Đến năm 1840, tại Côn Đảo đã có 205 thường dân và hàng trăm tù phạm. Trại giam được đặt dưới quyền điều hành của một quan lại xếp vào hàng Chánh bát phẩm thư lại, chịu trách nhiệm trực tiếp với Tổng đốc tỉnh Vĩnh Long về cả hai mặt quân sự và hành chánh (Đại Nam thực lục – tập 5 – NXB Giáo dục Hà Nội 2007, trang 710 - 711).
Quyết định số ngày 1.2.1862 của Pháp thành lập Trại tù Côn Đảo |
t.l lê nguyễn |
Hơn 20 năm sau, sau khi lấy được ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, thực dân tiếp tục sử dụng hòn đảo này làm trại giam tù nhân, với tổ chức theo cách của họ.
Năm 1859, quân đội Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, phá hủy thành Gia Định rồi rút trở ra Đà Nẵng. Hai năm sau (1861), họ quay lại tấn công Đại đồn Chí Hòa của triều đình, chiếm cứ toàn bộ thành phố Sài Gòn và lần lượt 4 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long rơi vào tay họ.
Vào thời điểm này, do chưa có một trại giam cố định, ngày 28.12.1861, Đề đốc Bonard ký quyết định tạm thời giao việc giam giữ tù binh cho từng đơn vị (Bulletin Officiel de L’Expédition de Cochinchine [Nam kỳ viễn chinh công báo – BOEC] năm 1862, trang 15). Song chỉ hơn một tháng sau, ngày 1.2.1862, viên Đề đốc này đã ký Quyết định số 35 thành lập một trại giam ở Côn Đảo (Pulo-Condore) dành cho “những kẻ nguy hiểm, những phạm nhân và các kẻ gian”.
Quyết định của Bonard chia phạm nhân Côn Đảo ra hai thành phần:
1) Những kẻ phạm tội phản loạn hoặc tội hình sự chung
2) Tù binh.
Đề đốc Bonard, người ký quyết định thành lập trại tù Côn Đảo |
t.l lê nguyễn |
Hai thành phần trên được tách biệt hẳn với nhau, các tù binh được cấp đất để ở, còn tù hình sự và tù phản loạn phải trồng trọt và làm các việc công ích. Việc canh giữ phạm nhân lúc đầu được giao cho các quan lại và quân sĩ triều đình đã đầu hàng binh lính Pháp, tất cả đặt dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan Pháp về sau sẽ trở thành quản đốc trại giam. Các quan lại và quân lính người Việt coi tù được phép đưa gia đình ra đảo sống với họ. Con cái của họ sẽ là thế hệ người Việt Nam đầu tiên sinh trưởng và lớn lên trên đảo.
Như vậy, từ năm 1862, một chương mới đã mở ra cho hòn đảo lịch sử này. Nó tồn tại từ thời điểm trên cho đến ngày những tên lính Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam (1954 -1955).
Về mặt tổ chức, nhà tù Côn Đảo vào những ngày đầu của chế độ thực dân Pháp được đặt dưới sự chỉ huy của một viên Quản đốc, có sự phụ tá của một Giám thị trưởng, bên dưới là các Giám thị, các Đội, Cai và một số dân quân, chủ yếu là người bản xứ.
Côn Đảo ngày nay là địa điểm du lịch nổi tiếng |
t.l |
Đến cuối năm 1869, số phạm nhân bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo đã lên đến 500 người, tổng số Cai, Đội và dân quân coi tù được nâng từ 23 lên 30 người, gồm 1 Đội, 3 Cai và 26 dân quân. Các giám thị được trang bị súng để tuần phòng ban đêm, ban ngày bỏ súng vào kho, khóa kỹ và chỉ được sử dụng kiếm để canh gác (Quyết định số 135 ngày 9.7.1869 – Bulletin Officiel de la Cochinchine Française – BOCF, no 7/1869, trang 241-242 ; Nguyễn Minh Nhựt - Tổ chức lao tù Poulo Condor thời Pháp thuộc – 1861 -1945 – Tiểu luận Cao học sử - in Roneo, 1972).
Từ năm 1871, trại tù Côn Đảo được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Giám đốc Nha Nội vụ (Directeur de l’Intérieur) làm việc tại Sài Gòn. (Còn tiếp)
Bình luận (0)