Loạt phóng sự Đi về miền Dao (riêng địa phận Lào Cai) khám phá những nét bản sắc độc đáo được người Dao lưu giữ truyền đời, từ hoạt động tín ngưỡng, nghệ thuật tranh thờ, thế giới thầy cúng cho đến những nghi lễ chuyên biệt mà nay đã thành di sản văn hóa đặc sắc, đáng tự hào, gìn giữ và phát huy theo thời gian.
Thầy cúng Chảo Tờ Quẩy ở thôn Séo Tòng Sành, xã Tòng Sành, H.Bát Xát, Lào Cai, chầm chậm mở cái tủ lạnh (không cắm điện), đầy ắp trong đó là sách cổ của người Dao - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - được ông lưu giữ truyền đời, đoạn bảo: "Còn nhiều lắm, mình cho mượn, chưa lấy về".
Chúng tôi hữu duyên được đồng hành cùng 3 nhà nghiên cứu chuyên biệt về người Dao đến từ ĐH Sư phạm Hồ Nam (Trung Quốc), trong đó có GS-TS Triệu Thư Phong, nhà "Dao học" hàng đầu của Trung Quốc, tìm hiểu về vũ đạo và âm nhạc của người Dao ở Lào Cai.
GS Thư Phong chia sẻ nguyên cớ: "Tôi có cơ hội nghiên cứu chuyên sâu về người Dao ở nhiều quốc gia trên thế giới, cũng đã từng gặp và giao lưu với các thầy cúng người Dao Lào Cai tại hội thảo quốc tế về ca khúc và nghi lễ của người Dao diễn ra ở Nhật Bản, nhưng đây là lần đầu tiên tôi cùng hai nhà nghiên cứu một về âm nhạc, một về vũ đạo đến Việt Nam, bởi người Dao nơi đây đang sở hữu nhiều pho tư liệu quý (tranh cổ, sách cổ), những lời hát đối, những vũ đạo chưa từng gặp qua trong quá trình nghiên cứu ở các cộng đồng Dao khác trên thế giới".
Người Dao và tính khiêm nhường
Bữa cơm đón khách phương xa được cô Chảo Sì Mẩy (Triệu Nhị Muội), vợ thầy cúng Chảo Tờ Quẩy (Triệu Đức Quý), chuẩn bị ngay trong lán của gia đình ở thôn Séo Tòng Sành. Trong kiến trúc nhà ở của người Dao, ngoài nhà chính - nơi trú ngụ cả gia đình, người Dao thường làm thêm công trình phụ cận kề, gọi là lán, dùng làm kho lương thực, lưu trữ đồ dùng, cũng là nơi tiếp khách xã giao. Gọi là lán chứ xây dựng khang trang, chắc chắn ngay mặt tiền con lộ nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai lên Sa Pa.
Nếu từng tiếp cận cộng đồng người Dao, hẳn sẽ nhớ cảm xúc về lần gặp ban đầu, ấy là sự e dè, rụt rè, luôn có khoảng cách. Chị Dương Thanh, nhà nghiên cứu độc lập về người Dao Việt Nam, thành viên Hiệp hội Nghiên cứu dân tộc Dao thế giới, thuộc Trường ĐH Kanagawa, Nhật Bản, với hơn 20 năm kinh nghiệm, đưa ra lý giải: "Tính người Dao là vậy, sơ giao ban đầu rất giữ kẽ, chừng mực, và thường giấu mình đi, đặc biệt là khiêm tốn. Tôi có nhiều dịp làm việc và tiếp xúc với các thầy cúng cao tay được cộng đồng người Dao tôn vinh, tín nhiệm, không chỉ trong nước, mà ở Trung Quốc khi có việc cũng thỉnh họ sang hành lễ, nhưng hỏi đến thì họ không bao giờ nhận mình giỏi, không tự cho mình ở những vị trí hay thứ bậc gì cả, luôn đề cao người khác và khi nói về mình chỉ nhẹ nhàng bảo mọi việc làm được do sách dạy, chỉ dựa theo sách mà ra".
