“Dị vật” trong di tích

20/01/2013 03:50 GMT+7

Thanh tra Bộ VH-TT-DL nhìn nhận việc tiếp nhận công đức bằng hiện vật, bổ sung hiện vật, đồ thờ không phù hợp với di tích là điều nhức nhối.

Những con sư tử đá từ một nền văn hóa khác chễm chệ trong chùa Việt. Những chiếc đèn đá cũng không thuộc nền văn hóa bản địa. Chiếc lư đồng được lắp thêm bánh xe để di chuyển cho dễ dàng… “Tôi không hiểu tại sao những thứ lai căng, những “dị vật văn hóa” như vậy lại xuất hiện mỗi lúc một nhiều trong các di tích của ta. Chúng thường là đồ cung tiến”, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ, bức xúc.

Riêng chuyện mấy con nghê, sư tử đá “lạ” trong di tích, theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, tuy thấy không ổn nhưng cũng chưa biết xử lý thế nào. Phần vì chưa có quy định về việc xử phạt đồ thờ tự “lạ” trong di tích; phần vì thanh tra văn hóa là thanh tra chuyên ngành, nên thanh tra xong cũng không có lực lượng cưỡng chế thi hành. Vì vậy, “dị vật” vẫn tiếp tục nằm trong di tích.

Dấu ấn của người cung tiến đồ lễ vào chùa không chỉ dừng ở đó. Thanh tra di tích năm 2012 còn cho thấy nhiều nơi tự tiện khắc tên người cung tiến lên bia công đức. Đền Trình chùa Hương (Hà Nội), lăng Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày (Nam Định) đều có bia như vậy. Trường hợp cá biệt, bia công đức này còn được đặt trên cả lưng rùa hoặc đặt bát hương bên cạnh. “Người đi lễ không biết, cứ thế thắp hương, thế là thành ra thắp hương người sống”, ông Phúc cho biết. 

“Dị vật” trong di tích
Cặp sư tử đá được đặt chễm chệ trong một ngôi chùa Việt - Ảnh: Ngọc Thắng

“Việc đưa đồ mới vào di tích còn gây ra chuyện nghiêm trọng khác là xóa đi đồ cổ”, PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo, nói. Theo ông Tuấn, nhiều chùa đã bỏ những bức tượng thờ lâu đời, thay vào đó bằng tượng mới cung tiến. Sau đó, những bức tượng cổ chẳng hiểu lưu lạc phương nào. “Số lượng di tích vi phạm không nhiều, nhưng thường tập trung ở các di tích có thủ nhang, thủ đền. Còn di tích có liên quan đến các tổ chức nhà nước quản lý thì không”, ông Phúc cho biết.

Ứng phó với “dị vật” di tích, trong những giải pháp tham mưu, thanh tra kiến nghị Bộ VH-TT-DL chỉ đạo các Ban Quản lý di tích không bổ sung hiện vật, đồ thờ tự vào di tích. “Tôi nghĩ cũng không lo cấm là cực đoan quá. Những thay đổi cảnh quan đều phải xin phép cơ quan có thẩm quyền. Nếu tự ý đưa vào có thể gây sai lạc”, ông Phúc nói.

Trên thực tế, theo ông Phúc, tại các di tích đã xếp hạng luôn có hồ sơ cụ thể về việc thờ ai, thờ cái gì, kèm theo ảnh chụp các sắp đặt trong chùa. Thanh tra từ đó có căn cứ để tìm những vật đã bổ sung không hợp lý.

Tuy nhiên, một người làm công tác bảo tồn lâu năm (đề nghị giấu tên) lại cho rằng nếu cấm không đưa đồ thờ mới vào chùa sẽ làm dư luận “dậy sóng”. Di tích trong nước ta thường là di tích sống - nghĩa là người dân vẫn thường xuyên thực hành tín ngưỡng tại đó. Với di tích sống, cấm đưa đồ thờ mới vào cũng gián tiếp hạn chế việc cung tiến - một nhu cầu tinh thần của cộng đồng.

PGS-TS Quốc Tuấn cho rằng việc cấm này nếu được thông qua cũng có lý của nó. Bởi tình trạng đổi lâu đời lấy mới tinh đã diễn ra tại nhiều di tích. Tuy nhiên, với những di tích chưa được xếp hạng, lại ở cấp làng - xã có thể cho phép người dân dâng vật phẩm. Các di tích đã xếp hạng nên tuyệt đối giữ yếu tố gốc. “Điều quan trọng là các chuyên gia phải tư vấn cho dân xem có thể hoặc không thể đưa thêm đồ thờ nào vào di tích”, ông Tuấn nói.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.