Giờ cao điểm sáng ở cung đường ùn tắc
8 giờ, nắng gay gắt, mùi khói xe phả ra, nhiều tài xế rướn người cố nhìn "biển người" phía trước, thấp thỏm sợ trễ giờ làm.
Trong khi đó, nhiều người vặn thúc ga, leo lên vỉa hè, tranh thủ từng giây mong thoát khỏi đám đông đang nhích từng chút. Hàng chục ngàn người từ TP.Thủ Đức, Bình Dương đi làm ở các quận trung tâm TP.HCM qua đoạn đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) khởi đầu một ngày mới mới mệt nhoài như thế.
Đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) một chiều, có 4 làn xe, hướng từ TP.Thủ Đức đến ngã tư Hàng Xanh, đi vào các quận trung tâm như Q.1 và 3. Sáng 29.10, hòa mình cùng dòng phóng viên Báo Thanh Niên người đi qua đoạn đường này để ghi nhận thực tế tình cảnh kẹt xe.
Từ cầu Bình Triệu xuống đường Đinh Bộ Lĩnh, phương tiện lưu thông khá thuận lợi. Tuy nhiên, khi đến đoạn ngã ba Đinh Bộ Lĩnh – Bùi Đình Tuý, xe bắt đầu di chuyển chậm.
Đi thêm khoảng vài trăm mét đến cầu Đinh Bộ Lĩnh, tất cả các phương tiện bắt đầu dồn lại trên đoạn đường khoảng 500 m, từ cầu Đinh Bộ Lĩnh đến ngã tư đường Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng. Ngay ngã tư này có đèn tín hiệu giao thông, mỗi lượt đèn xanh - đỏ khoảng 30 giây nhưng không đủ để giải tỏa lượng phương tiện giao thông dồn về giờ cao điểm. Trung bình, người điều khiển phương tiện phải chờ từ 3 – 4 lượt đèn đỏ, "chôn chân" giữa đường trong hơn 5 phút mới đi qua được đoạn này.
Kẹt xe gần Ngã tư Hàng Xanh: Đưa AI vào điều khiển giao thông
Trên đường này, xe buýt liên tục bật xi nhan, chật vật chuyển làn để ghé trạm đón, trả khách. Do đó, phía sau làm xe máy liên tục bị ùn ứ, ai cũng nôn nóng, cố luồn lách qua các khoảng hở giữa những chiếc xe hơi đang nối đuôi nhau, nhiều người cho xe leo lên vỉa hè. Có thể vì lý do đó nên đoạn vỉa hè nơi đây đã nứt toác khiến việc di chuyển càng vất vả hơn. Vỉa hè bị chắn bởi các trụ điện hoặc xe máy người dân cộng thêm các ổ voi, ổ gà ngập nước sau mưa buộc tài xế buộc phải trở lại lòng đường. Chỉ đoạn đường ngắn, nhiều tài xế lặp đi lặp lại "điệp khúc trèo lên, tụt xuống" nhiều lần như thế. Mọi người tranh nhau từng khoảng hở như một cuộc đua để xem người nào thoát khỏi điểm kẹt sớm nhất.
Thăm dò ý kiến
Bạn ám ảnh với con đường ùn ứ nào ở TP.HCM?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
"Mới ra khỏi nhà khoảng 10 phút mà người đã vã mồ hôi hột. Chưa bắt đầu làm việc mà tôi đã thấy mệt mỏi, đầu óc căng thẳng", chị Phan Thị Duyên (32 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) là một trong hàng ngàn người lọt thỏm giữa đám đông ùn ứ chia sẻ.
Không lối thoát ở một số con đường Q.Bình Thạnh
Khác với giờ cao điểm sáng, chiều tối, cũng là lúc kết thúc một ngày làm việc của người lao động và trở về nhà.
Thời điểm này (17 giờ 30) phóng viên Thanh Niên lại sử dụng xe máy, xuống đường để tìm hiểu tình trạng giao thông giờ tan tầm chiều tối ra sao. Xuất phát từ trung tâm Q.1, rồi di chuyển trên trục đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quốc lộ 13 để về TP.Thủ Đức mới cảm nhận rõ sự mệt mỏi của người dân khi phải "vượt kẹt" mỗi ngày.
Đây được xem khu vực giao thông có nhiều con đường liên tục bị ùn tắc, kẹt xe gây mệt mỏi nhất trong hành trình di chuyển về nhà của người dân phía đông bắc TP.HCM. Từ cầu Thị Nghè đến cầu Bình Triệu dài khoảng 5 km nhưng người đi xe máy phải mất hơn 30 phút, với thời tiết bình thường, trên đường không có sự cố nào mới "thoát khỏi" nơi đây.
"Còn trong những ngày mưa, giông lốc hay ngập nước thì không biết thời gian là bao nhiêu. Có thể 1 tiếng, 3 tiếng hay thậm chí không còn lối thoát để về nhà dù khoảng cách không xa lắm", anh Phạm Hà Khánh Hiệp, ngụ đường Bình Quới (Q.Bình Thạnh) than thở.
Tiếp đến, khi di chuyển từ điểm cầu Thị Nghè, xe cộ bắt đầu ùn ứ, kéo dài đến tận giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Văn Lạc. Bởi giao lộ này thường đón dòng xe lớn từ đường Ngô Tất Tố rẽ vào Nguyễn Văn Lạc để nhập vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Từ đó, đoạn đường đến ngã tư Hàng Xanh ngày càng đông xe hơn.
