ trưởng, vừa là người anh lớn thân thiết của lớp phi công chúng tôi từ 1968. Anh có lối sống giản dị dù có lúc hơi khắt khe với chúng tôi trong ăn mặc, đầu tóc, nhưng có cách tiếp cận thân thiện gần gũi… Anh hay chuyện với nhiều chuyện vui trong sinh hoạt của các thế hệ phi công cả của ta lẫn "Tàu" có pha lẫn Nho giáo với Khổng Tử của người có được học chữ Nho, Tam tự kinh ở phố huyện xưa. Sau này tiếp thu thêm văn hóa Liên Xô khi các giáo viên bay Liên Xô sang trực tiếp giảng dạy và bay kèm các anh học chuyển loại. Chúng tôi và nhiều thế hệ phi công nhớ mãi câu thơ pha trộn các kiểu văn hóa và ngôn ngữ của ông "Trai thì trung hiếu làm đầu/Gái thì Conus phao câu mề gà". (Conus: Tiếng Nga KOHYC - là bộ phận giống chóp nón phía trước màu xanh trong ống hút khí máy bay được ví như bộ ngực phụ nữ).

TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI LÍNH BAY

Khoảng 1993 - 1994 gì đó tôi rẽ qua nhà thăm anh ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, Hải Dương, lúc đó được anh giới thiệu vợ anh. Quả là sửng sốt đến bất ngờ vì khi đó anh mới xấp xỉ 60 tuổi (mới về hưu) nhưng khỏe mạnh trông chỉ như 50 tuổi, còn vợ anh làm tôi bối rối không dám chào bằng chị…

Tự nhiên trong tôi lúc đó cảm thấy thương cho cả hai người, nỗi cảm thương này tôi đã viết vài lần trên trang Facebook của mình (khi anh mất vào cuối năm 2015 và nhắc lại thêm trong những ngày giỗ sau đó).

"Trong khi có thời điểm ác liệt của chiến tranh Chính ủy Đặng Tính hay Tư lệnh Phùng Thế Tài còn dùng cả xe riêng của các ông đi đón các "cô vợ" của phi công lên đơn vị thăm chồng ở chiêu đãi sở mà có lần tôi được nghe anh Lê Huy Chao kể lại…".

Trung tướng - Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái

Trước khi mất hơn một tháng, chúng tôi đã về Hải Dương thăm anh, và đã gặp một người phụ nữ cũng đến thăm anh, được anh giới thiệu "Đây mới là người yêu đầu đời của anh đấy chú Thái này". Tôi thấy "bà chị" hình như tên "Phượng" tuy tuổi cao nhưng vẫn xinh xắn, nền nã, bẽn lẽn chống chế: "Anh cứ nói thế chứ, hồi đấy đi học tiểu học thấy thích thích nhau thế thôi chứ đã có gì đâu"…

Cách nay vài năm một người bạn (NĐS) có nói với tôi trong một lần gặp gỡ: "Tụi mình có tuổi trẻ bình thường đâu, cả quãng đời thanh niên chìm nghỉm trong chiến trận, suốt năm, suốt tháng là các trận đánh, các cuộc huấn luyện, trực chiến, cơ động…". Lúc đó tôi không phản ứng gì chỉ nghĩ thầm có phải riêng mình đâu! Nhưng giờ ngẫm lại có thể người bạn này nói với hàm ý khác khi nhớ về những biểu hiện không bình thường của "một số lính bay" thủa đó.

Nhớ lại những năm tháng mà tôi viết ở phần trên "được nuôi như gà trọi" (sic) ấy có không ít chuyện không biết nên khóc hay nên cười nữa. Xin kể lại vài trường hợp cũng để mọi người thông cảm và hiểu hơn về một "xã hội" thu nhỏ của các lính bay thủa ấy. 

(còn tiếp) 

(Trích Đi tìm thung lũng MiG - Phạm Phú Thái - NXB Thông tin và Truyền thông)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.