'Địa chỉ đỏ' nghiên cứu thời kỳ tiền Sa Huỳnh

05/06/2017 06:38 GMT+7

Trung tâm quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng vừa phối hợp Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật di chỉ vườn đình Khuê Bắc (P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) lần thứ 3 trên diện tích 50 m 2 vào cuối tháng 5.

Theo quyết định của Bộ VH-TT-DL, Trung tâm quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng vừa phối hợp Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật di chỉ vườn đình Khuê Bắc (P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) lần thứ 3 trên diện tích 50 m2 vào cuối tháng 5.
Qua đó xác định địa điểm khai quật là tầng văn hóa của thời kỳ tiền Sa Huỳnh chứa các dấu tích và di vật của cư dân cách nay từ 3.000 - 3.500 năm. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện 48 di vật gồm rìu, bàn mài, hòn kê, bàn xoa gốm, hòn đập, chày nghiền… cùng nhiều đá nguyên liệu chế tác công cụ, đồ trang sức và nhiều mảnh gốm. Nhóm nghiên cứu cho rằng đây là di chỉ cư trú, mộ táng, chế tác công cụ và đồ trang sức.
Các hiện vật nhóm nghiên cứu thu được từ hố khai quật

Qua 2 lần khai quật trước đó (năm 2001 và năm 2015) và đối chiếu kết quả khai quật năm 2017, tính chất của di chỉ khá thống nhất, việc đánh giá giá trị của di chỉ dần khách quan và đầy đủ hơn.
Đáng chú ý, căn cứ các tài liệu khảo cổ học hiện có, nhóm nghiên cứu cho rằng tại miền Trung chỉ có 2 di chỉ khảo cổ học mà tầng văn hóa còn nguyên vẹn, chứa các dấu tích của cư dân tiền Sa Huỳnh gồm: di chỉ Bàu Trám 1 (H.Núi Thành, Quảng Nam) và di chỉ vườn đình Khuê Bắc. Bộ di vật của 2 địa điểm này nhiều nét tương đồng và có cùng niên đại.
Từ những kết quả đã nêu, nhóm nghiên cứu kiến nghị ngành chức năng thực hiện việc xếp hạng di tích di chỉ khảo cổ vườn đình Khuê Bắc cấp thành phố, tiến tới lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cấp quốc gia. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” trong nghiên cứu thời kỳ tiền Sa Huỳnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.