Tuy nhiên, đoạn đường này chưa phải gọi là ùn ứ nghiêm trọng so với ngã tư Hàng Xanh vì nơi đây là điểm giao, tiếp nhận rất lớn lượng xe cộ từ nhiều hướng khác nhau. Cụ thể, là hướng từ đường Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, từ cầu Sài Gòn đổ vào…
Điểm đặc biệt là ở nút giao Điện Biên Phủ, đoạn từ cầu Sài Gòn rẽ vào Xô Viết Nghệ Tĩnh liên tục ùn ứ vào giờ cao điểm chiều. Khi chạy xe máy đến đây, rất khó khăn để vượt qua bởi nhiều phương tiện đi và rẽ về các hướng khác nhau. Chưa kể đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng teo nhỏ, tạo thành nút thắt cổ chai khiến xe cộ ùn ứ nhiều ở phía sau. Điều này tạo nên dòng xe rất lớn, di chuyển rất chậm, kéo dài đến tận nút giao Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Xí – Ung Văn Khiêm.
Chưa kể, khi phóng viên vượt qua điểm giao kể trên thì vẫn còn mệt mỏi với dòng xe ùn ứ trên quốc lộ 13 và kéo dài đến cầu Bình Triệu để qua địa phận TP.Thủ Đức.
Đến lúc này, nhìn vào đồng hồ, thời gian đã là 18 giờ 5 phút, tức mất khoảng 35 phút để di chuyển trên đoạn đường 5 km. Dù nơi đây liên tục có lực lượng chức năng, CSGT túc trực phân luồng, hướng dẫn các phương tiện di chuyển bất kể giờ giấc nhưng giao thông không khả quan.
Đó là di chuyển trong điều kiện bình thường ở khu vực này còn thời tiết mưa lớn, ngập nước như anh Khánh Hiệp đã mô tả ở trên là rất cực nhọc.
Điển hình như tình trạng kẹt xe, ngập nước không lối thoát sau mưa lớn vào ngày 15.5 và 8.10 ở khu vực Q.Bình Thạnh mà phóng viên báo Thanh Niên từng ghi nhận được.
Vào chiều tối 8.10, nhiều con đường ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) trở nên quá tải bởi lượng xe tăng đột biến sau cơn mưa lớn. Trong chuỗi kẹt xe nghiêm trọng ở đây phải kể đến là: đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ, Nguyễn Gia Trí, Ung Văn Khiêm, Bạch Đằng, quốc lộ 13, Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh…
Anh Hiệp kể lại, ngày 8.10, anh cũng mệt mỏi vì rơi vào tình trạng kẹt xe không lối thoát vừa rồi. Trên đường về nhà, đến đoạn Xô Viết Nghệ Tĩnh thì anh bị kẹt cứng. Anh cố tìm các con hẻm thông ra đường Nguyễn Gia Trí mở lối thoát cho mình. Tuy nhiên, tình cảnh không khá hơn vì nơi đâu cũng kẹt cứng. Anh cố cho xe nhích từng chút nhưng lại gặp tiếp "điệp khúc" ngập - kẹt tại đường D5, Ung Văn Khiêm. Thế là anh "chôn chân" hàng giờ tại đây mới về được đến nhà.
Theo Sở GTVT, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ ngã tư Bạch Đằng đến ngã 5 Đài Liệt Sĩ) xảy ra 615 lần ùn tắc tính từ đầu năm đến hết tháng 9.2024
Ảnh: Phan Diệp
"Với người rành đường khu vực trên, thì ngay khi qua ngã tư Hàng Xanh, có thể len lỏi vào các con hẻm để ra Nguyễn Gia Trí, chân cầu Kinh rồi vào Thanh Đa – Bình Quới. Nhưng ngặt nỗi, nhiều khi kẹt xe trong hẻm là khỏi nhúc nhích và thời gian chờ đợi còn dài hơn cả việc nhích từng tí một trên tuyến đường chính. Gần như khi về đến nhà người mệt lã, chỉ biết nằm, không thiết tha làm gì nữa. Đường đã kẹt rồi mà người phải dầm mưa, chân ngâm nước. Nói thật, tôi rất mệt mỏi mỗi lần về nhà. Theo tôi, kẹt xe, ngập nước nơi đây làm giảm đi chất lượng sống của người dân, thiệt hại về thể chất và cả tinh thần lẫn kinh tế dần mỗi ngày", anh Hiệp mô tả chi tiết một ngày đi làm về nhà.
Theo Sở GTVT TP.HCM, tính từ đầu đến tháng 9.2024 có 6 điểm ùn tắc giao thông chuyển biến tốt, 10 điểm có chuyển biến nhưng tình hình còn phức tạp, 8 điểm không chuyển biến.
Trong 8 điểm ùn tắc giao thông không chuyển biến ở Q.Bình Thạnh có: giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng xảy ra 588 lần ùn tắc, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ ngã tư Bạch Đằng đến ngã 5 Đài Liệt Sĩ) xảy ra 615 lần ùn tắc, ngã tư Hàng Xanh xảy ra 161 lần ùn tắc.
Bình luận (0)