Kho sách cổ
Nhắc đến sách, thầy Quẩy bỏ bữa cơm dang dở, đưa cả nhóm đến tủ lạnh để góc nhà, mở ra trong đó toàn sách là sách. Thoạt nhìn cái "kho" độc đáo ấy, mọi người phì cười, nhưng rồi hiểu ra ở xứ sương mù thoắt ẩn hiện cả ngày đêm, len lỏi tận trong nhà, tủ lạnh không cắm điện là không gian tối ưu để thầy cúng người Dao cất giữ "bí kíp" truyền đời qua thế hệ, từ sách dạy cúng, sách xem ngày giờ, sách dạy làm người, làm đám ma chay, sách hát đối, hát giao duyên, sách lập tịnh…
Trong đời sống của người Dao, thầy cúng là nhân vật quan trọng; còn với thầy cúng, kho sách là thứ quan trọng đặc biệt bởi còn sách là còn văn hóa, còn bản sắc, còn nguyên vẹn lời dạy tổ tiên. Thầy cúng quản kho sách, vừa để tiếp tục rèn luyện việc đọc - học, thông hiểu thêm điều tổ tiên truyền dạy. Và thầy cúng cũng dùng kho sách ấy để truyền dạy lại cho con cháu người Dao, nhỏ lớn lên biết được cái chữ, khi trưởng thành biết cách hành sự theo lời cổ nhân, cao hơn nữa là vận dụng cái sách đã nói áp vào cuộc sống, từ nghi lễ tang ma, cưới hỏi, hát đối, vũ đạo, âm nhạc, dựng nhà, cày ruộng, lên đèn, cúng tạ ơn…, tất cả đều được ghi chép đầy đủ trong sách.
Nhóm nghiên cứu ngoài GS Thư Phong, còn có Lý Chính Hàng - chuyên gia nghiên cứu âm nhạc người Dao, và Khưu Dĩnh - chuyên gia nghiên cứu vũ đạo người Dao. Cả ba hỏi đến đâu, thầy Quẩy trả lời, đoạn lấy đúng cuốn sách, mở đúng trang, đọc hoặc hát cho cả đoàn lưu tư liệu bằng ghi âm, hình ảnh. Cách làm việc của cả nhóm say đến quên ăn, cặm cụi ghi chép, sao chụp tài liệu trong ồ à, vui sướng. Trò chuyện thêm, biết được cả ba vị nghiên cứu này ở Trung Quốc thuộc số rất ít chọn ngành hẹp là nghiên cứu về âm nhạc và vũ đạo người Dao. Nữ chuyên gia Khưu Dĩnh chia sẻ: "Quá nhiều thông tin mới với chúng tôi khi xem các pho sách của thầy Quẩy, nguồn tài liệu này rất giá trị, giúp chúng tôi có thể so sánh, hệ thống hóa các tài liệu của người Dao cho hoàn thiện hơn".
Nhà nghiên cứu Dương Thanh, cũng là cư dân Sa Pa, cho biết thêm: "Người Dao họ quý sách lắm, làm việc gì trong đời cũng dựa theo sách. Nhánh Dao ở Sa Pa cũng là nhánh lớn, ví dụ họ Chảo của người Dao toàn cầu thì anh cả ở Sa Pa, họ Lý thì anh thứ hai ở Sa Pa. Do vậy mọi tập tục, nghi lễ, cúng tế… người Dao ở đây còn giữ được gần như nguyên bản".
Bữa cơm thân tình của người Dao miền sơn cước của buổi đầu hạnh ngộ, như một khởi đầu đầy may mắn với chúng tôi, bởi từ đó mở ra cả thế giới rất riêng trong đời sống văn hóa, tâm linh, bản sắc của người Dao để chúng tôi được gần gũi, khám phá. (còn tiếp)
Bình luận (0)