Dị vật thực quản

11/09/2013 03:10 GMT+7

Dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu thường gặp, nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Dị vật thực quản
Ảnh: Shutterstock

Một trường hợp điển hình là bệnh nhân N.V.M, nam, 35 tuổi, ăn cá bị hóc xương, đến khám tại Bệnh viện An Bình (TP.HCM) với các biểu hiện nuốt vướng, nuốt đau khi ăn, đau sau xương ức vùng giữa ngực từ 4 - 5 ngày. Qua nội soi tiêu hóa trên, các bác sĩ phát hiện có mảnh xương cá dài khoảng 4 cm cắm vào thành thực quản và gắp ra cho bệnh nhân. Ngoài các loại xương động vật, hạt trái cây, dị vật thực quản còn nhiều thứ “khó ngờ” như kim, tăm xỉa răng, răng giả, vỉ thuốc có cạnh sắc, đồng xu, búi tóc...

Xem lại thói quen

Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân bị mắc dị vật ở thực quản là thói quen ăn uống: ăn khối thịt to, ăn những loại thịt có lẫn xương, không nhai kỹ, vừa ăn vừa nói chuyện, đùa giỡn, thói quen ngậm tăm xỉa răng sau khi ăn... Có trường hợp phải nhập viện vì uống thuốc nhanh, quên bỏ bao thuốc có cạnh sắc nhọn. Ngoài ra, thức ăn còn dễ bị vướng lại do: các đoạn hẹp tự nhiên của thực quản; tổn thương làm rối loạn vận động thực quản như các khối u tại thực quản hoặc tổn thương ngoài thực quản làm thực quản bị hẹp. Một số trường hợp khác do trẻ em và bệnh nhân tâm thần tự nuốt dị vật.

Biểu hiện thường gặp

Thông thường sau khi nuốt dị vật, người bệnh có thể có các biểu hiện như nuốt khó, nuốt đau, vướng, không ăn uống được, có cảm giác vướng ở cổ, ngực, đau sau xương ức (có thể lan ra sau lưng hay lên vai). Ở trẻ em, trẻ hay quấy khóc, không ăn uống được, miệng chảy nhiều nước bọt. Các biểu hiện nói trên khác nhau tùy theo hình dạng, kích thước dị vật, độ tuổi bệnh nhân, thời gian nuốt dị vật, vị trí dị vật bị vướng lại. Sau một thời gian, người bệnh có thể bị sốt cao, chảy nước bọt, hơi thở hôi, khó thở, ho khạc ra máu, ho đàm mủ, viêm tấy vùng cổ, ói ra máu...

Biến chứng khó lường

Với trường hợp bệnh nhân đến khám trễ (1 - 2 ngày sau khi nuốt dị vật) có thể xảy ra những biến chứng sau: loét thực quản, xuất huyết tiêu hóa (trường hợp dị vật là miếng thịt to hoặc có tính ăn mòn); tổn thương niêm mạc thực quản, xuất huyết tiêu hóa hay tổn thương xuyên thành thực quản (dị vật sắc nhọn)... Nghiêm trọng hơn, những biến chứng nói trên có nguy cơ dẫn tới viêm thực quản lan tỏa, viêm quanh thực quản cổ, áp xe vùng cổ, thủng thực quản, viêm trung thất, áp xe trung thất, viêm mủ màng phổi, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, dị vật đâm thủng mạch máu lớn trong lồng ngực hoặc viêm lan tỏa làm hoại tử các mạch máu lớn dẫn đến xuất huyết nặng. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Để tránh những biến chứng do dị vật thực quản, bạn nên giữ các thói quen tốt như: ăn uống thong thả, nhai kỹ; hạn chế nói chuyện, đùa giỡn khi ăn; cẩn thận với các loại thịt cá chưa được lọc bỏ xương hoặc trái cây có hạt lớn, sắc nhọn; dùng chỉ nha khoa thay tăm; cắt nhỏ thịt; chú ý chọn thực phẩm mềm cho người già và trẻ em; chú ý bỏ vỏ bao thuốc khi uống - nhất là vỏ có cạnh sắc nhọn. Phụ huynh lưu ý không để vật lạ trong tầm tay trẻ em. Khi lỡ nuốt dị vật, bệnh nhân cần được đưa đến khám tại các cơ sở y tế ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ rệt; không nên tự ý chạy chữa, có thể nguy hiểm cho sức khỏe.

BS Đào Hữu Ngôi

>> Lấy dị vật chắn ngang thực quản trẻ 10 tuổi
>> Mổ lấy vỏ thuốc nằm kẹt trong thực quản bệnh nhân
>> Hóc dị vật, những sơ ý tai hại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.