Đi về phương đông

13/06/2012 03:03 GMT+7

Tôi quyết định thực hiện cuộc đông tiến lần thứ nhất sớm hơn dự định, bởi một hấp lực mãnh liệt từ Kharkov.

Tôi quyết định thực hiện cuộc đông tiến lần thứ nhất sớm hơn dự định, bởi một hấp lực mãnh liệt từ Kharkov.

Hấp lực ấy, xin nói ngay là cuộc đối đầu giữa Đức và Hà Lan, tại thành phố Kharkov vào tối 13.6. Để đến với trận đấu này, tôi phải hủy vé xem trận Ba Lan - Nga ở Warsaw, một cuộc đấu hứa hẹn nhiều kịch tính trong và ngoài sân cỏ. Quy định của UEFA là các phóng viên đã được cấp vé, nếu không muốn xem nữa, phải thực hiện thủ tục hủy vé sớm, để người ta chuyển suất ấy cho những người nằm trong danh sách chờ. Nếu không hủy vé, phóng viên sẽ bị đưa vào danh sách “no show” (vắng mặt không lý do), sau này sẽ gặp khó khăn trong quan hệ với UEFA.

Đi về phương đông
Đi về phương đông

CĐV Đức và Hà Lan tại Kiev - Ảnh: Đ.H

Một chặng đường dài

Hành trình dài 17 tiếng, từ Warsaw chuyến tàu IC tiến về hướng đông và lao vào bóng đêm đặc quánh. Tàu khá vắng khách. Ở toa 21, ngoài tôi ra thì còn vài anh chàng Ukraine, vài cổ động viên Đức và Hà Lan, cùng những hành khách không liên quan đến bóng đá. Tôi ở chung toa với Sergey và Volodymyr, hai chàng trai Ukraine làm trong ngành quảng cáo. Volodymyr từng đến Nha Trang, Phan Thiết và Đà Lạt, nên rất thích thú trò chuyện với tôi, bên những chiếc ly giấy đựng rượu vodka nặng tới cháy cổ họng. Câu chuyện càng trở nên rôm rả hơn dưới ảnh hưởng của chất xúc tác là trận Ukraine thắng Thụy Điển.

“Bóng đá có phổ biến ở Việt Nam không?”, Sergey hỏi tôi. “Có chứ. Người ta đá bóng khắp nơi, mỗi lần có giải đấu lớn như Euro là người ta phát sốt lên cả tháng trời. Nhưng nền bóng đá của chúng tôi không được phát triển cho lắm, loanh quanh trong khu vực Đông Nam Á thôi”, tôi giải thích. “Cần phải có thời gian”, Sergey nói. Hôm trước, khi gặp cô gái Lorie đến từ Tây Ban Nha, tôi cũng đã có một cuộc đối thoại tương tự, về bóng đá Việt Nam. Tôi bảo Việt Nam khó mà mơ tới World Cup, cô ấy nói “thì cũng cần thời gian”. Tôi bi quan: “Chắc hết đời tôi quá”, cô gái cười: “Đừng có như thế chứ”. Giờ đây, cái anh chàng Sergey này cũng động viên tôi đừng tắt hy vọng. Thì tôi cố gắng vậy.

Nửa đêm, tôi bị Sergey và Volodymyr dựng dậy, bảo đưa hộ chiếu để người ta kiểm tra. Tôi đưa hộ chiếu cho nhân viên xuất nhập cảnh, rồi khai mấy thứ linh tinh với một anh cán bộ khác, đại khái họ muốn biết tôi có bị bệnh lây nhiễm gì không. “Việt Nam của anh hay bị bệnh viêm gan và tả nên tôi phải kiểm tra”, anh chàng giải thích. Tôi bảo tôi không bị viêm gan, chẳng bị tả. Xong.

Hành trình từ Warsaw tới Kiev rồi Kharkov bằng tàu hỏa mất quá nhiều thời gian, nên rất ít cổ động viên chọn. Anh chàng Jansen đến từ thành phố Duisburg đã đi từ Đức sang Warsaw bằng tàu, rồi đi tiếp qua Ukraine cũng bằng tàu. “Đi máy bay vào mùa cao điểm rất đắt nên tôi chọn đi tàu. Rất mất thời gian, nhưng vì chúng tôi đi một nhóm nên ăn nhậu suốt, cũng vui”, Jansen giải thích. Jansen mời tôi uống bia, những lon Warka màu đỏ rất đậm đà, làm cho quãng đường xa xôi dường như ngắn lại. Tôi có dịp cọ xát với người Đức từ hồi World Cup 2006. Sau này, mỗi lần diễn ra các giải đấu lớn, tôi đều tìm đến doanh trại của đội tuyển Đức. Những tuyển thủ Đức nói về các trận đấu phía trước như nói về một vật ở trong túi của họ vậy, rất tự tin và thực tế. Còn cổ động viên Đức, bề ngoài hơi lạnh lùng, nhưng rất vui và hài hước. Họ thường nghĩ ra những khẩu hiệu rất tức cười nhưng đầy kiêu hãnh. Họ đã giương cao khẩu hiệu để chọc tức người Argentina tại World Cup 2010, “We don’t need the Hand of God because we have the feet of Oezil”, tức “chúng tớ không cần bàn tay của chúa vì đã có đôi chân của Oezil”. Tôi nhắc lại mấy chuyện này làm “mồi nhậu” và cả bọn được một trận cười nghiêng ngả cả toa tàu.

Kiev đầy nắng

Thủ đô của Ukraine buổi sáng nắng chói chang, tới mức một người đến từ miền nhiệt đới như tôi cũng vã mồ hôi. Từ nhà ga chính, sau khi đã hỏi vé tàu đi Kharkov, tôi rảo bộ xuống khu trung tâm. Đại lộ Khreshchartyk nối với Quảng trường Độc lập (Maidan Nezalezhnosti), nơi từng là tâm điểm của cuộc Cách mạng Cam năm 2004 giờ đã được phong tỏa để làm Fan Zone. Bước vào đây, có thể thấy một vùng rực rỡ đầy sắc màu Euro. Nếu ở Warsaw, tông màu chính là đỏ và trắng, thì ở đây, rực lên màu xanh và vàng, quốc kỳ của Ukraine. Cũng khác với Warsaw, Kiev cho ta một hình ảnh tưng bừng hoành tráng, với những kiến trúc cổ đồ sộ. Trên đại lộ Khreshchartyk nổi tiếng, từng nhóm cổ động viên với sắc áo vàng rực rỡ, của Ukraine và Thụy Điển, dạo bước. Người Ukraine đang rất vui sau chiến thắng, còn những người Thụy Điển thì nhìn ngắm phố phường cho vơi sầu. Trên phố, có những chàng trai choàng hình nộm để chụp hình với du khách, dịch vụ này có thu phí và sẽ rất đắt nếu bạn không hỏi trước. Tôi suýt chút nữa bị hố nếu không nhờ một người đi bên cạnh nhắc nhở.

Bên hông đại lộ Khreshchartyk, trước khi vào Fan Zone, tôi bắt gặp những khu lều lạ mắt, cứ như là hàng quán mới dựng lên để bán đồ lưu niệm cho cổ động viên. Khi bước vào, tôi mới biết đây là “căn cứ” của những người kêu gọi trả tự do cho cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, hiện đang ở tù với tội danh lạm quyền. Dù muốn hay không, câu chuyện của bà Tymoshenko đã trở thành đề tài nóng bỏng của Euro 2012. Đến nay, nhiều quan chức châu Âu đã tẩy chay các trận đấu ở Ukraine.

Tôi cố gắng tìm hiểu về những cô gái ngực trần với khẩu hiệu “Euro 2012 chết tiệt”, những con người đang cật lực chống lại sự hiện diện của mùa hè bóng đá sôi động này. Tôi muốn gặp và hỏi xem tại sao lại chống, và tại sao lại cứ phải cởi áo như thế, vân vân. Nhưng bây giờ thì tôi phải chia tay Quảng trường Độc lập đầy nắng, để trở lại ga trung tâm. Nơi đó, một chuyến tàu đêm đang sẵn sàng lăn bánh. Trước mặt tôi là một đêm thức trắng cùng các cổ động viên Đức và Hà Lan. Chúng tôi sẽ cùng nhau hát hò theo nhịp bánh tàu lăn. Chắc chắn thế.

Đỗ Hùng
(từ Kiev, Ukraine)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.